Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cung ứng hàng Tết |
(GD&TĐ) - Giá gas đột ngột tăng với mức khủng và giải pháp để bình ổn thị trường dịp cuối năm… là hai vấn đề nóng nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong buổi họp báo thường kỳ tháng 11 vừa được Bộ Công Thương tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Giá gas tăng theo quy luật thị trường?
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), quy định Luật giá, Nghị định 177/NĐ-CP giao Bộ Tài chính quản lý về giá gas, trong khi đó, mặt hàng này phụ thuộc vào giá thế giới. Hiện giá thế giới đã tăng lên mức 267 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011, kéo theo giá gas trong nước tăng thêm 70.000 - 80.000 đồng/bình kể từ ngày 1/12.
Thừa nhận việc tăng giá của mặt hàng năng lượng thiết yếu này (với tầm quan trọng tác động tới thị trường chỉ sau xăng dầu và điện) sẽ tác động mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp và đời sống người dân, nhưng ông Chiến không đồng ý với nhận định việc tăng giá của gas sẽ kéo theo đà tăng của nhiều mặt hàng hóa tiêu dùng trên thị trường.
Theo ông, quy luật thông thường cho thấy vào những tháng cuối năm, giá cả thị trường luôn có mức tăng nhất định do sức mua của người dân tăng cao, thị trường năm nay cũng không nằm ngoài quy luật ấy và chắc chắn tác động do giá gas tăng sẽ không cao, thậm chí là không đáng kể.
Tuy vậy, kiểm soát giá cả thị trường, trong đó có những mặt hàng trọng yếu như giá gas, là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương.
Ông Chiến cho biết để hạn chế việc tăng giá gas trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã chấp thuận đề nghị của Hiệp hội gas giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 0%. Đồng thời, sẽ có những biện pháp hạn chế việc lợi dụng việc mặt hàng gas được quản lý theo cơ chế thị trường để thao túng giá.
Tăng cường kiểm soát thị trường phục vụ Tết
Trao đổi về một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong thời gian này là thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2013, từ ngày 6/11/2013, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 24/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá nhằm bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới.
Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá và chống chuyển giá; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.
Cũng theo bà Hồ Thị Kim Thoa, thời gian này các địa phương, doanh nghiệp đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Điều đặc biệt theo bà Thoa là năm nay, nhiều địa phương đã tự chủ động nguồn vốn để dự trữ hàng hóa, không phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước như thời gian trước.
Thùy Chi