Để các em không bị đứt gãy việc học giữa chừng, nhiều trường, ngành Giáo dục đã chủ động giải pháp ứng phó.
Chủ động gỡ khó
Trường Tiểu học Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang) năm học 2022 - 2023 có 21 lớp với 668 học sinh, trong đó có 405 học sinh dân tộc. Trường nằm ở xã miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới đã hỗ trợ xây khu 2 tầng, 12 phòng học đạt chuẩn. Các phòng học bộ môn, chức năng, nhà vệ sinh được đầu tư, kiên cố hóa.
“Quá trình triển khai nông thôn mới, chúng tôi cũng tính đến những tác động có thể ảnh hưởng học sinh và lên phương án hạn chế tối đa. Nhiều học sinh trước đây được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, tiền ăn bán trú, sách vở…, giờ không còn sẽ khó khăn. Ngoài ra, nhà trường kêu gọi tổ chức, tập thể, các doanh nghiệp chung tay giúp đỡ các em. Nhờ gỡ khó kịp thời cho học sinh các điều kiện vật chất cơ bản nên không có học sinh nào của trường bỏ học giữa chừng, tỉ lệ chuyên cần luôn đạt 100%” – cô Thu chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Kim Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, trường có 59 học sinh thuộc diện khó khăn, để các em an tâm đến trường, Ban giám hiệu đã tổ chức chương trình đỡ đầu học sinh. Mỗi thầy cô của trường sẽ đỡ đầu 2 học trò. Các em được giúp đỡ về học tập, sách vở, bút mực. Không những thế, trong cuộc sống hằng ngày, học sinh có khó khăn, vướng mắc, các thầy cô đỡ đầu sẽ đồng hành cùng hỗ trợ”.
Bắt đầu triển khai chương trình nông thôn mới, nhiều phụ huynh chưa thích nghi được ngay. Do đó trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ để tuyên truyền cho nhân dân hiểu.
Cũng như Trường Tiểu học Thượng Ấm, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hữu Lễ (Văn Quan, Lạng Sơn), cô Hoàng Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Triển khai chương trình nông thôn mới, nhiều thôn vùng ba đặc biệt khó khăn sẽ lên vùng 1.
Như vậy, những học sinh nhà cách trường 4km không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 là hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, gạo. Trong khi đó, dù trường gần nhà nhưng điều kiện gia đình của các em vẫn rất khó khăn. Do đó, để học sinh không nghỉ học giữa chừng, chúng tôi chủ động triển khai nhiều biện pháp như kêu gọi xã hội hoá, tổ chức chương trình hũ gạo tình thương, thầy cô hỗ trợ một ngày lương để đồng hành cùng học trò”.
Năm học vừa qua, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hữu Lễ có tổng số 193 học sinh thì 93 em không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Với việc đi trước đón đầu, tháo gỡ khó khăn thực tế của nhà trường mà 93 học sinh này vẫn đi học đầy đủ. “Trường chủ động kêu gọi các nhà hảo tâm cùng đồng hành với học trò. Đã có hai doanh nghiệp, một tổ chức đứng ra ủng hộ các bữa ăn bán trú cho 93 học sinh với giá trị 18 nghìn đồng/bữa”, cô Hương cho biết.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hữu Lễ (Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh NTCC |
Giải pháp tình thế
Dù đã chủ động tháo gỡ về vật chất để gần 100 học sinh khó khăn không bỏ học, nhưng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hữu Lễ vẫn phải đối diện với một số thách thức. Cụ thể, học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế giờ không còn chế độ thì việc vận động phụ huynh mua tự nguyện cho các em không đơn giản, mua sách giáo khoa phục vụ học tập cũng rất khó khăn.
“Lâu nay, tâm lý của phụ huynh có con đi học là sẽ được hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Giờ đi học phải mua, nhiều người ý kiến hoặc đăng ký mua sách nhưng cuối năm mới đóng tiền. Vì vậy, giáo viên, nhà trường lại phải bỏ tiền ứng trước, bao giờ phụ huynh đóng mới được bù lại”, cô Thu Hương chia sẻ.
Theo ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới có tác động lớn đến sự phát triển của giáo dục. Trường học được đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trường lớp khang trang hơn. Tuy nhiên, đi liền đó, những huyện miền núi đứng trước nghịch cảnh học sinh xã khó khăn phải đóng học phí như học sinh vùng đồng bằng.
Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có lớp ghép tại bản Phú Lâm, xã Phú Gia với 3 phòng học, 45 học sinh, chất lượng lớp ghép đảm bảo tốt. Điểm trường cách Trường TH Phú Gia 18km, đường sá đi lại khó khăn, ngăn cách bởi sông, suối. Tuy nhiên, khi không còn diện đặc biệt khó khăn thì không được tổ chức lớp ghép. Điều này đặt ra cho ngành Giáo dục bài toán về giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy.
“Hiện tại, nếu tổ chức 5 lớp tại điểm trường này là vấn đề khó vì không đủ giáo viên, cơ sở vật chất, phòng học chỉ đáp ứng được giảng dạy ba lớp. Chúng tôi kính đề xuất các bộ, ban ngành liên quan xem xét các quy định hiện hành sao cho sát với thực tế. Đặc biệt, phải căn cứ vùng đặc thù, điều kiện địa hình, vùng miền… để có các quy định phù hợp, trong đó có việc tổ chức lớp ghép. Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Hương Khê còn thiếu 46 giáo viên tiểu học, để giải quyết bài toán này chúng tôi phải dồn lớp để đảm bảo khớp việc giảng dạy theo đội ngũ giáo viên hiện có, bù cho số giáo viên thiếu…”, ông Quốc Thanh trao đổi.
Trước bài toán thiếu giáo viên, năm học tới Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê phải duy trì lớp ghép. Phòng đã tham mưu với UBND huyện cân đối ngân sách địa phương để có chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp ghép. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, không mang tính bền vững để học sinh nhà xa trường không bị đứt gãy việc học giữa chừng.
Học sinh tiểu học rất bé, đường sá đi lại quá khó khăn, cách trở. Mùa mưa nước lũ cuốn nguy hiểm. Trong khi đó, cách đây 1 năm, Bộ GD&ĐT về kiểm tra đã đánh giá cao về chất lượng lớp ghép; đội ngũ giáo viên tận tụy, hi sinh, bám trường, bám bản. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sẽ được duy trì lớp ghép ở những địa bàn khó khăn về điều kiện dạy và học… - Ông Phan Quốc Thanh (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê)
Bình luận