Không cần Thường trực Hội đồng nhân dân ở 3 đặc khu kinh tế

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre cho rằng, không cần Thường trực Hội đồng nhân dân ở 3 đặc khu kinh tế này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Xem xét lựa chọn những nhà đầu tư thông minh và những nhà đầu tư có tiềm năng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Xem xét lựa chọn những nhà đầu tư thông minh và những nhà đầu tư có tiềm năng

Đặc khu không thể coi đó là cấp huyện 

Đại biểu nêu ý kiến: Một là các nội dung chính sách ưu đãi kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và phải đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực quốc tế.

Hai là cơ cấu mô hình tổ chức chính quyền hành chính đặc khu phải do luật quy định. Bây giờ chúng ta lại cứ đi bàn về câu chuyện dẫn chiếu sang luật khác không đúng, luật này chỉ dưới Hiến pháp, luật này so với các luật khác phải vượt lên trên.

Đại biểu dẫn giải, Khoản 2 Điều 60 quy định Hội đồng nhân dân đa số là hoạt động chuyên trách thì đa số là bao nhiêu, đề nghị ban soạn thảo phải ghi vào đấy rất rõ tỷ lệ bao nhiêu, số lượng bao nhiêu, chứ không thể nói đa số được, bởi vì Bộ Chính trị đã chỉ đạo như thế này chúng ta phải ghi rất rõ.

Tranh luận với đại biểu Lê Xuân Thân – đoàn Thái Bình về việc cần có Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không cần, bởi chính trong khoản 2 Điều 60 ghi rất rõ đa số là cán bộ hoạt động chuyên trách, vậy thì chúng ta không cần phải thường trực nữa vì đã có đại biểu chuyên trách.

Không tán thành với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám – đoàn Kon Tum về việc quy định thẩm quyền hành chính của đặc khu tương đương cấp huyện; đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong Hiến pháp quy định đây là khu hành chính - kinh tế đặc biệt thì không quy định ở cấp nào.

Là cấp đặc biệt thì chỗ này chúng ta nên chỉ nói là được áp dụng quy chế của cấp huyện hay cấp tỉnh, chứ không thể coi đó là cấp huyện hay cấp tỉnh được.

Không lo về câu chuyện thuê đất 99 năm

“Chỗ này phải nhận thức rất chính xác quy định của Hiến pháp. Tôi đề nghị phải hết sức cẩn thận khi chúng ta sử dụng các câu và đề nghị Ban soạn thảo cũng phải rà soát hết sức cẩn thận khi phản ánh trong đạo luật này” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Riêng về thuê đất 99 năm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng rất tán thành ý kiến được ghi trong Báo cáo số 266 ngày 10/5/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có ghi: Theo đó đối với trường hợp cụ thể (nếu có) Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.

Theo đại biểu Nhưỡng, ở đây phải nhận thức thuê đất 99 năm không giống như tô nhượng của Hồng Kông và Ma Cao đối với toàn bộ lãnh thổ. Chúng ta chỉ xem xét vào một số các dự án cụ thể, mà dự án này phải được xem xét hết sức cẩn thận, lựa chọn những nhà đầu tư thông minh và những nhà đầu tư có tiềm năng. “Tôi cho rằng không cần phải lo lắng về câu chuyện đó, tôi rất yên tâm về chuyện này” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ