Do vậy, để định hướng đúng và trúng, rất cần sự nhanh nhạy, tâm huyết và am hiểu của thầy cô.
Bồi dưỡng năng lực hướng nghiệp
Là giáo viên Ngữ văn và chủ nhiệm lớp 12C7 Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), cô Hoàng Thị Nghiệp chia sẻ, học trò nhiều khi không dám nói chuyện với bố mẹ về nghề nghiệp tương lai nhưng sẵn sàng tâm sự với thầy cô để được nghe lời khuyên.
Nhiều năm nay, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức dưới nhiều hình thức. Thời điểm trước hoặc sau Tết Nguyên đán, các em được tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp, cập nhật thông tin về dịch vụ việc làm, công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề.
Với đặc thù của địa bàn vùng núi, học sinh sau khi tốt nghiệp nếu không được định hướng nghề nghiệp đầy đủ sẽ lựa chọn làm lao động tự do. Vì làm theo thời vụ nên các em dễ bỏ việc giữa chừng, thu nhập bấp bênh. Do đó, khi tiếp cận học sinh để tư vấn nghề nghiệp, thầy cô chủ nhiệm phải thực sự hiểu và nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới nghề nghiệp thông qua nhiều kênh khác nhau. Giáo viên cần giúp các em thấu hiểu bản thân có khả năng, sở trường ở những lĩnh vực gì để định hướng.
“Để định hướng nghề nghiệp cho học sinh được chuẩn xác, chúng tôi thường dựa vào kinh nghiệm bản thân. Đồng thời, tham khảo các thông tin về dự báo nguồn nhân lực ở các ngành nghề trên phương tiện truyền thông chính thống và từ một số trường đại học. Từ đó, tư vấn cho phụ huynh và học sinh có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp.
Thời điểm này, thầy cô đang hướng dẫn các em xây dựng hồ sơ học tập để đáp ứng yêu cầu của một số ngành học ở trường đại học. Việc hướng nghiệp cho học sinh cần làm ngay từ năm lớp 10 chứ không phải tới lớp 12 mới làm”, cô Nghiệp trao đổi.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), vấn đề hướng nghiệp cho học sinh những năm gần đây được nhà trường quan tâm, triển khai mạnh mẽ. Trong đó, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong tư vấn hướng nghiệp để học trò có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn nhất. Tuy nhiên, để các thầy cô chủ nhiệm có đầy đủ kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm về hướng nghiệp cho học trò thì không phải trường nào cũng làm được.
TS Tùng Lâm nhấn mạnh, học sinh cấp THCS phải xác định bước đầu về ngành nghề mình sẽ theo để lựa chọn tổ hợp môn khi vào lớp 10 THPT. Hiện nay, nhiều trường THPT còn chưa đồng nhất tổ hợp bộ môn theo định hướng của trường đại học. Việc chuyển trường của học sinh cũng gặp khó khăn vì lý do trên. Do đó, khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng là thách thức. Một số trường mạnh về nguồn lực tài chính mới có cơ chế hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm làm công tác hướng nghiệp, còn đa phần không có khoản này.
Cần đa dạng hình thức
Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu về công tác hướng nghiệp cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thu – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) cho hay:
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên làm quen với sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhà trường cũng quan tâm bồi dưỡng giáo viên dạy hoạt động này, có sơ kết, tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm làm tốt cũng như khắc phục một số nhược điểm.
Cũng theo cô Thu, hiện có nhiều tổ chức quan tâm tới hoạt động này. Trong đó, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới - EduLightenUp đã triển khai dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” tới 28 trường THPT ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, Nam Định, Yên Bái…
Qua đó thể hiện mối liên hệ giữa trường phổ thông, trường đại học và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ trường phổ thông làm tốt công tác hướng nghiệp. Nhà trường cũng áp dụng nhiều cách làm sáng tạo qua sinh hoạt dưới cờ, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại doanh nghiệp để các em tự học tập, rèn các kỹ năng và có lựa chọn đúng đắn.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp (STP) khẳng định, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có vai trò lớn vì luôn gần gũi và gắn bó với học sinh.
Thầy cô cần có kỹ năng hướng nghiệp cho học trò, phải hiểu được lĩnh vực hướng nghiệp, xu thế nghề nghiệp hiện đại nên cần được bồi dưỡng chuyên sâu. Bộ GD&ĐT đã có những chương trình bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, nhưng nội dung về hướng nghiệp chưa thực sự rõ nét. Do đó, cần có chương trình bồi dưỡng dành riêng cho giáo viên về công tác hướng nghiệp.
“Có thực mới vực được đạo”, một số trường dành khoản tài chính nhất định để đãi ngộ cho giáo viên chủ nhiệm làm công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách ở đa số các trường công lập chỉ đủ để chi cho lương giáo viên, nguồn kinh phí đó gần như không có cũng là thiệt thòi đối với các thầy cô. Dù vậy, nhiều thầy cô vẫn chủ động tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
“Cha mẹ phải hiểu được con mình thích gì, có đam mê, sở trường về lĩnh vực gì từ đó kết hợp với cô giáo chủ nhiệm để động viên, tạo điều kiện cho con phát triển theo đúng năng lực. Cô giáo là người được đào tạo bài bản, thấu hiểu tâm lý học sinh nên có những định hướng sâu sát tới từng em”, bà Huyền nhấn mạnh.
“Hướng nghiệp phải phù hợp tới từng nhóm học sinh. Đặc điểm tâm lý, mong muốn của mỗi em khác nhau. Làm sao để các em nhận ra điều đó, tự hào về sở trường của mình, cái gì phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình để có quyết định nghề nghiệp đúng đắn, tránh chọn nghề theo “trend”.
Học sinh cần cân nhắc 3 thứ: Tôi, thế giới nghề nghiệp, cân bằng với thu nhập và đem lại giá trị kinh tế. Các em lựa chọn đúng điểm giao thoa của 3 yếu tố trên thì hướng nghiệp mới thành công”. - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền