Gia tăng dịch bệnh do biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. BĐKH đã khiến dịch bệnh gia tăng. 

Phun hóa chất diệt muỗi tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: IT.
Phun hóa chất diệt muỗi tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: IT.

Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về sự BĐKH cũng như tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai để khống chế các dịch bệnh.

Bệnh dịch bùng phát

Theo Tổ chức Y tế thế giới, BĐKH là một trong những mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất. Ước tính hàng năm trên thế giới, BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng nhiều bệnh tật.

Có khoảng 3,5 triệu người tử vong do suy dinh dưỡng; 2,2 triệu người tử vong do tiêu chảy; khoảng 900 nghìn người tử vong do sốt rét; khoảng 60 nghìn người tử vong do sốc nhiệt và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Dự báo từ năm 2030 - 2050, BĐKH sẽ làm tăng thêm khoảng 250 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm.

Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy: BĐKH làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 10 độ C, thì tăng 3,4 - 4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7 - 11% nguy cơ mắc SXH , tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy.

Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Khi các điều kiện khí hậu thay đổi sẽ có nguy cơ làm gia tăng các dịch, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động BĐKH tại Việt Nam.

Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng) cho biết: Thời tiết thay đổi các loại bệnh lý như tay chân miệng, SXH thường gia tăng. Do điều kiện khí hậu thay đổi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng nên sức đề kháng giảm.

Đó cũng là điều kiện để các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người. Nhất là các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp, rubella…

Với bệnh chân tay miệng, từ năm 2011, số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp. Năm 2018, số ca mắc chủ yếu ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%, miền Bắc 10,6%, miền Trung 10,1% và Tây Nguyên 1,7%.

Tuy nhiên, bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng. Để phòng bệnh chúng ta phải bảo đảm môi trường sạch sẽ, trang bị kỹ năng rửa tay với xà phòng cho trẻ nhỏ.

Theo ông Hùng, bệnh SXH đang là vấn đề y tế công cộng lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Các khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong năm 2018, tại Việt Nam, những tỉnh thành có số mắc tích lũy/100.000 người mắc bệnh SXH cao nhất là Bình Dương, (361,9), Đà Nẵng (281,6), Bình Phước (282,1), TPHCM (222,4), Khánh Hòa (173,7), Đồng Nai (148,7)… Tỷ lệ mắc /100.000 dân của cả nước là 66,6.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh: Các tác động của BĐKH trong thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều dịch bệnh phát hiện trên người.

Đó là các loại bệnh như: Thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, nhức đầu…, nhất là các bệnh truyền nhiễm ghi nhận ngày một nhiều do nhiệt độ tăng cao.

Tại hội thảo khoa học chủ đề “BĐKH và sức khỏe môi trường trong thời kỳ hội nhập”, tại Hà Nội, các chuyên gia cũng chỉ ra người già và trẻ em là hai nhóm dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi, do sức đề kháng kém. Đơn cử như tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiệt độ tăng 1 độ C đã làm tăng 3,4% số trẻ nhỏ nhập viện với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp.

Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về BĐKH

Các chuyên gia Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của các loài muỗi, làm tăng nguy cơ bệnh SXH, sốt rét...

Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, hằng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong.

Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do BĐKH, môi trường. Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đang phát triển mạnh tại Việt Nam như: Lao, SXH, sốt rét…

Để giảm thiểu những tác động của BĐKH lên môi trường và con người, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra những đề xuất rất thiết thực như: Đề nghị Ban Liên Chính phủ về BĐKH, các tổ chức quốc tế hỗ trợ Bộ Y tế triển khai Dự án về thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực y tế bao gồm xây dựng hệ thống quốc gia về dự báo, cảnh báo sớm tác động của BĐKH tới sức khoẻ;

Đưa ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các bệnh viện, các cơ sở y tế. Song song với đó, cần triển khai các mô hình cộng đồng và cơ sở y tế thích ứng với BĐKH để dự phòng, bảo vệ sức khỏe về nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với BĐKH tại các vùng bị ảnh hưởng.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, để thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, Bộ TN&MT cần phối hợp, cung cấp các thông tin, báo cáo, cơ sở dữ liệu về BĐKH và các yếu tố liên quan cho ngành y tế. Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí cho ngành Y tế thực hiện được các nhiệm vụ được giao về ứng phó với BĐKH tại Trung ương và địa phương.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, đến năm 2080 sẽ có khoảng 1,5 - 3,5 tỷ người trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ mắc SXH mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và do khí hậu thay đổi.

WHO cũng chỉ ra, bằng chứng về tác động của môi trường đối với sức khỏe con người ngày càng rõ rệt nhưng hành động và sự đầu tư của các nước vẫn chưa đủ. Chỉ khoảng 3% các nguồn lực y tế được đầu tư vào công tác phòng ngừa, trong khi xấp xỉ 97% được dành vào việc điều trị, làm gia tăng các chi phí chăm sóc sức khỏe.

WHO kêu gọi các nước cần hành động gấp, chung tay chống BĐKH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.