Khơi nguồn để trẻ thích học Văn

GD&TĐ - Làm sao để trẻ yêu thích môn Văn và thấy môn học này không còn đáng sợ? Đó là những băn khoăn của khá nhiều cha mẹ. Điều đơn giản nhất, có lẽ là hãy để trẻ được đọc và được viết những gì mà mình yêu thích.

Khơi nguồn để trẻ thích học Văn

Tại sao trẻ ngại học Văn?

Tâm sự của chị Mai Anh, có con học ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng là chia sẻ của không ít phụ huynh. Con gái chị khá thông minh, cháu học tốt tất cả các môn. Tuy nhiên, đối với môn Văn dù có cố gắng cháu cũng rất ít khi đạt tới điểm 8.

Đặc biệt về kỹ năng viết tập làm văn, với một đề bài về tả đồ vật nếu không có sự gợi ý của cô giáo hoặc bố mẹ, cháu thường không biết bắt đầu như thế nào.

Đôi lúc chị thấy con mở cuốn sách những bài văn mẫu, mà chị mua cho con tham khảo để chép. Bởi vậy, chị rất lo lắng và luôn nghĩ cách làm thế nào để con không quá áp lực với môn học này.

Những trẻ gặp khó khăn khi học Văn thường là trẻ không có nhiều vốn từ, cũng như chưa biết cách diễn đạt ý tưởng của mình. Để giúp trẻ bồi đắp thêm vốn từ hàng ngày thì việc trò chuyện với trẻ, hoặc đưa trẻ ra ngoài quan sát sẽ giúp chúng hình thành kho từ vựng một cách tự nhiên.

Có những người mẹ có cách trò chuyện đặc biệt với con ngay từ khi còn nhỏ. Họ thường kể chuyện, giao tiếp với con bằng cách nói như với những người bạn.

Ví dụ khi chơi xong, con trót để đồ chơi bừa bãi không thu gọn mẹ có thể nói: “Con chưa ngăn nắp gọn gàng làm mẹ buồn đấy. Lần sau con còn làm như thế mẹ sẽ phê bình”.

Hay khi bé biết giúp mẹ, hãy khuyến khích bằng lời khen: “Đây đúng là một cậu bé vừa chăm chỉ, lại biết chia sẻ công việc với mẹ. Con thật là một chú bé ngoan ngoãn, đáng yêu”.

Thay vì cách trò chuyện với một đứa trẻ, cách giao tiếp với trẻ như một người bạn sẽ giúp trẻ mau chóng bắt chước cách sử dụng ngôn từ của bạn. Chính trong các tình huống giao tiếp, đặc biệt là kể chuyện hay đọc sách trẻ sẽ được phát triển một cách tự nhiên về ngôn ngữ.

Trang bị những kỹ năng cho trẻ

Trao đổi về việc làm sao giúp trẻ yêu thích môn tập làm văn, chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, (mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam) đã chia sẻ những cách giúp con yêu thích môn học này: Tùy theo điều kiện gia đình, cha mẹ cần hướng dẫn con trau dồi vốn tiếng Việt vì đó là cơ sở giúp các con bày tỏ tình yêu thương cũng như phát triển về ngôn ngữ tiếng Việt.

Ngay từ nhỏ Đỗ Nhật Nam, con của anh chị thường được nghe những lời hát ru của bố mẹ. Những lời ru ấy rất giàu tình cảm và giàu những hình ảnh đẹp. Giai điệu ngọt ngào cùng hình ảnh trong lời hát và những câu chuyện kể mộc mạc đã theo cậu bé suốt quãng tuổi thơ và cả khi lớn lên.

Chính những lời ru, những câu chuyện ấy đã góp phần phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, tạo nên chất liệu cho việc học Văn của trẻ. Việc đọc sách ngay từ nhỏ cũng sẽ giúp các con nuôi dưỡng tình yêu với văn học. Cha mẹ nên khuyến khích các con đọc những cuốn sách nào mà con thích. Từ đó trẻ sẽ được hóa thân là các nhân vật trong cuốn sách và hòa mình vào những trang sách, ngôn ngữ sẽ đến với các em một cách tự nhiên.

Chia sẻ về kỹ năng dạy con học Văn của mình, chị Phan Hồ Điệp còn bật mí: Có những cách mà hai mẹ con cùng học rất vui đó là chị cùng con làm báo tường, cùng con chơi những trò chơi tưởng tượng… Với trò chơi làm báo tường, chị thường dùng một tờ giấy khổ lớn dán vào trước bàn học của con.

Cả hai mẹ con cùng viết theo những chủ đề hết sức tự nhiên. Ai thích gì viết nấy. Đó có thể là một câu chuyện kể về một ngày học ở trường của con, hoặc một sự việc nào đó đã xảy ra. Tất cả những câu chuyện ấy đều được lưu giữ và trang trí ngộ nghĩnh. Những lúc rảnh rỗi cả nhà lại cùng nhau đọc. Có lẽ vì thế mà dần dần con trai chị không ngại viết và viết bài một cách tiến bộ hơn.

Bạn có thể bỏ lỡ bất kỳ thói quen nào nhưng không nên bỏ lỡ thói quen đọc sách và rèn giũa thói quen đó ngay từ lúc nhỏ của con. Ngay từ nhỏ mình đã dạy và hình thành cho con óc quan sát trước bất kỳ một hoàn cảnh, hay sự việc nào. Những câu hỏi khá ngộ nghĩnh sẽ giúp trẻ hình thành một thói quen và kỹ năng tốt khi học văn. Chị Phan Hồ Điệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.