Khơi nguồn cảm hứng cho học sinh với môn học Kinh doanh - Hướng nghiệp

GD&TĐ - Những giờ học về kinh doanh - hướng nghiệp của thầy Nguyễn Trọng Tùng, giáo viên Trường The Dewey Schools, luôn có sức cuốn hút, khiến học sinh yêu thích và nắm được kiến thức ngay trên lớp học.

Thầy Nguyễn Trọng Tùng trong một giờ dạy về Kinh doanh - Hướng nghiệp.
Thầy Nguyễn Trọng Tùng trong một giờ dạy về Kinh doanh - Hướng nghiệp.

Trang bị sớm cho học sinh kiến thức, năng lực tài chính

Thầy Nguyễn Trọng Tùng là 1 trong 3 giáo viên Việt Nam xuất sắc của "Chương trình đào tạo tài chính dành cho học sinh" khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022. Trước khi gắn bó với nghề dạy học, thầy đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông trong vai trò là phóng viên - thư ký tòa soạn báo Sinh viên Việt Nam và Hoa Học trò.

“Kiến thức là hành trang giúp con người có sự tự tin và tự lập. Giáo dục là nền tảng vững chắc để con người đạt được sự tự chủ, tự do”. Quan điểm này cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến bước chuyển về nghề nghiệp của thầy Tùng với mục tiêu tạo nên giá trị tốt hơn của bản thân và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Có một profile dày dặn thành tích, cùng kinh nghiệm cả trong lĩnh vực giáo dục lẫn truyền thông - kinh doanh, thầy Tùng mang đến một làn gió mới cho các lớp học kinh doanh - hướng nghiệp. Với thầy, sự chờ đón, hào hứng, tiếp thu hiệu quả của mỗi học sinh trong từng tiết học mới chính là thành tựu đáng tự hào nhất.

Thầy Nguyễn Trọng Tùng - 1 trong 3 giáo viên Việt Nam xuất sắc của "Chương trình đào tạo tài chính dành cho học sinh" khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022.
Thầy Nguyễn Trọng Tùng - 1 trong 3 giáo viên Việt Nam xuất sắc của "Chương trình đào tạo tài chính dành cho học sinh" khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2022. 

Chia sẻ về bộ môn khá mới mẻ: Kinh doanh - Hướng nghiệp, thầy Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, môn học này tổng hòa nhiều kiến thức, giúp học sinh huy động nhiều kỹ năng và vận dụng những gì đã học vào giải quyết tình huống thực tế. Đây là một điều quan trọng để việc học tập mang nhiều tính thực tiễn hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, môn học này cũng làm tiền đề cho hoạt động hướng nghiệp của học sinh trong tương lai. Các chuyên gia hướng nghiệp cũng nhận định rằng, hoạt động hướng nghiệp diễn ra càng sớm, học sinh sẽ càng có thời gian hiểu bản thân và định hướng tương lai.

“Môn Kinh doanh - Hướng nghiệp tại Dewey được thiết kế dành riêng cho học sinh nhà trường dựa trên giáo trình của tổ chức Junior Achievement (JA). JA đã có hơn 100 năm lịch sử cung cấp các chương trình đào tạo về kinh tế, kỹ năng dành cho giới trẻ toàn cầu và được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2022. Thông qua bộ môn Kinh doanh - Hướng nghiệp, học sinh được nâng cao tư duy tài chính cá nhân, tư duy hướng nghiệp, tư duy khởi nghiệp và cải thiện 4 kỹ năng trụ cột bao gồm giao tiếp, sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Tôi tin rằng những kỹ năng và kiến thức đó sẽ cần thiết cho nhiều môn học cũng như cuộc sống của học sinh.” - thầy Tùng chia sẻ.

Nhiều phụ huynh cũng đồng tình và đánh giá cao nội dung học ở môn Kinh doanh - Hướng nghiệp. Tại nước ngoài, học sinh được học về giá trị của tiền bạc, được thực hiện các hoạt động kinh doanh để gây quỹ, từ thiện hay quyên góp từ rất sớm.

Nhìn về Việt Nam, theo thầy Tùng, việc học các kiến thức kinh doanh gắn liền với thực tế còn hạn chế. “Với chương trình của The Dewey Schools, học sinh khối 6 sẽ được học về tiền bạc, ngân sách, lên lớp 7 sẽ bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp khởi nghiệp và quảng cáo. Chương trình cho học sinh lớp 8 sẽ tập trung vào hướng nghiệp cơ bản và chương trình lớp 9 sẽ xoay quanh việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Những nội dung trên sẽ được phát triển với kiến thức sâu hơn hơn trong chương trình phổ thông” - thầy Nguyễn Trọng Tùng cho hay.

Mọi giờ học thầy Tùng đứng lớp đều bắt đầu bằng một trò chơi khởi động tạo niềm hứng khởi.
Mọi giờ học thầy Tùng đứng lớp đều bắt đầu bằng một trò chơi khởi động tạo niềm hứng khởi.

Bài học từ đôi Biti’s tới lon Pepsi

Trên thực tế, với đặc thù là một môn học mới, không dễ để học sinh có thể bắt nhịp nhanh với nội dung học. Giáo viên phải thực sự sáng tạo, đầu tư vào nội dung giảng dạy để việc học hiệu quả và học sinh tìm được niềm hứng khởi trong môn học. Để việc học hiệu quả, thầy cô phải nỗ lực sáng tạo và luôn đổi mới cho phù hợp.

Thầy Tùng cho biết, trong giờ học, mình và đồng nghiệp luôn sử dụng rất nhiều các trò chơi, hoạt động tương tác trong giờ học để đạt được mục đích giúp học sinh làm chủ kiến thức, có khả năng vận dụng trong thực tế.

Ngoài các bài giảng trên lớp, thầy cô cũng tìm cơ hội để học sinh có thể tham quan các mô hình kinh doanh thực tế, tìm hiểu các công ty, hình thành phẩm chất nghề nghiệp. 

Học sinh sẽ có cơ hội trở thành giáo viên, học tập chủ động và truyền thụ kiến thức tới bạn bè. Lộ trình học từ lớp 6 tới lớp 12 của học sinh phản ánh đúng triết lý của nhà trường khi giáo dục chính là cuộc sống và những điều các em học có giá trị cho cả hiện tại và tương lai.

Đặc biệt, các giờ học kinh doanh - hướng nghiệp của thầy Tùng luôn không bắt đầu bằng những kiến thức khô khan. Với những câu hỏi xem thế giới đang có gì biến động, những câu chuyện kinh doanh - marketing nào đang trở thành xu thế, thầy Tùng kéo học sinh vào cuộc trò chuyện, thảo luận, tạo một không gian chia sẻ mở và học sinh thấy kiến thức không còn xa lạ. Các bài học thường đi từ những case study (tình huống thực tế) phù hợp và gần gũi với học sinh.

“Khi học về quảng cáo, tôi cho học sinh xem series clip “Đi để trở về” của Biti’s để cùng nhau thảo luận về những thông điệp đằng sau sản phẩm. Học sinh đa phần đều biết tới ca sĩ Soobin Hoàng Sơn cũng như những MV trẻ trung, gần gũi với các bạn.

Hoặc trong bài học về xây dựng thương hiệu với học sinh khối 9, chiến dịch Pepsi cùng ban nhạc Black Pink được đưa ra làm ví dụ khi các sản phẩm Pepsi in hình thành viên Black Pink được săn lùng ráo riết trên thị trường. Muốn dạy học sinh được với môn học mới phải nói đúng “ngôn ngữ” của các bạn, hiểu được những điều người trẻ quan tâm và hứng thú.” - thầy Tùng chia sẻ.

Nói về kỷ niệm với môn học, thầy Tùng nhớ lại câu chuyện khi hỏi học sinh lớp 6 về nghề nghiệp mong muốn trong tương lai. Bên cạnh các câu trả lời như Youtuber, kỹ sư, bác sĩ, một học sinh đã trả lời muốn làm thợ hồ khi quan sát những người thợ hồ làm việc với niềm hạnh phúc: “Niềm hạnh phúc của một người thợ hồ đâu có ít hơn niềm hạnh phúc của một giám đốc”

“Những bài học ở môn kinh doanh - hướng nghiệp không chỉ quan trọng với học sinh. Đôi khi chính các quan sát tinh tế của học sinh lại mang đến cho mình những góc nhìn đa dạng về cuộc sống và giáo viên cũng là người được học rất nhiều.”. Tâm sự điều này,Nguyễn Trọng Tùng thể hiện mong muốn sẽ có một mạng lưới các giáo viên, học sinh với mục tiêu truyền thụ, hướng dẫn, đào tạo về năng lực tài chính, một trong những năng lực nền tảng cần thiết cho bất kỳ một người trẻ nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẹo khử mùi phòng tắm nhanh và hiệu quả

Mẹo khử mùi phòng tắm nhanh và hiệu quả

GD&TĐ - Làm thế nào để khử mùi nhà tắm hiệu quả? Bài viết này, chuyên gia chia sẻ một số giải pháp thiết thực giúp phòng tắm của bạn trong lành, tiện nghi hơn.