Không để học trò thiếu sách

GD&TĐ - Ngành GD-ĐT các tỉnh miền núi Tây Bắc có đồng quan điểm sẽ không để cho học sinh nào phải “học chay” trong năm học sắp tới.

Lai Châu xác định sẽ không để bất cứ trường hợp học sinh nào phải “học chay”.
Lai Châu xác định sẽ không để bất cứ trường hợp học sinh nào phải “học chay”.

Các địa phương đang tìm giải pháp cung ứng đủ, đồng thời tạo động lực để bà con gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Khó cũng phải lo

Xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) tuy không giáp biên giới, song lại là xã khó khăn nhất của huyện. Pá Mỳ có 513 hộ dân tộc Mông, với trên 2.800 nhân khẩu, sinh sống tại 10 bản. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm khoảng 84%.

Do đời sống kinh tế còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí hạn chế nên những năm qua, người dân xã Pá Mỳ luôn được Đảng, Nhà nước đầu tư hỗ trợ từ nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế. Bởi vậy, một bộ phận nhân dân đã hình thành tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm của Nhà nước.

Nhận định đây có thể là trở ngại trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT mới, thầy Nguyễn Quang Tuyến - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS (PTDTBT THCS) Pá Mỳ sớm bàn bạc với tập thể nhà trường để tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi ý thức.

“Trước khi triển khai Chương trình GDPT mới 2018, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền để nhân dân ý thức được việc mua sắm sách vở cho con em mình, trước hết đó là trách nhiệm của phụ huynh. Có như vậy, phụ huynh mới đồng thuận, phối hợp bằng cách chủ động dành dụm, tiết kiệm tiền để mua sách cho con”, thầy Nguyễn Quang Tuyến chia sẻ.

“Với học sinh thuộc diện hộ nghèo, chúng tôi thống nhất với phụ huynh quy đổi tiền hỗ trợ chi phí học tập mà Nhà nước chi trả hàng tháng để mua sách chứ không mang tiền về như trước. Song năm học 2021 - 2022 hiệu lực của chính sách đó đã hết, chúng tôi đang tính sẽ kêu gọi các tổ chức xã hội quyên tặng, ủng hộ để các cháu có SGK học. Hộ cận nghèo, bố mẹ sẽ phải chủ động mua”, thầy Tuyến nói thêm.

Sơn La cũng là tỉnh có nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới song ở đây công tác xã hội hóa được thực hiện có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân cũng được các đơn vị trường học thực hiện tốt nên việc chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới gặp nhiều thuận lợi,

“Mặc dù là địa bàn nông thôn, miền núi song những năm qua chúng tôi kêu gọi sự chung tay của cộng đồng rất lớn. Đầu mỗi năm học, các trường đều được kết nối với tổ chức thiện nguyện hỗ trợ SGK, dụng cụ học tập nên cơ bản là không có trường hợp học sinh nào thiếu SGK và dụng cụ học tập”, ông Thiệu Nam Bình - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết.

NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu.
NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu.

Để học trò không phải học chay

Theo kế hoạch, ngay sau khi có kết quả lựa chọn SGK, Sở GD&ĐT Lai Châu sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kết quả lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 trước 15/5. Tháng 7 - 8/2021, sở GD&ĐT tổ chức tập huấn thực hiện SGK lớp 2, lớp 6. Trong đó, có tổ chức các lớp dạy thực nghiệm về thực hiện giảng dạy SGK mới.

“Từ những nội dung đã triển khai và dự kiến thực hiện, chúng tôi thấy thời gian nghiên cứu SGK lớp 2, lớp 6 trên địa bàn tỉnh Lai Châu phù hợp. Cán bộ quản lý, giáo viên đủ tự tin triển khai và thực hiện tốt SGK lớp 2, lớp 6 trước khi vào năm học mới”, NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu  chia sẻ.

Qua thống kê, năm học 2021 - 2022, tỉnh Lai Châu có khoảng 10 nghìn học sinh lớp 2 và 6 thuộc 58 xã đặc biệt khó khăn theo học. Những học sinh này đều thuộc diện gia đình khó khăn, được hỗ trợ SGK, vở viết theo Nghị quyết số 34/2016 của HĐND tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, Nghị quyết này đã hết hiệu lực thi hành. Bởi vậy, để chủ động trang bị SGK cho học sinh vào năm học tới, sở GD&ĐT đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo chuẩn bị SGK, vở viết cho học sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Trước hết đó là nguồn kinh phí sẵn có của UBND các huyện, thành phố.

Với những học sinh được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngành GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trường học phối hợp với phụ huynh dùng nguồn này để mua sách, vở cho học sinh.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phân tích để phụ huynh hiểu và đồng thuận với quan điểm trích tiền hỗ trợ chi phí học tập  mua sách cho con. Thực tế để làm được việc này không dễ, bởi lâu nay nhiều hộ trông chờ và coi nguồn hỗ trợ học tập cho con em mình như một nguồn thu nhập của gia đình, nên họ không đồng ý. Nhiều gia đình phó mặc con em cho nhà trường, thầy cô. Vì vậy giáo viên phải thuyết phục bằng nhiều cách”, ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết.

Theo thầy  Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Lai Châu), trường ở xã vùng 3, học sinh chủ yếu được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Nhà nước, vậy nên hàng năm các cháu đều được trích kinh phí để mua sách. Nếu như trước kia, các cháu được hỗ trợ bằng tiền mặt, đến khi phải dùng tiền đó để mua sách, chúng tôi lập ra 2 danh sách: 1 bản là tiền hỗ trợ để phụ huynh ký nhận, bản thứ 2 là phụ huynh ký nộp vào mua sách. Gần đây, khi nhiều hộ dân được hưởng thụ từ chính sách hỗ trợ chi phí cho dịch vụ môi trường rừng khiến đời sống nhân dân ngày một cải thiện. Ngành GD-ĐT Lai Châu cũng coi đó là nguồn kinh phí để kêu gọi phụ huynh đầu tư mua sách cho con, chia sẻ gánh nặng với  ngân sách. 

Một số xã có tiền dịch vụ môi trường rừng, các trường phối hợp với chính quyền xã bàn bạc, thống nhất với phụ huynh học sinh trích một khoản tiền đủ mua sách, vở cho học sinh. Những trường hợp còn lại, các đơn vị đã và đang vận động nhà hảo tâm ủng hộ sách, vở cho học sinh và nguồn hợp pháp khác. Quan điểm của chúng tôi, phải cố gắng không để cháu nào phải học chay trong năm học tới. - NGƯT Đinh Trung Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ