Không để điểm khác trong SGK, chọn môn học làm rào cản khi HS chuyển trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - "Với tinh thần chủ động, linh hoạt của chương trình, chúng ta đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc, trong đó có việc chuyển trường của HS".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này khi trao đổi tại buổi làm việc của đoàn ĐBQH TP. Hà Nội với UBND Thành phố và một số sở, ngành liên quan về đổi mới chương trình, SGK sáng 9/2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ví von, các bộ SGK như những cách đi khác nhau, nhưng cùng hành trình trên một con đường để đi đến mục tiêu chung. Từ đó, Bộ trưởng động viên “thầy cô đã rất sáng tạo thì cần mạnh mẽ, tự tin sáng tạo hơn nữa trong quá trình triển khai”.

Bộ trưởng cho biết, trong rất nhiều điểm mới của Chương trình GDPT 2018, điểm mới quan trọng là tính nhất quán, thống nhất, hướng đích, “cứng” ở mục tiêu và chuẩn đầu ra. Các bộ sách khác nhau đều phải cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Cũng theo Bộ trưởng, chương trình dành khoảng rất rộng mở, linh hoạt cho lãnh đạo địa phương, sở GD&ĐT, lãnh đạo các nhà trường, tổ chuyên môn, đặc biệt là chủ động của các nhà giáo và cuối cùng là chủ động của người học. Với việc được chủ động và linh hoạt như vậy, đừng đem tư duy rất “cứng” để xử lý các việc. Một trong những ví dụ về tư duy “rất cứng” được Bộ trưởng chia sẻ là việc chuyển trường của học sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu không có bất kỳ rào cản nào trong việc chuyển trường của học sinh, bởi chương trình là thống nhất và tất cả đều phải theo chương trình. Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT yêu cầu không có bất kỳ rào cản nào trong việc chuyển trường của học sinh, bởi chương trình là thống nhất và tất cả đều phải theo chương trình. Ảnh minh họa

“Học sinh của chúng ta khi học hết THCS có thể sang học chương trình phổ thông của các nước trên thế giới. Nếu họ cũng đặt vấn đề không cho chuyển vì học sinh học thiếu một phần của phân môn chẳng hạn thì sẽ ra sao?

Chương trình phổ thông thiết kế, học sinh khi kết thúc một cấp học nào đó phải đạt một chuẩn chung nhất định. Như vậy, phải lấy chuẩn cơ bản, thang năng lực cơ bản để làm chuẩn.

Đừng vì lý do học sinh trường này học chậm hơn trường kia một vài bài; cũng không nên do trường này chọn một bộ sách, trường kia chọn bộ sách khác; hay các cháu có lệch môn trong tổ hợp… mà không cho học sinh chuyển trường. Làm vậy là đi ngược lại với tinh thần của chương trình mới” - Bộ trưởng nhấn mạnh điều này và cho biết, Bộ GD&ĐT yêu cầu không có bất kỳ rào cản nào trong việc chuyển trường của học sinh, bởi chương trình là thống nhất và tất cả đều phải theo chương trình.

Với sự khác nhau của học sinh về lựa chọn môn học, theo Bộ trưởng, việc lệch môn có thể bù đắp được, vì học sinh học tập là lâu dài, học tập suốt đời. Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT của Bộ GD&ĐT không khuyến khích chuyển sau một học kỳ vì để thuận tiện nhất cho người học. Để đến cuối năm, khi đó học sinh có thời gian hè để bù đắp kiến thức.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đừng nên đặt câu hỏi: Học sinh học kiến thức giáo dục địa phương này, sang tỉnh thành kia lại học giáo dục địa phương khác? Phần quan trọng nhất, theo Bộ trưởng, là hiểu biết về quốc gia, dân tộc, về lòng yêu nước, về tình nhân loại; còn địa phương trang bị cho sâu sắc, tinh tế thêm, giúp học sinh hoàn thiện.

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội làm việc với UBND Thành phố và một số sở, ngành liên quan về đổi mới chương trình, SGK.

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội làm việc với UBND Thành phố và một số sở, ngành liên quan về đổi mới chương trình, SGK.

“Đừng địa phương chủ nghĩa hóa cho một giáo dục quốc gia. Đừng bao giờ đặt rào cản các tỉnh thành, các địa phương, hay các trường học. Đó mới là tinh thần của chương trình này” - Bộ trưởng chia sẻ và yêu cầu học sinh cần được hỗ trợ khi có nhu cầu dịch chuyển. Điều đó cần được thực hiện với tinh thần giáo dục để học sinh tự bù đắp, tự hoàn thiện và thầy cô, trường học hỗ trợ. Tinh thần chỉ đạo nhất quán của Bộ GD&ĐT là như vậy và chính người trong ngành phải thông suốt.

Bộ trưởng thông tin, thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã tổ chức sản xuất hơn 600 bài giảng trên truyền hình, giảng trực tiếp theo chương trình mà không theo bất kỳ một bộ sách giáo khoa nào. Từ đó nhấn mạnh lại một lần nữa “câu chuyện ám ảnh về sự khác biệt cần xóa bỏ”. Còn việc mỗi bộ SGK có điểm mạnh, sở trường, người sử dụng cần tận dụng, phát huy được những điểm sở trường đó.

Trong phát biểu, Bộ trưởng cũng thể hiện niềm vui khi các cán bộ quản lý, giáo viên Hà Nội đã chia sẻ rất thẳng thắn, cởi mở, cung cấp những thông tin rất quý, thể hiện thầy cô nắm chắc, thông suốt và thấy được cả những điểm tinh tế, quan trọng của chương trình

Về phía thành phố Hà Nội, Bộ trưởng nhận định đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục nói chung, đến triển khai Chương trình GDPT 2018 nói riêng, cả trong đầu tư và chỉ đạo. Tuy nhiên, cần tiếp tục quan tâm với tốc độ sát và khẩn trương hơn nữa. Đặc biệt các gói đầu tư đã được quyết định, cần thi công, triển khai trong thực tế với tốc độ nhanh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ