Ông Đường Xuân Vũ tìm kiếm con trai suốt 92 ngày qua. Hôm nào ông cũng đi quanh những khu vực đông đúc nhất của thị trấn để dán những chiếc áp-phích tìm kiếm một chàng trai trẻ có khuôn mặt tròn, đeo kính. Tấm áp phích mô tả con trai ông vô cùng ngắn gọn: tên Đường Cung Duy, 26 tuổi, cao khoảng 1,7 m. Trên đó cũng nêu lý do tại sao anh mất tích. Phát hiện mình bị ung thư dạ dày, anh không muốn tạo thành gánh nặng cho cha mẹ nên đã bỏ nhà đi.
Câu chuyện của ông Đường thu hút dư luận Trung Quốc bởi sự mỉa mai tàn khốc hơn là gây thương cảm. Mỉa mai vì con trai ông Đường không phải nông dân bình thường như bố. Anh là một dược sĩ làm việc trong hệ thống y tế khổng lồ của Trung Quốc nhưng lại chẳng nhận được bất kỳ phúc lợi nào khi chữa trị ung thư.
Hai vợ chồng ông Đường rong ruổi cả ngày để dán áp-phích và hỏi thăm về người con trai. |
Gần một thập kỷ sau khi triển khai kế hoạch cải cách hệ thống y tế trị giá 130 tỷ USD, hàng triệu người Trung Quốc vẫn không đủ khả năng trả tiền điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Bảo hiểm dành cho các bệnh chết người như ung thư rất thấp, nhiều loại thuốc chữa trị ung thư lại không được bảo hiểm chi trả.
Chia sẻ với tờ The NewYork Times, giáo sư kinh tế Lý Linh tại Đại học Bắc Kinh cho hay: "Hệ thống chăm sóc sức khỏe Trung Quốc cần tìm cách giảm chi phí. Chi phí hiện tại quá đắt đỏ so với mức thu nhập của người dân bình thường".
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Trung Quốc đang tăng cao song tỷ lệ chữa trị thành công lại rất thấp. Năm 2015, nước này có khoảng 4,3 triệu bệnh nhân ung thư, tương đương 12.000 người được chẩn đoán ung thư mỗi ngày, gấp đôi năm năm trước.
Theo Trung tâm nghiên cứu và phòng chống Ung thư quốc gia Trung Quốc, ở các vùng nông thôn, nơi khoảng 41% dân cư sinh sống, chỉ có khoảng 1% bệnh nhân ung thư sống sót sau 5 năm kể từ lúc phát hiện bệnh. Tại các khu vực đô thị, tỷ lệ này là 40%.
Việc Đường Cung Duy mất tích gây xôn xao khắp Trung Quốc. Như nhiều người khác, Đường Cung Duy lớn lên mà không có anh chị em ruột do chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc.
Từ nhỏ, Đường Cung Duy đã là người nội tâm và hiếu học. Anh học trường trung học Yali ở thành phố Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam, một trong những trường trung học hàng đầu của Trung Quốc. Tốt nghiệp xong, Đường Cung Duy làm dược sĩ ở một bệnh viện công tại thành phố Hành Dương. Anh được bệnh viện cấp bảo hiểm y tế, nhưng chỉ được trả lương khoảng hơn 2.000 tệ (gần 7 triệu VND) một tháng.
Ngày 15/2, Đường Cung Duy nói với cha rằng anh bị ung thư dạ dày. Người đàn ông trẻ tuổi liên tục xin lỗi bố mẹ vì đã tạo thêm gánh nặng cho gia đình. Ông Đường dù chỉ kiếm được hơn 1.000 tệ (khoảng hơn 3 triệu đồng) một năm nhờ trồng lúa, vẫn an ủi con không cần lo lắng vì gia đình sẵn sàng vay tiền để anh chữa trị.
Thế nhưng Đường Cung Duy không muốn cha mẹ phải sống vay mượn. Ngày 21/2, anh bỏ nhà ra đi, chỉ để lại một bức thư trên gối bày tỏ mong muốn bố mẹ tha lỗi cho mình.
"Nếu con chữa trị mà không thể sống sót thì bố mẹ không những phải chịu nỗi buồn mất con mà còn bị một khoản nợ lớn đè nặng trong những năm tuổi già, đó là một tội lỗi không thể dung thứ của người làm con. Dù con có chết một vạn lần cũng không thể tạ hết tội", Đường Cung Duy viết trong thư từ biệt.
Chân dung Đường Cung Duy. |
Ông Đường phát hiện con trai đã mua vé tàu đến Trương Gia Giới, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở miền trung Trung Quốc với cảnh quan hùng vĩ, được nhiều du khách so sánh với cảnh sắc trong bộ phim bom tấn Avatar. Trong ba tháng, hai vợ chồng ông đã tới Trương Gia Giới sáu lần nhưng chưa thu được kết quả.
Manh mối duy nhất cho thấy con trai ông Đường vẫn còn sống là khi người chú gọi điện vào di động của Đường Cung Duy ngày 16/5, bên kia nhấc máy dù không nói gì. Trước đó, điện thoại luôn tắt.
Giờ đây, vợ chồng ông Đường chỉ biết tự cố gắng tìm con. Cảnh sát không xếp trường hợp Đường Cung Duy vào diện mất tích bởi anh tự nguyện rời nhà, cũng không cho phép ông Đường xem lịch sử điện thoại của con nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Ngoài việc dán áp-phích, ông Đường hỏi thăm người đi đường và đưa tin cho các phóng viên. Hai vợ chồng ông cũng nhận được một số giúp đỡ từ người dân địa phương, như được ở trọ miễn phí và giúp truyền tin qua sóng đài truyền hình nhà nước tại Trương Gia Giới.
Mỗi ngày, ông Đường còn nhắn tin điện thoại cho Đường Cung Duy, vài tin nhắn báo đã được gửi đi. Người cha luôn động viên con trai và xin lỗi vì đã mải mê làm ăn không dành đủ thời gian cho anh.
Không ai biết hành trình tìm con của vợ chồng ông Đường bao giờ mới kết thúc. Và những câu hỏi về chất lượng hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc mà câu chuyện này nêu ra vẫn còn bỏ ngỏ.