Chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho Tuần lễ APEC

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12 được dự báo sẽ đổ bộ vào Trung và Nam Trung Bộ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (CĐTƯPCTT) đã tổ chức họp trực ban để chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12.

Báo cáo nhanh của Ban CĐTƯPCTT cho thấy, lũ trên sông Ba (Phú Yên), sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đang lên; các sông khác từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên đang xuống.

Trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Ba, sông Cái Nha Trang sẽ đạt đỉnh, sau đó xuống dần; các sông khác từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, sông Dinh (Khánh Hòa) và các sông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 12, từ ngày 4/8/11 trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao sẽ xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trong đợt lũ này.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm Công điện số 83, 84 ngày 31/10 của Văn phòng thường trực; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng; Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Ban CĐTƯPCTT chỉ đạo, các đơn vị phải tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.

Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng.

Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 1/11, Biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 51.366 tàu/259.370 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, hiện còn 31 phương tiện của Bạc Liêu, 112 phương tiện (897 lao động) tại Cà Mau chưa liên lạc được. Đây là các phương tiện có công suất nhỏ khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Hiện các địa phương đang tích cực tìm cách liên lạc.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo APEC và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ. Đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ