“Không bao giờ quên Hoàng Sa”

GD&TĐ - “Tôi xúc động khi đến ngày tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa hằng năm, UBND huyện Hoàng Sa đến thăm hỏi. Ai có thể quên, nhưng chúng tôi thì không bao giờ quên được Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Rê lục lại những tư liệu cũ về Hoàng Sa.
Ông Rê lục lại những tư liệu cũ về Hoàng Sa.

Đó là tâm sự của ông Lê Đình Rê, một trong những nhân chứng trong sự kiện hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.

Ngày 19/1, đoàn công tác của UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) do ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng dẫn đầu, đã đến thắp nhang và thăm tặng quà tri ân các gia đình nhân chứng từng sinh sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Không thể nào quên”

Đoàn công tác đã ghé nhà 128/8 Quang Trung (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thắp nén hương cho ông Phạm Khôi (mất năm 2014), là người từng thực thi công vụ tại quần đảo Hoàng Sa.

Đưa đoàn khách lên căn gác nhỏ, nơi đặt bàn thờ ông Khôi, bà Phan Thị Hoa (con dâu của ông Khôi) cho hay, dù đã mất nhiều năm nhưng tài sản quý giá nhất mà ông để lại cho gia đình, con cháu chính là tình yêu biển đảo. “Mỗi năm gia đình mình đều cố gắng đi biển, đi đảo. Nó như một lời nhắc nhớ, một truyền thống của gia đình. Làm vậy để tụi nhỏ không quên Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, chị Hoa nói.

Trong nhiều nhân chứng Hoàng Sa đang sống tại TP Đà Nẵng có ông Lê Đình Rê (79 tuổi). Ông đeo lon Trung úy trên tàu quân vận QV 9708 thực hiện nhiệm vụ cứu hộ các tàu chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc ngày 19/1/1974.

Ông Rê là nhân chứng duy nhất trên tàu QV 9708 đang sinh sống tại Đà Nẵng. Lúc đoàn đến thăm, ông Rê đang ngồi soạn lại những di vật, hình ảnh chụp ở Hoàng Sa, vốn được cất giữ rất cẩn thận.

Ngồi nói chuyện với lãnh đạo huyện Hoàng Sa, ông Rê tâm sự: “Tôi rất xúc động khi đến ngày tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa hàng năm, UBND huyện Hoàng Sa đến thăm hỏi. Ai có thể quên, nhưng chúng tôi thì không bao giờ quên được Hoàng Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ông Lê Đình Rê cho hay, lúc bấy giờ ông là Trung úy của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Thuyền trưởng tàu QV 9708 của Giang đoàn 101 Quân vận, đóng quân tại căn cứ chuyển vận Đà Nẵng.

Chiều 19/1/1974, đang cùng vợ đi chợ Tết thì ông Rê nhận được lệnh lên đường. “Đến 23 giờ ngày 19/1/1974, tàu QV 9708 bắt đầu ra khơi. Về khuya gió mùa đông bắc càng thổi càng mạnh, đi qua cầu cảng Thống Nhất, vòng qua núi Sơn Trà, hướng ra biển Đông.

Qua máy vô tuyến PC46, các tàu gọi nhau í ới. HQ-4 rồi HQ-5 lên tiếng, HQ-6 cũng gọi, tiếng được, tiếng mất... Rồi bật tần số gọi HQ-10. “10 đâu…? 10 đâu…?”, im phăng phắc. Gọi mãi nhưng không thấy tín hiệu nào cả. Như vậy là HQ-10 mất rồi, nó đã ngủ yên mãi ngoài biển khơi”, ông Rê nhớ lại.

“Đến 0 giờ rồi 1 giờ - 2 giờ - 3 giờ ngày 20/1/1974, cả tàu không ai ngủ được. Nghe tin tức từ các tàu báo về lòng ai cũng buồn, một anh lính cất tiếng nói: “Hoàng Sa bị chiếm rồi hả Trung úy?”. “Ừ, Hoàng Sa bị chiếm thật rồi!...”, ông Rê nói tiếp.

Sau đó, ông Rê điều khiển tàu QV 9708 tiếp cận được với 3 chiến hạm và lai dắt các tàu vào bờ an toàn.

“Hồi tưởng lại sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng hơn 40 năm trước, là một người lính đã trực tiếp làm nhiệm vụ cứu hộ 3 chiến hạm HQ-4, HQ-5,HQ-16… trở về sáng 20/1/1974, tôi khẳng định từ xa xưa đến nay, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, ông Rê khẳng định.  

Ông Võ Ngọc Đồng – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thắp hương cho ông Phan Khôi, một trong những nhân chứng Hoàng Sa.
Ông Võ Ngọc Đồng – Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thắp hương cho ông Phan Khôi, một trong những nhân chứng Hoàng Sa.

Ao ước ra lại Hoàng Sa

“Tôi có ước ao được ra lại Hoàng Sa, dù có già mấy đi chăng nữa tôi xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng để quay lại nơi đây. Thế hệ trẻ phải nhớ đến Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam”, ông Rê nói. Ông Rê cho hay, tâm nguyện của ông là mong muốn đất nước được bình an, những người ngư dân tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam để khai thác thủy sản, giữ vững chủ quyền của đất nước.

Thăm hỏi các nhân chứng Hoàng Sa là hoạt động thường niên của UBND huyện Hoàng Sa nhiều năm qua. Cũng từ những năm trước, UBND huyện cũng đã ghi chép, sưu tập các tư liệu, hiện vật do các nhân chứng tặng, cung cấp, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại buổi thăm hỏi, ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, đã chúc sức khỏe và chúc Tết đến các nhân chứng từng sống và làm việc ở Hoàng Sa. Đồng thời, nhắn nhủ các nhân chứng tiếp tục giáo dục con cháu có ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.