Chạy hộ khẩu để lấy điểm ưu tiên, đó là hiện tượng đang xảy ra hiện nay. Để chuẩn bị cho con được vào học trường điểm, không ít phụ huynh đã phải tất bật chạy hộ khẩu cho con.
Hiện một số địa phương xét tuyển vào lớp 6, lớp 10 theo tuyến (khối phố, xã, phường, quận) nên học sinh trái tuyến phải có hộ khẩu tại điểm trường. Chạy hộ khẩu còn mục đích để con em họ được ưu tiên trong xét tuyển đại học (theo khu vực 1, 2).
Có nhiều chiêu thức để chạy hộ khẩu. Chuyển khẩu về hộ một người bà con, họ hàng là chuyện thường. Chạy khẩu về hộ một “người quen” cũng là chuyện đã xảy ra. Sinh viên X dù hộ khẩu ở tỉnh khác nhưng học đại học ở thành phố, ra trường muốn ở lại thi công chức ở thành phố đó, vậy là bằng mọi giá phải chạy hộ khẩu, xin nhập khẩu vào hộ chủ trọ.
Với cán bộ làm hộ tịch địa phương, chuyện “hợp thức hóa” hộ khẩu này không có gì lạ, thế nên tất có chuyện “hợp tác” đôi bên. Chạy khẩu, “hợp thức hóa” hộ khẩu vì mưu lợi cá nhân tạo nên sự bất bình đẳng, giảm niềm tin trong xã hội.
Nhưng sự sắp xếp này khá tinh vi, kín đáo và có sự “bắt tay” thông đồng giữa người chạy hộ khẩu và cán bộ làm hộ tịch. Âm thầm lặng lẽ, đầy đủ thủ tục, “đúng quy trình” trên văn bản hồ sơ. Bởi vậy, chuyện chống gian lận, tiêu cực trong chạy hộ khẩu (có người còn gọi là hiện tượng “di cư trong giáo dục”) quả là khó.
Quy định tuyển sinh đầu cấp theo tuyến ở bậc mầm non, tiểu học, trung học; chế độ cộng điểm ưu tiên theo vùng miền trong xét tuyển đại học, cao đẳng; thi tuyển viên chức... là chính sách hợp lý của Nhà nước.
Tuy nhiên mỗi khi điều đó bị lợi dụng, mưu lợi cá nhân thì tính tích cực mất hết tác dụng, thậm chí tạo sự bất công, làm giảm sút lòng tin trong xã hội.
Cần làm gì để chấm dứt được hiện tượng chạy hộ khẩu trong giáo dục? Trước hết, với các trường điểm, cần tổ chức thi tuyển sinh để sàng lọc đầu vào. Đối với người lao động định cư lâu dài, tạm trú dài hạn, cần tạo điều kiện cho con em họ được nhập học. Trong xét tuyển đại học, cao đẳng, cần giảm điểm ưu tiên theo khu vực, thay vào đó là chế độ học bổng, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp.
Trong thi tuyển viên chức, theo luật, không giới hạn địa phương theo hộ khẩu, hãy để những người đủ năng lực tham gia cạnh tranh. Và quan trọng hơn cả, lãnh đạo địa phương phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập hộ khẩu, làm sao phải minh bạch, tránh chuyện thay đổi hộ khẩu - quyền lưu trú của công dân - thành “kẻ hở” để người ta lợi dụng, tiêu cực.