Thầy cô phải thay đổi
Cô Nguyễn Thị Khánh – nguyên giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình – Hà Nội) kể: Thời gian đầu khi mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên cô gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ trong phương pháp giáo dục học sinh (HS), đặc biệt đối với những HS cá biệt, hay vi phạm kỷ luật hoặc cố tình mắc lỗi. Cô cảm thấy bực mình, nhiều lúc thiếu kiềm chế đã mắng HS khi các em đi học muộn, không thuộc bài, đánh nhau bị ghi sổ đầu bài… làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua chung của lớp.
Tuy nhiên, sau nhiều lần “mắng mỏ” như vậy cô thấy HS không thay đổi. Cô cứ nói, trò vẫn không sợ, vẫn vi phạm. Cô Khánh cảm thấy cần có sự thay đổi trong phương pháp giáo dục. Sau thời gian suy nghĩ, cô đã thay đổi phương pháp giáo dục từ nghiêm khắc, phê bình khắt khe sang động viên, khuyến khích, khuyên bảo nhẹ nhàng… HS của cô dần thay đổi.
Các em đã biết nghe lời và tự giác nhận khuyết điểm khi mắc lỗi. Tình trạng vi phạm kỷ luật cải thiện đáng kể. Không khí lớp học, đặc biệt trong các giờ sinh hoạt lớp không còn căng thẳng như trước. GV và HS đã có thể trao đổi, thảo luận và cùng bàn bạc các vấn đề chung. HS mở lòng và coi cô như người mẹ thứ hai ở trường. Thậm chí nhiều HS còn tin tưởng tâm sự những nỗi buồn trong tình cảm gia đình, bố mẹ… để nhờ cô cho lời khuyên.
Đến nay, khi đã về nghỉ hưu nhiều năm, nhưng không ít HS vẫn quay lại thăm cô và nói lời biết ơn trân trọng: “Cảm ơn cô ngày ấy đã bao dung, chia sẻ, và giáo dục em nên người. Không có cô ngày ấy, không có em hôm nay”. Học sinh trưởng thành, nên người – đó là món món quà vô giá với những người thầy.
Cô Nguyễn Thuận – nguyên GV Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) trong hành trình giáo dục của mình đã trải qua nhiều tình huống sư phạm, nhưng câu chuyện về những HS cá biệt “ngầm” trong lớp vẫn làm cô nhớ mãi.
Đầu năm học, khi nhận lớp học với gần 50 HS, cô khá “hoảng” khi nhận thấy trong lớp có tới 5 HS nam thuộc diện cá biệt. Những HS này luôn là trung tâm quậy phá của lớp và cản trở việc học tập cũng như thành tích chung của tập thể. Bất kể tiết học nào các em cũng có thể nói chuyện, gây rối, không nghe giảng và không làm bài tập.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui |
Khi lớp tổ chức hoạt động ngoại khóa, các em không những đứng ngoài cuộc mà còn trêu đùa các bạn khiến việc học tập và sinh hoạt của lớp không thể tập trung hoàn toàn. Đặc biệt, trong số 5 em có 1 em là đại ca “ngầm” của lớp. Khi HS này chỉ đạo ngầm điều gì thì đa số các bạn nam trong lớp đều nghe theo. Những lời chỉ đạo mang tính quậy phá, chống đối thầy cô và các quy tắc trong lớp.
Sau thời gian đầu phụ trách lớp thường rơi vào tình trạng giáo viên bực mình mắng mỏ, đe nạt, thậm chí mời bố mẹ, viết bản kiểm điểm… nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả với nhóm học sinh này.
Một thời gian lâu sau đó, cô Thuận hiểu rằng những biện pháp dù cứng rắn đến mấy áp dụng với nhóm HS “cá biệt” này đều không có tác dụng. Cô đã trấn tĩnh lại bản thân và chuyển đổi phương pháp giáo dục khác.
Để xây dựng một trường học hạnh phúc, mỗi GV cần được trang bị, và tự trang bị cho mình những phương pháp giáo dục đổi mới, phù hợp với giáo dục hiện đại. Mỗi thầy cô và nhà trường cần giúp HS thực hiện các quy định bắt buộc của nhà trường với tính tích cực, tinh thần tự giác cao. Khi HS thấy được niềm vui mỗi ngày đến lớp, tiếp thu kiến thức chủ động, được thầy cô quan tâm thấu hiểu… khi đó trường học mới thực sự trở thành ngôi nhà hạnh phúc thứ hai.
Khi các em quậy phá, cô cố gắng không tức giận, thậm chí cố mỉm cười để bình tĩnh hơn và tìm hướng giải quyết. Cô coi mọi việc như bình thường. Khi thì gọi riêng từng HS ra phân tích, nhắc nhở nhẹ nhàng. Lúc cô lại viết thư, gửi tin nhắn động viên khích lệ và cả “khích tướng” phù hợp… khiến các em trở nên thân thiện gần gũi. Cô không mắng mỏ bất kỳ HS nào dù vi phạm lỗi lầm trước các bạn trong lớp để tránh cho các em sự xấu hổ, mất mặt. Đặc biệt, cô cất công tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng HS trong nhóm. Cô còn mời phụ huynh đến lớp trao đổi tư vấn và kết hợp cùng giáo dục.
Ngoài ra, cô Thuận còn gửi gắm niềm tin, dần dần giao nhiệm vụ chung của lớp để kéo các em vào hoạt động chung, có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm.
Việc cô Thuận áp dụng thành công các phương pháp KLTC đã góp phần lớn vào thay đổi diện mạo, không khí chung của lớp. Lớp của cô luôn được biểu dương và đi đầu trong các phong trào của trường. HS trong lớp trở nên thân thiện, cởi mở và hợp tác. Tình cảm cô trò trong lớp hòa đồng, gần gũi và đoàn kết.
Học sinh sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô những suy nghĩ mà mình e ngại. |
Lấy kỷ luật tích cực để giáo dục bền vững
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý GD Hà Nội đánh giá: Phương pháp giáo dục KLTC không chỉ bảo đảm tính khoa học mà còn có giá trị nhân văn nhất trong thực tiễn giáo dục đạo đức cho HS ở các nhà trường hiện nay. Phương pháp này cần được chia sẻ, nhân rộng ở mọi môi trường giáo dục.
Thực tế cũng cho thấy, phương pháp KLTC đã giúp cho HS, phụ huynh, GV hiểu rõ hơn về quyền, bổn phận của mỗi người. HS tự tin hơn trong hoạt động và giao tiếp. HS được trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong trường lớp một cách chủ động và ý thức. Đặc biệt, giúp cho mối quan hệ thầy trò bình đẳng, thân thiện hơn. HS sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, thầy cô những suy nghĩ mà mình e ngại.
Triển khai phương pháp KLTC vào giáo dục cũng làm cho đội ngũ GV có thêm vốn tri thức; chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao; hiểu biết hơn về tâm sinh lý của lứa tuổi HS. Thầy cô thấy được trách nhiệm nhiều hơn, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay trong việc giáo dục HS. Tình trạng mắng mỏ, xúc phạm thân thể tinh thần, danh dự của HS được loại bỏ.