Không gián đoạn chương trình chăm sóc người bệnh ung thư vì dịch Covid-19

GD&TĐ - Tổ chức Y tế thế giới - WHO hy vọng vẫn có thể cung cấp chăm sóc và điều trị ung thư cho hàng triệu người trên thế giới, nhất là những người mà việc điều trị ung thư trong quá khứ chỉ là một giấc mơ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 10/2021, hơn một nửa số quốc gia báo cáo chỉ ra rằng việc tầm soát và điều trị ung thư đã bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự hợp tác và cam kết, WHO hy vọng vẫn có thể cung cấp chăm sóc và điều trị ung thư cho hàng triệu người trên thế giới, nhất là những người mà việc điều trị ung thư trong quá khứ chỉ là một giấc mơ.

Ngày 4/2 hàng năm là “Ngày ung thư thế giới”, theo WHO, năm 2021 là năm mà cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và đã có 10 triệu người đã tử vong. Đại dịch Covid-19 lại càng tác động xấu hơn đối với chăm sóc bệnh này.

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và gánh nặng bệnh tật của nó đang ngày càng gia tăng. Vào năm 2021, thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 10 triệu người đã tử vong.

Dự báo những con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những thập kỷ tới. Trong khi đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã chứng minh tất cả các bệnh ung thư đều có thể được điều trị, và nhiều bệnh ung thư hoàn toàn có thể được ngăn ngừa hoặc chữa khỏi.

Theo WHO, việc chăm sóc cho bệnh ung thư cũng giống như rất nhiều bệnh khác, cho thấy còn có sự khác biệt và bất bình đẳng. Sự khác biệt rõ nhất là giữa các nước thu nhập cao và thấp, việc chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh ung thư thì sẵn có ở hơn 90% các nước có thu nhập cao nhưng dưới 15% ở các nước có thu nhập thấp. Tỷ lệ sống sót của trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư là hơn 80% ở các nước thu nhập cao, trong khi ở các nước thu nhập thấp và trung bình thì dưới 30%; và tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh ung thư vú hiện đã vượt quá 80% ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, trong khi chỉ mới đạt 66% ở Ấn Độ và chỉ mới ở mức 40% ở Nam Phi.

Hơn nữa, một cuộc khảo sát gần đây của WHO cho thấy rằng các dịch vụ chăm sóc và điều trị ung thư được chi trả bởi các chương trình chăm sóc y tế lớn nhất của chính phủ ở khoảng 37% các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong khi ít nhất 78% các quốc gia có thu nhập cao đã thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc chẩn đoán và điều trị ung thư có khả năng đẩy các gia đình vào cảnh nghèo đói, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp, điều này lại càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19.

Thu hẹp khoảng cách chăm sóc ung thư

Vì tất cả những lý do này, WHO chọn chủ đề của Ngày Thế giới Ung thư năm nay là "thu hẹp khoảng cách chăm sóc".

Các nỗ lực của WHO tập trung vào ung thư vú, hiện nay là bệnh ung thư phổ biến nhất; ung thư cổ tử cung, một loại ung thư có thể được loại bỏ; và ung thư ở trẻ em. Trọng tâm của chủ đề này là các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi đạt được lợi ích sức khỏe cộng đồng lớn nhất.

Các chương trình hành động về ung thư toàn cầu đang được thực hiện bởi hơn 200 đối tác trên khắp thế giới, trong đó có nhiều ngân hàng phát triển đã tăng đáng kể đầu tư vào nghiên cứu, phòng ngừa và chăm sóc ung thư.

Đầu tư các trung tâm ung thư quốc gia: chìa khóa cho cách tiếp cận toàn diện

Kinh nghiệm của WHO cho thấy tầm quan trọng của các trung tâm ung thư quốc gia trong việc đảm bảo cách tiếp cận toàn diện trong chăm sóc và điều trị ung thư. Đưa các dịch vụ phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị đa mô thức và chăm sóc hỗ trợ ở cùng một nơi sẽ giúp người bệnh ung thư dễ dàng tìm kiếm các dịch vụ và dẫn đến sự tập trung chuyên khoa sâu, và kết quả là sức khỏe tốt hơn.

Hơn nữa, các trung tâm ung thư còn đóng vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu, và theo cách này, sẽ giúp xây dựng năng lực và chuyên môn của một quốc gia.

Tạo điều kiện thuận lợi cho sàng lọc ung thư

Sàng lọc là một yếu tố quan trọng khác của việc phòng ngừa và kiểm soát ung thư toàn diện nhưng quyết định đưa những gì vào chương trình sàng lọc ung thư đòi hỏi phải xem xét kỹ một số yếu tố khá phức tạp. Để hỗ trợ việc ra quyết định về những vấn đề như vậy ở các quốc gia, WHO vừa phát hành Hướng dẫn về tầm soát ung thư.

Tăng khả năng tiếp cận với xạ trị

Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư tiết kiệm, hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất, và ứơc tính có thể được xem là lựa chọn điều trị cho một nửa số bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, mặc dù là một thành phần quan trọng của chăm sóc và điều trị ung thư, nhưng việc tiếp cận với xạ trị trên phạm vi toàn thế giới vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...