(GD&TĐ) - Chiều ngày 29/3, tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì chương trình làm việc với đại diện Vụ tiểu học, Vụ Kế hoạch và Tài chính, Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở GD, Cục CSVC và đồ chơi trẻ em, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Viện Khoa học GDVN về công tác triển khai thực hiện Dự án mô hình trường học mới.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và đại diện các Vụ, Cục... bàn bạc, thống nhất công tác triển khai dự án Mô hình trường học mới |
Mô hình trường học mới khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Điểm nổi bật của mô hình này là đổi mới các hoạt động sư phạm, đó là hệ thống tài liệu dạy học, đổi mới phương pháp học, phương pháp giáo dục HS. Nhận thấy những ưu điểm của mô hình này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã báo cáo và đề xuất với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc nghiên cứu áp dụng mô hình trường học mới vào VN.
Dự án vừa được Chính phủ phê duyệt cho triển khai, nguồn tài trợ không hoàn lại từ Quỹ hỗ trợ toàn cầu về GD với ngân sách dự kiến là 85 triệu đô la Mỹ, thông qua Ngân hàng Thế giới. Dự án được thực hiện trong 3 năm, từ 2012-2015. Phạm vi Dự án tập trung vào 20 tỉnh khó khăn nhất trong toàn quốc, có nhiều HS dân tộc thiểu số. 19 tỉnh ít khó khăn hơn thuộc nhóm ưu tiên 2 và 24 tỉnh đồng bằng, TP thuộc nhóm ưu tiên 3. Tuỳ theo tính chất ưu tiên, các trường học thuộc các nhóm ưu tiên sẽ được thụ hưởng một hợp phần hoặc cả 4 phần của dự án. Đó là: Phát triển tài liệu cho đổi mới SP (bao gồm các tài liệu Hướng dẫn học tập cho HS, tài liệu cho CBQL, GV, cộng đồng, tài liệu cho các trường SP); Tập huấn và cung cấp tài liệu; Hỗ trợ cấp trường để triển khai; Quản lý Dự án và truyền thông. Theo đó, có tổng số 1447 trường tiểu học trực tiếp được hưởng lợi từ Dự án. Nhóm ưu tiên 1 có 1240 trường, nhóm ưu tiên 2 có 183 trưòng (mỗi huyện có 1 trường), nhóm ưu tiên 3 có 24 trường (mỗi tỉnh có 1 trường). Những trường này sẽ được cấp máy tính, máy in, photocopy, máy chiếu, trang bị đồ gỗ cho phòng học, sửa chữa nhỏ, bồi dưỡng GV cấp trường, ăn trưa cho 50% số HS trong trường...
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát và tổ chức xây dựng tài liệu "Hướng dẫn học tập" các môn Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội cho HS lớp 2 trên cơ sở giữ nguyên chương trình, nội dung SGK hiện hành ( chỉ thay đổi cách tổ chức lớp học và phương pháp dạy học là dạy cho HS tự học), các môn học khác vẫn học bình thường. Tổ xây dựng đề án do Vụ tiểu học chủ trì cùng với sự tham gia của Vụ KH-TC, Viện Khoa học GDVN và một số đơn vị trong Bộ. Tổ biên soạn tài liệu gồm các tác giả SGK, cán bộ giảng dạy ĐH Sư phạm, các chuyên gia, cán bộ chỉ đạo và GV tiểu học đã biên soạn tài liệu và tổ chức thí điểm tại 24 trường tiểu học của 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Kon Tum ngay trong năm học 2011-2012. Mô hình trường học mới khi triển khai thí điểm ở cơ sở đã được các hiệu trưởng, Gv và phụ huynh HS tán đồng, ủng hộ. Các em HS hào hứng học tập, lớp học vui, HS tích cực, mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động học tập, các hoạt động GD.
Tại buổi làm việc, sau khi đưa ra ý kiến thống nhất về cách thức triển khai và những nội dung nhiệm vụ của Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã quán triệt và nhấn mạnh trách nhiệm tới lãnh đạo các Vụ, Cục và đơn vị liên quan tham gia điều hành, thực hiện đưa dự án mô hình trường học mới vào thực tế. Thứ trưởng yêu cầu các Vụ, Cục... đặc biệt coi trọng, giải quyết vấn đề nhân sự Ban quản lý dự án từ cấp TW đến cấp tỉnh, thành...đểt vận hành trôi chảy các hoạt động của dự án, đảm bảo kịp thời mọi trình tự, thủ tục, thời gian và làm tốt việc giải ngân....
Kỳ Vũ