Sự im lặng đáng buồn
Trong tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – im lặng hay lên tiếng” diễn ra mới đây, TS Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội) cho biết, mỗi năm phát hiện hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em, số đó ngày càng tăng và có nhiều vụ đi vào bế tắc, thậm chí “chìm xuồng”. Chỉ khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc thì vụ việc mới được giải quyết.
Bà lấy dẫn chứng về việc Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu; vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần nhưng thủ phạm vẫn chưa bị xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội khiến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phải yêu cầu báo cáo điều tra.
“Vì sao lại bế tắc? Vì sự im lặng của tất cả các bên, trước hết là gia đình, cộng đồng, cơ quan chức năng và nhiều bên khác nữa” - bà Hồng nói và cho rằng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ một nền văn hoá ngại nói đến vấn đề tình dục.
Bà phân tích, văn hoá phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng rất “kỳ lạ”, đòi hỏi người con gái khi lấy chồng phải còn trinh nhưng lại im lặng trước vụ việc một đứa trẻ bị dâm ô, xâm hại.
Nhiều gia đình người bị hại cũng không dám đứng lên tố cáo vì sợ cuộc sống sẽ xáo trộn, tương lai con gái bị huỷ hoại, lớn lên không lấy được chồng, thậm chí phải chuyển nhà đến nơi khác sinh sống.
“Tâm lý ngại động chạm những vấn đề tế nhị, ngại đối đầu và ngại sự đàm tiếu từ dư luận xã hội còn đặt nặng vấn đề trinh tiết và trách nhiệm của người phụ nữ trong việc gìn giữ tiết hạnh có thể làm ảnh hưởng tới tương lai của gia đình và chính nạn nhân, bởi đó là rào cản rất lớn khiến nhiều người trong cuộc không thể vượt qua để tố giác vụ việc”.
Khoảng trống trong thực thi
Luật sư Lê Văn Luân - Chuyên gia về pháp luật hình sự, người trợ giúp pháp lý cho cháu bé bị xâm hại ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - cho rằng, vẫn còn nhiều khoảng trống trong văn bản luật về bảo vệ trẻ em.
Luật sư Lê Văn Luân cho biết, luật hình sự quy định tấn công tình dục trẻ em là xâm hại trực tiếp đến thân thể nạn nhân thì mới cấu thành tội. Các tội như cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em, dâm ô hình phạt rất thấp.
“Trong quá trình điều tra, cơ quan công an trọng chứng hơn trọng cung nên nhiều vụ cần phải có chứng cứ mới điều tra, khởi tố được, dẫn đến xử lý rất chậm chạp. Nhưng dâm ô trẻ em thì nhiều khi không có dấu vết, vậy thì phải dựa vào lời khai nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, đối chất để xác định” - Ông nói.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển xã hội - cho rằng: “Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần”.
Theo bà Hồng, “điều cấp thiết hiện nay phải rà soát lại công cụ pháp lý đã đủ mạnh, toàn diện để giải quyết được tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em hay chưa?”.
Đặc biệt cần phải rà soát lại việc thực thi pháp luật. Có pháp luật tiến bộ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng “việc thực hiện còn chưa đầy đủ, còn chậm trễ, thiếu hiệu quả, gây mất lòng tin cho người dân. Đây là một trong những lý do nhiều vụ án xâm hại trẻ em bị chìm xuồng, hoặc không được tố cáo”.
Để giải quyết “vấn nạn” này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, cần sự chung tay, hợp lực của cả cộng đồng. Trong đó không chỉ có cơ quan chức năng mà ngay chính các bậc phụ huynh cũng cần có nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục.