Không để 'khoảng trống' pháp lý khi tinh gọn hệ thống chính trị

GD&TĐ - Việc triển khai kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tuy nhiên, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng kèm theo là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được rà soát, sửa đổi để không có “khoảng trống” pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua rà soát sơ bộ bước đầu có 184 luật, 200 nghị định cần sửa đổi, chưa kể các quyết định của Thủ tướng, nghị quyết và nghị định của Chính phủ.

Sau khi hợp nhất các bộ, ngành Trung ương với những lĩnh vực quản lý đa ngành nếu không phân cấp, phân quyền thì chắc chắn không có bộ trưởng nào có thể bao quát được tất cả - Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.

Qua rà soát bước đầu, có khoảng 174 luật chuyên ngành có liên quan đến phân cấp, phân quyền cần phải sửa đổi, chưa kể nghị định có liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bởi vậy, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 2 tới (kỳ họp bất thường) phải sửa đổi những luật bắt buộc phải sửa ngay để có thể vận hành thông suốt bộ máy.

Cụ thể, dự kiến sẽ phải sửa Luật Tổ chức Quốc hội và dựa vào kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền mới có thể sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội tới cũng sẽ phải ban hành một nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo sắp xếp mới. Trong nghị quyết sẽ có điều khoản chuyển giao những nhiệm vụ từ các bộ trước khi sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục làm nhiệm vụ trong những cơ quan mới.

Như vậy có thể thấy, khối lượng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tinh gọn tổ chức của Chính phủ là rất lớn, thời gian rất gấp rút. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra, như ý kiến của đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ mới đây thì việc rà soát văn bản liên quan phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, chi tiết các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp. Từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc ban hành mới.

Các vướng mắc cũng cần có giải pháp xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm không có “khoảng trống” trong quá trình sắp xếp. Đối tượng là toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 139, Nghị định 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020 còn hiệu lực tính đến ngày 15/12 chịu sự tác động của sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ngoài ra, trong quá trình rà soát cũng cần lưu ý đến tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm hành chính của các chủ thể chịu sự tác động của sắp xếp tổ chức bộ máy...

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cuộc cách mạng.

Vậy nên, cho dù cùng lúc phải thực hiện rà soát, sửa khối lượng rất lớn các luật, nghị định, quyết định, nghị quyết là việc khó nhưng bắt buộc phải làm và phải làm khẩn trương, hướng tới xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ