Tránh 'biến tướng' khi hướng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác tư vấn, phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 là việc làm thường niên đối với các trường THCS.

Nếu lãnh đạo nhà trường không sâu sát trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp sẽ dễ dẫn đến tình trạng “biến tướng”. Ảnh: INT
Nếu lãnh đạo nhà trường không sâu sát trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp sẽ dễ dẫn đến tình trạng “biến tướng”. Ảnh: INT

Tuy nhiên, việc chạy theo thành tích với mong muốn nâng tỷ lệ đỗ vào lớp 10 công lập ở một số trường dẫn đến tình trạng “biến tướng” hướng nghiệp, gây dư luận xấu.

Nhiều nguyên nhân

Tại Bắc Giang, theo ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố có hiện tượng cán bộ quản lý, giáo viên một số trường THCS, cơ sở giáo dục nghề nghiệp lạm dụng chủ trương tư vấn, phân luồng hướng nghiệp cho học sinh lớp 9.

Theo đó, thực hiện thái quá trách nhiệm, quyền hạn khi gọi điện, nhắn tin, tổ chức họp cha mẹ của những học sinh có kết quả học tập chưa tốt để hướng dẫn; thậm chí có phần “ép buộc” học sinh không được dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà chỉ được nộp hồ sơ vào học tại các trung tâm giáo

dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Mục đích nhằm nâng cao điểm trung bình trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, liên quan đến xếp loại thi đua cá nhân và của đơn vị, gây bức xúc cho cha mẹ, ảnh hưởng quyền lợi học sinh.

Hiện tượng này vẫn diễn ra ở một số cơ sở giáo dục trước mỗi kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Phân tích nguyên nhân, thầy Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hóa, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre nhắc đến đầu tiên là việc nhà trường chưa quan tâm kế hoạch phân luồng sau tốt nghiệp THCS từ đầu năm. Lãnh đạo trường và giáo viên chủ nhiệm có tư tưởng lo sợ ảnh hưởng đến tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Ngoài ra, hiện tượng “ép” học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10 còn bởi giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh chưa phối hợp tốt trong việc quan tâm, nắm bắt thái độ và khả năng học tập của học sinh. Giáo viên chưa có kỹ năng thuyết phục, đồng hành, chia sẻ dẫn đến công tác tư vấn không đạt hiệu quả cao.

“Nếu lãnh đạo nhà trường không quan tâm, sâu sát trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh lớp 9 dễ dẫn đến tình trạng “biến tướng” hướng nghiệp”. Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Ngọc Thanh Nguyên cho biết, tại Trường THCS Mỹ Hóa, công tác tư vấn hướng nghiệp luôn được quan tâm phối hợp tốt. Tỷ lệ vào lớp 10 công lập những năm học gần đây của trường từ 62% - 73%.

Trước thực trạng kết quả tuyển sinh lớp 10 chưa cao, số lượng học sinh đăng ký vào các trường trung cấp nghề chưa đảm bảo, nhiều học sinh mong muốn học nghề tự do… và để tránh “biến tướng” hướng nghiệp, nhà trường đã đưa nội dung tư vấn, phân luồng, định hướng nghề nghiệp vào kế hoạch giáo dục nhà trường, triển khai đến toàn thể Hội đồng sư phạm và phụ huynh.

Đồng thời, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, bộ môn phối hợp tốt việc theo dõi, nắm bắt năng lực học sinh. Giáo viên chủ nhiệm liên hệ thường xuyên với phụ huynh để thông báo tình hình học tập, rèn luyện của các em; tư vấn giải pháp để học sinh có hướng khắc phục tốt. Tuyệt đối không đổ trách nhiệm cho phụ huynh, hoặc có lời lẽ kỳ thị khiến học sinh tự ti..

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, thông tin từ ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 của huyện vẫn ưu tiên cho học sinh thi vào lớp 10 THPT, thực hiện theo hướng dẫn chỉ đạo tuyển sinh vào lớp 10 của sở GD&ĐT.

“Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh lớp 9 bỏ tư tưởng lạc hậu. Các trường THCS chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động học sinh thi vào trường THPT hoặc trung tâm GDNN-GDTX Kỳ Sơn và trường nội trú tỉnh. Việc tư vấn, tuyên truyền không gặp khó khăn”, ông Phạm Viết Phúc cho hay.

Giờ học tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình). Ảnh: NTCC

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Để không ảnh hưởng đến tâm lý, quyền lợi học sinh, không gây bức xức với cha mẹ và đảm bảo việc tư vấn, phân luồng, hướng nghiệp đúng các quy định, ông Bạch Đăng Khoa cho biết, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường THCS tăng cường chất lượng dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, giúp các em bộc lộ năng lực, phẩm chất cá nhân, làm nền cho công tác định hướng, phân luồng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên, cha mẹ, học sinh hiểu và nhận thức đúng về chủ trương phân luồng, hướng nghiệp học sinh lớp 9.

Sở GD&ĐT nghiêm cấm ép buộc học sinh dưới mọi hình thức không được dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà phải nộp hồ sơ xét tuyển vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Các phòng GD&ĐT cần tổ chức kiểm tra, giám sát, điều chỉnh trường THCS tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 9 để nâng cao chất lượng giáo dục. Trưởng phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước sở GD&ĐT khi để đơn vị có sai phạm hoặc dư luận không tốt về nội dung này.

“Trong đánh giá thi đua các phòng GD&ĐT năm học 2023 - 2024, có thêm 2 nội dung, đó là: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; điểm trung bình của học sinh dự kỳ thi và điểm chênh lệch từng môn thi với điểm ghi trong học bạ. Sở GD&ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị (đột xuất, định kỳ hoặc khi có dấu hiệu vi phạm); xem xét trách nhiệm người đứng đầu, xử lý theo Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định hiện hành”, ông Bạch Đăng Khoa cho biết thêm.

Hiện các trường trong huyện Thái Thụy (Thái Bình) không có hiện tượng dựa vào hướng nghiệp để ép học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10. Nhưng có trường, giáo viên chủ nhiệm tư vấn để học sinh không có đủ kiến thức cạnh tranh suất vào lớp 10 công lập đăng ký vào các trường trung cấp nghề, học tiếp tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT dân lập...

Tuy nhiên, đây chỉ là tư vấn, còn lại thầy cô tôn trọng lựa chọn của người học. Trên thực tế, nhiều em không cần tư vấn cũng tự nguyện đăng ký học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, học trung cấp nghề vì thấy học lực của mình quá yếu. - Thầy Giang Ngọc Ảnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Lộc, Thái Thụy, Thái Bình)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.