Sáng 1/11/1997, một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam biển Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão thứ năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Linda.
Bão di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng tây. Đến sáng 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió tối đa 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Tối và đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Nhận định bão Linda diễn biến phức tạp, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã liên tục thông báo và họp khẩn với các địa phương bàn cách đối phó.
Tuy nhiên, không chỉ người dân, một số cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ cũng không mấy ai tin vào sự xuất hiện của cơn bão sẽ đi vào khu vực này. Thậm chí trong một cuộc điện thoại, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương còn nghe được câu trả lời: “Biển Tây - biển Kiên Giang là vùng thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này”.
Hậu quả, bão Linda đã đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương này. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương khi đó, các thiệt hại do bão Linda gây ra với 21 tỉnh thành Nam Bộ là “hết sức nặng nề, nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, nhà ở, cơ sở vật chất và mùa màng”.
Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tính, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. Số nhà bị sập là 107.890, hơn 120.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha diện tích lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Nhắc lại cơn bão Linda để chúng ta chủ động phòng ngừa, quyết không để xảy ra thảm kịch này lần thứ 2