Trang bị từ xa, từ sớm
Cô Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Bích San, TP Nam Định (Nam Định) cho hay, những năm qua nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Đây là việc cần làm từ sớm, từ xa để các em có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai của mình.
Thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, nhà trường phối hợp với một số trường cao đẳng nghề tổ chức truyền thông tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh.
Qua đó, học sinh thấy được nội dung chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng dạy nghề hiện nay theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực phù hợp với lứa tuổi. Không chỉ học lý thuyết, các trường đã tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của đất nước, nhu cầu thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Tốt nghiệp THCS, ngoài những em chọn thi vào trường THPT, còn lại sẽ được tư vấn phân luồng vào học tại các trường cao đẳng nghề, buổi sáng học các môn văn hóa theo chương trình THPT, buổi chiều học nghề theo nguyện vọng đã chọn. Sau khi tốt nghiệp, các em đồng thời có bằng tốt nghiệp THPT hệ vừa học vừa làm và một bằng trung cấp nghề. Các em có thể học liên thông lên CĐ, ĐH nếu có nhu cầu”, cô Minh Nguyệt trao đổi thêm.
Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) cho biết, tháng 10 vừa qua, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa giáo dục hướng nghiệp với chủ đề “Học đúng bước, chạm ước mơ” với sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng 1.475 học sinh của 33 lớp.
Không đơn thuần là hoạt động ngoại khóa, đây còn là cơ hội để các em tìm hiểu sâu hơn về những ngành nghề bản thân yêu thích. Mục tiêu nhằm cung cấp những thông tin hữu ích, giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường phía trước để từ đó có thể đưa ra những quyết đúng. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp sẽ quyết định lớn đến sự thành công và hạnh phúc của mỗi người.
Tại chương trình, thầy Hà Văn Hải khẳng định tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu rõ ràng và không ngừng học hỏi. Thầy khuyến khích học sinh hãy tự tin khám phá khả năng bản thân và tìm ra con đường phù hợp với đam mê, sở thích. Với những kinh nghiệm thực tế của mình, thầy đã góp phần khơi dậy trong các em niềm đam mê học tập và khát khao vươn tới ước mơ.
“Hãy luôn kiên trì và quyết tâm theo đuổi ước mơ. Nhà trường luôn đồng hành cùng các em trên con đường học tập và phát triển. Đây là bước đi quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh một tương lai tươi sáng. Hy vọng rằng, thông qua những hoạt động hướng nghiệp, các em sẽ trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng một tương lai thành công và đầy ước mơ”, thầy Hà Văn Hải nói.
Nâng cao năng lực hướng nghiệp
Chia sẻ về vấn đề này, cô Đoàn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS vô cùng quan trọng. Nhà trường có 35 tiết Trải nghiệm hướng nghiệp cho khối 9; tích hợp các hoạt động khám phá bản thân, tìm hiểu về các ngành nghề vào môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý…
Ngoài ra, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo với người làm trong các lĩnh vực khác nhau, chuyến tham quan tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, như câu lạc bộ khoa học, nghệ thuật, thể thao, để giúp học sinh phát triển năng khiếu và khám phá bản thân; mời các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp đến trường để giới thiệu về các ngành nghề, tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế.
Cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) nêu quan điểm, phụ huynh cần quan tâm đến sở thích, năng khiếu của trẻ, tạo điều kiện cho con em tham gia các hoạt động ngoại khóa, trò chuyện về ngành nghề, nghề nghiệp trong tương lai. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn cần thường xuyên theo dõi, đánh giá sự phát triển, tư vấn cho học sinh về các lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
“Hướng nghiệp càng sớm, các em càng có nhiều thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị. Mỗi học sinh là một cá thể độc lập, cần có hướng dẫn, tư vấn phù hợp. Thông tin về các ngành nghề, thị trường lao động luôn thay đổi nên thầy cô phải thường xuyên cập nhật. Hướng nghiệp cho học sinh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội”, cô Kim Dung nhận định.
Đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh, vai trò của giáo viên không chỉ dừng ở việc truyền đạt kiến thức mà cần phải nuôi dưỡng khát vọng nghề nghiệp, giúp các em tự tin và chủ động theo đuổi đam mê. Thầy cô nên áp dụng những phương pháp mới, tạo không gian sáng tạo để học sinh có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Đây là một hành trình lâu dài mà giáo viên cần đồng hành và khơi dậy đam mê trong mỗi học sinh.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ trao đổi: Dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” khởi động từ tháng 10/2021 do Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới - EduLightenUp khởi xướng đã đồng hành, phát triển năng lực tự hướng nghiệp cho học sinh THPT thông qua tam giác: Trường THPT, trường đại học và doanh nghiệp. Dự án được thực hiện nhằm tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nâng cao năng lực cho học sinh THPT, giúp gắn kết đầu ra các cơ sở giáo dục phổ thông với đầu vào của giáo dục đại học.