Không giảm chất lượng từ rút ngắn thời gian đào tạo đại học

GD&TĐ - Rút ngắn thời gian đào tạo ở đại học không phải là câu chuyện mới.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Từ năm học 2017 - 2018, sau khi Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Chính phủ phê duyệt với điểm mới là rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4 đến 6 năm xuống còn 3 đến 5 năm, một số trường bắt đầu triển khai. Đặc biệt từ năm 2021, quy chế đào tạo đại học cho phép các trường có thể tổ chức mỗi năm từ 2 đến 3 học kỳ chính, thời gian nghỉ hè được tận dụng, ngày càng nhiều trường, nhất là khối tư thục áp dụng thời gian đào tạo toàn khóa 3,5 năm, rồi 3 năm.

Nhiều nước trên thế giới chỉ đào tạo đại học từ 3 đến 3,5 năm, nên việc rút ngắn thời gian đào tạo của các trường đại học Việt Nam là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hội nhập. Hơn nữa, hệ thống tín chỉ trong nước hiện nay chưa phát huy hết khả năng, còn nhiều thời gian trống trong chương trình, nội dung học nhiều nơi vẫn nặng nề, nên việc rút ngắn thời gian đào tạo mang lại nhiều lợi ích. Người học tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, sớm gia nhập thị trường lao động hay dễ dàng học liên thông, liên ngành. Các trường đại học, nhất là khối trường tư, công lập tự chủ tài chính, có cơ hội phát huy tự chủ học thuật, sử dụng tối đa nguồn cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng viên với hiệu suất đào tạo tốt hơn.

Hiện đa số trường khi rút ngắn thời gian đào tạo thực hiện trên tinh thần điều chỉnh, đổi mới chương trình, tích hợp một số môn học gần nhau, chú trọng hơn tính thực hành gắn với nghề nghiệp thực tế đồng thời tăng thời lượng tự học cho sinh viên. Một số môn học có tính hàn lâm, các môn học đã phổ cập ở bậc phổ thông, môn học chuyên ngành... được giảm/bỏ, nhường chỗ cho những môn học mới cập nhật theo xu hướng chung, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết... Tuy vậy, thực tiễn triển khai thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề bất cập.

Việc rút ngắn chương trình đào tạo chủ yếu diễn ra ở nhóm ngành kinh tế, xã hội, luật. Ở khối trường y, kỹ thuật, việc rút ngắn thời gian đào tạo khá khó khăn. Ngay trong một trường, có những ngành học việc rút ngắn thời gian khó, thậm chí không thể. Để thu hút sinh viên qua những điểm nhấn mang tính PR như thời gian ngắn, chi phí rẻ, vào thị trường lao động sớm, một số trường triển khai điều chỉnh chương trình ít nhiều vội vã, cơ học, đại trà. Trong khi các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy và các điều kiện khác như thư viện, học cụ vẫn chưa đáp ứng, việc tăng khối lượng dạy học trong một khoảng ngắn trở nên không tương thích, gây khó khăn cho sinh viên và giảng viên. Việc cắt giảm chương trình không hợp lý từ đó có thể dẫn đến nguy cơ sinh viên thiếu kiến thức khi tốt nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và tình trạng thất nghiệp sẽ tăng.

Rút ngắn thời gian đào tạo chỉ thực sự hiệu quả khi việc điều chỉnh chương trình được thực hiện bài bản, khoa học và người học chủ động, nỗ lực trong học tập. Rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa cắt bớt chương trình và chất lượng giảm, mà ngược lại, khối lượng kiến thức và kỹ năng của các chương trình cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu khung trình độ quốc gia. Công việc này thuộc về trách nhiệm nhà trường trong bối cảnh tự chủ đại học nhưng cũng cần sự hậu kiểm kỹ càng từ cơ quan quản lý để kịp thời chấn chỉnh bất cập, đảm bảo rút ngắn thời gian đào tạo nhưng nguồn nhân lực vẫn chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em có khả năng hình thành ký ức tuy nhiên chưa thể lưu trữ hoàn toàn chúng.

Giải mã ký ức của trẻ sơ sinh

GD&TĐ - Những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của con người, là lúc mà bộ não bắt đầu hình thành và xây dựng những kết nối phức tạp.