Cô giáo dạy Âm nhạc lan tỏa say mê nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ, giảng dạy Âm nhạc tại Trường THCS Trần Phú (Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) còn hướng dẫn nhiều dự án nghiên cứu khoa học giành giải cao.

Cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ cùng 2 học sinh tham gia nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình tự học ở trường phổ thông theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ cùng 2 học sinh tham gia nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình tự học ở trường phổ thông theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn”.

Áp lực tạo kim cương

Giảng dạy âm nhạc tại một trường có bề dày thành tích về hướng dẫn nghiên cứu khoa học, cũng là tổng phụ trách đội nhiều năm, cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ sớm bén duyên với việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ thẳng thắn nghiên cứu khoa học không phải thầy cô nào cũng muốn làm, lý do được cô Mỵ đưa ra là bản thân công việc của giáo viên vốn đã rất vất vả.

Nhiệm vụ của người thầy là nghiên cứu bài dạy, soạn bài, giảng bài làm sao thu hút được học sinh. Nhiệm vụ này thách thức hơn rất nhiều trong thời đại công nghệ số, học sinh có thể tìm hiểu mọi thứ trên mạng chỉ với một thao tác đơn giản. Chưa kể còn áp lực từ phụ huynh, áp lực kinh tế, chất lượng giảng dạy…

“Không phải ai cũng làm được công việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Đối với lĩnh vực hành vi, để có một đề tài dự thi đòi hỏi người hướng dẫn phải thật tâm huyết, không tính toán thời gian, công sức, chung tay cùng các học sinh và bắt tay vào nghiên cứu cùng các em.

Bản thân tôi nhiều đêm thức trắng, không ăn, không ngủ để hoàn thiện dự án, từ câu văn đến cách trình bày; đồng thời đi thực tế để nghiên cứu. Đây là điều rất khó khăn vì giáo viên phải bảo đảm số tiết trên lớp, không ai dạy thay, do đó chỉ còn thời gian ngoài giờ lên lớp; chưa kể, học sinh lớp 8 còn quá nhỏ, lớp 9 thì chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp…

Nhưng đổi lại, niềm vui khi các em thay đổi dần theo các cấp thi, có thêm nhiều kĩ năng và trưởng thành hơn, thấu hiểu thầy cô, ý thức được “áp lực tạo kim cương” cho chính mình. Bên cạnh đó còn có sự đồng hành, vào cuộc nhiệt tình của phụ huynh” - cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ chia sẻ.

Đích đến của việc nghiên cứu, theo cô Mỵ, không phải là giải thưởng mà quan trọng nhất là phát hiện ra những yếu tố tiềm ẩn trong mỗi học trò. Qua nghiên cứu giúp học sinh trưởng thành, biết tìm tòi, sáng tạo, tự tin bước trước những khó khăn, thử thách.

“Các em hãy cứ tập làm nhà khoa học. Cho dù kết quả ra sao, nhưng các em sẽ học được rất nhiều điều khi được thầy cô hướng dẫn, được trải nghiệm, được trình bày, được thương thuyết, được kết nối làm việc theo nhóm, được biện luận, tranh luận…” – cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ nhắn nhủ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ cùng học trò trong chuyên đề cấp tỉnh: “50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ cùng học trò trong chuyên đề cấp tỉnh: “50 năm thực hiện  di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Lan tỏa tinh thần tự học

Đến nay, cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ đã hướng dẫn thành công 2 dự án giành giải nhất cấp thành phố, giải nhất cấp tỉnh, giải quốc gia; đoạt hai giải xuất sắc được Nhà hát chèo Việt Nam và Nhà hát chèo Quân đội trao giấy khen

Trong quá trình hướng dẫn, dự án cô Mỵ tâm đắc nhất là “Xây dựng mô hình tự học ở trường phổ thông theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn”. Đây là đề tài khó đối với học sinh. Thực hiện đề tài này, cô trò đã cùng tìm tài liệu, tìm hiểu về quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn; đồng thời phải đọc và nghiên cứu tài liệu, tìm ra được những điểm nổi bật nhất để đúc rút ra một dự án có tính khả thi.

“Lựa chọn điều gì để xây dựng lên một mô hình qua tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn đòi hỏi sự nghiên cứu rất kĩ. Nếu chỉ nghe qua báo cáo khó mà thấu hiểu được ngay ý đồ của dự án muốn lan tỏa điều gì”. Cô Mỵ chia sẻ và cho biết, đến nay nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình tự học theo tấm gương nhà bác học Lê Quý Đôn tại Trường THCS Trần Phú, thành phố Thái Bình qua hình thức câu lạc bộ. Mô hình này có thể nhân rộng ra các trường phổ thông khác trong cả nước, đặc biệt là các trường học mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.

Cô cùng nhóm nghiên cứu cũng đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo như: sưu tầm tư liệu; sáng tác thơ, tranh vẽ; sân khấu hoá hình tượng Lê Quý Đôn thời trẻ; thi Rung chung vàng trắc nghiệm trên internet; thiết kế thẻ tích điểm học tập; học tập tại di sản… với sự tham gia của  hội cha mẹ học sinh, các chuyên gia, nhà sưu tầm, Ban quản lý khu lưu niệm Lê Quý Đôn, học sinh, giáo viên trong và ngoài trường.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của Câu lạc bộ nhân tài Lê Quý Đôn, học sinh được nâng cao nhận thức về tinh thần tự học, rèn luyện các kĩ năng như kĩ năng làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học, thuyết trình. Giúp phát hiện sớm để định hướng, bồi dưỡng các tài năng về các lĩnh vực như sân khấu, hội hoạ, nghệ thuật, học sinh có năng khiếu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã đề xuất với sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Câu lạc bộ các trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn trong cả nước; xây dựng Cổng thông tin về nhà bác học Lê Quý Đôn phục vụ việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm học tập, đặc biệt là về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh các thành tích trong nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Hồng Mỵ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia nhiều hội thi văn nghệ đạt giải cao; hướng dẫn học sinh tham gia các chương trình chào mừng Đại Hội Đảng bộ các cấp, chào mừng các hoạt động của các cơ quan ban ngành của Tỉnh. Cô cũng là giáo viên Tổng phụ trách giỏi đạt được Trung ương Đoàn tặng bằng khen nhiều năm liền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.