Từ nghị lực, đam mê đọc sách, khát khao đem sách đến gần hơn với mọi người, chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ (40 tuổi) đã trở thành thủ thư đặc biệt của câu lạc bộ (CLB) “Không gian đọc Hy vọng”.
Không gục ngã
Dù chưa một ngày đến trường, nhưng anh Đỗ Hà Cừ, phường Trần Lãm, TP Thái Bình (Thái Bình) luôn khao khát được học chữ. Trong hành trình suốt 40 năm qua, mẹ chính là người thầy duy nhất đã đưa anh đến với tri thức qua từng trang sách.
Hà Cừ bị khuyết tật vận động bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Bố anh là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1973.
Chỉ có một ngón tay duy nhất, anh Cừ được mẹ dạy đọc, dạy viết theo cách rất đặc biệt để viết nên câu chuyện kỳ tích cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Kim Sơn (72 tuổi, mẹ của anh Cừ) cho biết, năm 10 tuổi, Cừ bắt đầu học chữ.
Để con quen mặt chữ, thời gian đầu, trước khi đi làm cô Sơn viết vài chữ vào ghế để nghiêng chỗ anh nằm. Một mình ở nhà Cừ cứ nhẩm và học thuộc, mỗi ngày vài chữ dần rồi anh cũng thuộc được bảng chữ cái Tiếng Việt.
Đến thời gian ghép vần, bà Sơn tiếp tục đánh máy mỗi ngày vài chữ từ dễ đến khó, dần dần Cừ cũng nhận ra được một số chữ. Lúc đầu cô Sơn đánh vài câu dễ phóng thật to, sau đó rút nhỏ dần cỡ chữ và cứ như thế lâu dần Cừ cũng đọc được chữ.
Ngón tay co quắp nên Cừ giở sách rất khó khăn, bà Sơn đã thiết kế cho anh một bàn đọc sách đặc biệt, bàn có độ nghiêng khoảng 45 độ và có dây chun được căng để giữ giữa những trang sách.
Tình yêu với sách của Cừ được bồi đắp từng ngày, anh hết đọc sách của em trai rồi đọc sách mượn của hàng xóm, thư viện tỉnh Thái Bình với tất cả các thể loại như văn học, khoa học, tiểu thuyết, sách thiếu nhi...
Hành trình học chữ đã gian nan nhưng việc học vi tính của Cừ còn vất vả hơn rất nhiều. Dù tìm đủ mọi cách nhưng anh không thể đánh chữ bằng bàn phím như mọi người. Cô Sơn lại thiết kế bàn trượt chuột di ngược để Cừ ngửa tay lên di chuột.
Nhắc đến mẹ, anh Cừ xúc động: “Đến bây giờ, mẹ vẫn luôn là đôi chân, là đôi tay, là trí óc, là tất cả cuộc đời tôi. Tôi đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ đều có bước chân và bàn tay của mẹ. Mẹ luôn xuất hiện ở phía sau chiếc xe lăn của tôi”.
Không chỉ đam mê đọc sách, anh Cừ còn làm thơ. Những vần thơ mộc mạc của anh được mẹ ghi lại, đến nay anh đã làm hơn 100 bài thơ, phần lớn anh dành tình cảm cho người mẹ vĩ đại của mình. Sau mỗi bài thơ anh lại ký tên người con “bất hiếu” Đỗ Hà Cừ.
Hiện tại anh Đỗ Hà Cừ đang hoàn thiện bản thảo cuốn sách tự truyện của mình, anh cùng mẹ đang tìm kiếm ý tưởng cho tên sách. Hai mẹ con phân vân giữa nhiều phương án nhưng phương án nào cũng vẫn sẽ mang màu xanh của hy vọng như chính những gì mà sách đã mang đến cho anh.
Sách làm thay đổi cuộc đời
Nếu mẹ là người thầy duy nhất thì sách chính là người thầy lớn nhất của anh Cừ. Từng có lúc bi quan, có ý định tự tử nhưng những suy nghĩ và hành động của anh Cừ dần chuyển biến tích cực đều nhờ những cuốn sách.
“Sách vừa là người thầy dạy tôi những kiến thức đông tây, kim cổ, sách còn là người bạn tâm giao trò chuyện cùng tôi, đưa tôi đến những nơi mà ngoài đời thực tôi không tới được”, anh Cừ trải lòng.
Với anh, động lực khiến bản thân quyết tâm vươn lên trong cuộc sống chính nhờ đọc những cuốn sách của Nick Mujicic, anh tin rằng, nếu anh quyết tâm thì mọi thứ sẽ đạt được.
Nhân vật Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của văn hào Pháp Victor Hugo đã giúp anh chiến thắng số phận, vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho xã hội.
“Quasimodo là nhân vật khuyết tật như mình nhưng nhẹ nhàng hơn, bị xã hội coi thường dìm xuống đáy của xã hội nhưng anh ta vươn lên, vẫn quyết tâm theo đuổi những gì mình quý. Thằng gù quyết tâm bảo vệ cô gái Digan khiến tôi khâm phục bởi anh ta đã không mặc cảm bản thân để đi tìm tình yêu đích thực”, anh Cừ chia sẻ.
Ngày 24/7/2015, từ niềm đam mê đọc sách, anh Cừ thành lập tủ sách “Không gian đọc Hy vọng” với nhiều thể loại phong phú phục vụ mọi tầng lớp và lứa tuổi và hy vọng mang lại niềm vui cho mọi người.
Theo anh Cừ, những cuốn sách không chỉ giúp cho bản thân mà sẽ giúp cho cả cộng đồng những người yêu sách. Nếu từ nhỏ đã được nuôi dưỡng thói quen đọc sách thì chắc chắn những đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng tâm hồn và lớn lên sẽ trở thành những người tốt.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh Cừ nhận thấy, nếu những cuốn sách hay đến được với những người khuyết tật, kém may mắn thì rất nhiều trong số họ sẽ không còn cảm giác là người “bỏ đi”. Còn sống thì dù hình hài thế nào, bằng cách này hay cách khác đều có thể cống hiến cho xã hội.
Hà Cừ bộc bạch, từ khi có tủ sách “Không gian đọc Hy vọng”, cuộc đời anh bước sang một trang mới. Anh có nhiều bạn bè để chia sẻ mọi tâm tư, nguyện vọng trong cuộc sống.
Cũng nhờ sách mà cuộc sống của Đỗ Hà Cừ thay đổi từ một người khuyết tật nằm liệt giường. Bây giờ anh có thể tự tin vào bản thân tự cải thiện được cuộc sống. “Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam có gần 7 triệu người khuyết tật họ cũng sẽ có ước mơ cải thiện cuộc sống của họ như tôi”, Hà Cừ nói.
Anh cho biết, cái tên “Không gian đọc Hy vọng” mang ý nghĩa là những người đến với không gian đọc thì hy vọng sẽ đạt được những hoài bão và ước mơ của mình.
Ban đầu chỉ từ một tủ sách cá nhân với 300 cuốn sách. Bằng tâm huyết và khát khao đưa sách tới mọi người, năm 2018, anh Cừ mạnh dạn thành lập CLB “Không gian đọc Hy vọng” với vai trò là chủ nhiệm CLB.
Trong năm 2019, CLB có khoảng 8.000 lượt mượn của bạn đọc mỗi năm và có tới hơn 900 độc giả đã đăng ký mượn thường xuyên. Hàng tuần có khoảng hơn 20 độc giả đến đọc và mượn sách.
Hiện CLB đã có 33 tủ sách thành viên trong cả nước, chủ yếu do người khuyết tật quản lý với trên 4.000 đầu sách khác nhau, phục vụ cho hơn 1.000 độc giả đến đăng ký mượn đọc thường xuyên. Bên cạnh đó, luôn có 4.000 đầu sách để luân chuyển đi các Không gian đọc trong và ngoài CLB.
Anh cho biết, để quyên góp được số sách như hiện nay, anh phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm, rồi dần mọi người cũng biết đến và chuyển sách đến cho thư viện.
Hàng ngày anh Cừ cập nhật thông tin của các tủ sách, uốn nắn, theo dõi và chia sẻ thông tin hữu ích để các tủ sách hoạt động hiệu quả nhất có thể.
Ngồi sát bên, bà Sơn mỉm cười: “Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ con mở không gian đọc chỉ để thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của bản thân, nhưng sau Cừ vận động được nhiều sách, con lại muốn cho những người khuyết tật khác có niềm vui như mình, tôi rất phấn khởi”.
Lúc mới bắt đầu, anh Cừ đã gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý cũng như kinh phí để duy trì không gian đọc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình và sự ủng hộ của các mạnh thường quân, đặc biệt là các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên “Không gian đọc Hy vọng” của anh cũng dần hoạt động ổn định.
Chơi cùng các bạn trong “Không gian đọc Hy Vọng” đã trở thành một thói quen của cô bé (10 tuổi) Vũ Phương Bảo Ngân, phường Trần Lãm, TP Thái Bình.
“Con thường đến đây mỗi tuần 3 lần, từ khi biết tới tủ sách này con không cần mua nhiều sách nữa, con có thể đến đây sử dụng sách thường xuyên hơn, được trò chuyện với bác Hà Cừ giúp con thêm yêu quý và trân trọng cuộc đời hơn”, Bảo Ngân nói.
Trực thuộc CLB “Không gian đọc Hy Vọng”, nhằm hình thành và phát triển thói quen ở trẻ em có độ tuổi từ 3 - 12 tuổi, CLB “Hành trình sách và trẻ thơ” đã được thành lập và đi vào hoạt động thử nghiệm từ đầu tháng 4/2024.
Ngoài hoạt động đọc sách, các bé được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, phát triển các hoạt động sau đọc… đã được đông đảo phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng, thời gian tới CLB “Hành trình sách và trẻ thơ” sẽ được nhân rộng ra các địa phương nơi đứng chân của các tủ sách thành viên CLB “Không gian đọc Hy Vọng”.
Mẹ anh Cừ, cô Nguyễn Thị Kim Sơn sắp xếp lại từng cuốn sách. |
Đỗ Hà Cừ cùng các bạn nhỏ bên “Không gian đọc Hy vọng” tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình. |
Nhân lên những hy vọng
Ước mơ của anh Đỗ Hà Cừ là tiếp tục hỗ trợ các bạn khuyết tật mở không gian đọc trên mọi miền Tổ quốc và tự tạo cho mình một việc làm có thu nhập để sau này tự lo cho cuộc sống khi bố mẹ tuổi đã xế chiều, xa hơn Cừ muốn trở thành một nhà thơ đem những vần thơ hay đến với bạn đọc.
Anh Đỗ Hà Cừ cùng các tình nguyện viên của CLB 'Không gian đọc Hy vọng'. |
Để bắt đầu, anh Cừ động viên các bạn trẻ khuyết tật vượt qua rào cản, tự ti, mặc cảm. Sau đó, anh nhờ các tình nguyện viên hướng dẫn họ kỹ năng viết email xin sách, quản lý tủ sách, truyền thông sách... và tiến tới buổi lễ khai trương thành viên mới của CLB.
Hiệu ứng lan tỏa, niềm tin khơi dậy, những tủ sách hồng lần lượt ra đời do các bạn trẻ khuyết tật quản lý như: Niềm Tin, Ánh Sáng, Ước Mơ, Vươn Xa, Nơi dừng chân của bạn... nằm rải rác ở khắp các tỉnh, thành phố.
Mỗi dịp khai trương thêm một không gian đọc, anh Cừ lại gửi khoảng 300 đầu sách đến làm quà chúc mừng và lại cùng mẹ lặn lội hàng trăm km tới dự.
Ngày 10/3/2024 tủ sách thứ 33 được khai trương mang tên “Không gian đọc hạnh phúc” tại xã Đông Phương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) do anh Nguyễn Đức Điển (44 tuổi) làm thủ thư.
“Giống như Hà Cừ, tôi bị khuyết tật vận động bẩm sinh liệt cả 2 chân. Tưởng chừng như tôi sẽ trở thành người bỏ đi nhưng được sự hỗ trợ của Hà Cừ tôi đã tìm đến sách. Từ đó, niềm vui và tình yêu cuộc sống của tôi đã quay trở lại”, anh Điển nói.
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ mở các không gian đọc, anh Cừ còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi review, hùng biện về sách và chương trình Tết sách thường niên để truyền thông cho những cuốn sách hay.
Bên cạnh đó, anh khát khao mở được kênh YouTube để tuyên truyền văn hóa đọc và có thể có thêm thu nhập cho bản thân cũng như góp phần duy trì, phát triển hoạt động của CLB “Không gian đọc Hy vọng”.
“Đỗ Hà Cừ nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2021;
Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam;
Nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam vì đã có thành tích trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2018;
Giải thưởng phát triển Văn hóa đọc năm 2019 do Bộ VH,TT&DL trao tặng. Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vì đã có thành tích xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động ngày sách Việt Nam (giai đoạn 2014 - 2018)”.