Không đếm ý cho điểm trong chấm thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ngữ văn là môn duy nhất được chấm theo hình thức tự luận với quy trình chấm riêng.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Với đặc thù môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thanh Thuý, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ cho rằng, để chấm bài đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo đáp án của Bộ GD&ĐT, đồng thời thể hiện sự công tâm, nâng niu, trân trọng từng bài làm của học sinh là rất khó.

Kinh nghiệm nhiều năm chấm thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, văn chương vốn đa nghĩa, đa cảm xúc, gợi cho người đọc những cách cảm thụ khác nhau, có thể dẫn đến hiện tượng chấm lệch điểm giữa các giám thị. Do đó, cán bộ chấm thi phải nắm chắc quy chế, tuân thủ quy định của Hội đồng chấm để có tiếng nói chung, tránh sự thiếu đồng bộ, lệch điểm, người chấm quá chặt tay hoặc quá lỏng dẫn đến ảnh hưởng đến bài thi của học sinh.

Trước khi giám khảo nhận bài chấm sẽ có buổi họp chung tất cả cán bộ chấm thi, thảo luận đáp án và chấm chung một số bài, giúp việc chấm đều tay hơn. Do đó, cán bộ chấm thi cần bám sát, tuân thủ theo đáp án đã thống nhất; nhưng cũng nên linh hoạt, cân đối toàn bài thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

“Bài làm đánh giá kết quả quá trình 12 năm học tập, để học sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì thế, cán bộ chấm thi cần công tâm, khách quan, tránh để tâm lý ảnh hưởng đến việc đọc bài làm của học sinh, hoặc tránh áp đặt bản thân vào suy nghĩ của các em, ảnh hưởng đến điểm số.

Thay vào đó, cán bộ chấm thi luôn phải nâng niu, trân trọng bài làm của thí sinh, không bỏ sót ý văn bằng cách đọc kỹ, đi sâu phát hiện ý trong các câu văn của học sinh, đặt vị trí của người chấm trong vai trò của thí sinh để cảm nhận một cách tốt nhất.

Cuối cùng, để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ chấm thi cần bảo quản tốt bài thi của thí sinh, nhẹ nhàng và xử lý đúng quy trình chấm, thực hiện đầy đủ nghiệp vụ chấm thi để đảm bảo quyền lợi của thí sinh được cao nhất”, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Nhận định đáp án của Bộ GD&ĐT rõ ràng, đủ ý, tương đối mở, giúp thí sinh không bị mất điểm, có sự phân hóa để giám khảo dễ chấm và lọc được bài làm khá, giỏi, cô Đỗ Thị Quỳnh Như, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) cho rằng, cán bộ chấm thi trước hết phải bám sát đáp án và hướng dẫn chấm chi tiết của Bộ.

Đồng thời, chấm chính xác theo phiên họp thống nhất của Hội đồng chấm chung trong việc chia ý lớn, tách ý nhỏ. Đọc kỹ phần Đọc hiểu để không mất điểm của học sinh. Đánh giá cao phần sáng tạo mở rộng trong phần làm văn để phân loại học sinh. Tuy nhiên không đếm ý cho điểm mà phải chú ý chất văn và cách trình bày khoa học trong từng bài.

Cô Nguyễn Thị Nhuận, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cũng nhận định đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn là phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu.

Đặc thù môn Ngữ văn có ảnh hưởng cảm nhận chủ quan của người chấm nhưng không nhiều, bởi đáp án, biểu điểm rõ ràng, yêu cầu rất rõ ràng từng ý. Để tránh sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo, theo cô Nguyễn Thị Nhuận, người chấm cần học thuộc biểu điểm bám sát yêu cầu đáp án; chấm đúng quy chế, xem kỹ từng phần tránh sót ý, cộng nhầm điểm của thí sinh,...

Nhằm quán triệt và tạo sự thống nhất cao trong công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết: Lãnh đạo Hội đồng chấm thi tự luận đã tổ chức họp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Trước khi họp toàn thể Hội đồng chấm thi tự luận, trưởng môn chấm thi đã họp cùng tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm để nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án và hướng dẫn chấm.

Trên cơ sở đề xuất, phân tích các tình huống có thể phát sinh trong quá trình chấm bài, trưởng môn và tổ trưởng các tổ chấm đã chủ động thống nhất biểu điểm từng phần, đưa ra các cách diễn đạt tương đương mà vẫn đúng với tinh thần đáp án.

Vì thế, khi triển khai sinh hoạt đáp án, trong toàn thể hội đồng, cũng như từ thực tế 10 bài chấm chung, giám khảo đã có cơ sở pháp lý (đáp án, hướng dẫn chấm) và cơ sở thực tế để linh hoạt trong quá trình chấm, phù hợp với đặc trưng bộ môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ