Bach Khoa Innovation mùa 7 năm 2024 (BKI 2024) khởi động từ tháng 4/2024 và dự kiến kéo dài đến tháng 10/2024 với 3 vòng thi.
Cuộc thi có sự đồng hành Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Bên cạnh đối tượng truyền thống là học sinh khối trung học phổ thông và sinh viên, học viên cao học, cựu sinh viên các trường đại học, cuộc thi năm nay mở rộng đối tượng dự thi đến các nhóm khởi nghiệp và mở rộng quy mô ra phạm vi nước ngoài.
BKI 2024 được chia thành 3 bảng dự thi: bảng Start-up cho nhóm khởi nghiệp (dự án từ doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh không quá 5 năm); bảng Sinh viên cho nhóm sinh viên, cựu sinh viên (thời gian tốt nghiệp không quá 2 năm tại thời điểm đăng ký), học viên cao học của các trường Đại học, Cao đẳng và bảng Học sinh cho nhóm học sinh các trường Trung học Phổ thông.
Lĩnh vực dự thi dựa trên nền tảng khoa học công nghệ ở các lĩnh vực, tiêu biểu như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật môi trường, hóa học, cơ điện tử…
Các dự án tham gia cuộc thi cần có tính đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ), quy trình có tính chất mới hay cải tiến đáng kể và có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn thương mại.
Xen kẽ giữa các vòng thi, các đội được hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua khóa đào tạo ngắn hạn, tư vấn/cố vấn từ chuyên gia, sử dụng Innovation FabLab phát triển sản phẩm mẫu, tham quan thực tế...
Ngôn ngữ chính được sử dụng xuyên suốt cuộc thi là tiếng Anh.
BKI 2024 nâng cấp cơ cấu giải thưởng gồm gói hỗ trợ các nhóm đoạt giải để các bạn có thể phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình sau khi cuộc thi kết thúc. Tổng cơ cấu giải thưởng hơn 500 triệu đồng.
Trong đó, các đội đoạt giải có quyền tham gia các hoạt động phát triển dự án như sử dụng Innovation Fablab tại Trường Đại học Bách khoa, gói dịch vụ tư vấn (pháp lý, đăng ký SHTT...) và gói dịch vụ cố vấn 1:1.
Đại biểu trải nghiệm sản phẩm của sinh viên trưng bày tại buổi lễ. (Ảnh: HCMUT) |
Tại buổi khởi động cuộc thi, PGS. TS. Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, Bach Khoa Innovation là sân chơi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, quy mô ngày càng lớn, giúp kiến tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp cho người trẻ.
Ngoài khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên và những ai đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bach Khoa Innovation tạo điều kiện hỗ trợ các đội thi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Theo ông Phong, chiến lược của nhà trường là đưa BKI mở rộng ra quốc tế. Thực tiễn chứng minh rằng, các đối tác quốc tế làm rất tốt việc triển khai quy mô rộng khắp và tạo tác động xã hội lớn.
Bên cạnh đó, những nhóm nghiên cứu có cơ hội giao lưu học hỏi, tiếp cận nguồn vốn và các chuyên gia, mạng lưới hàng đầu trong và ngoài nước.
"Năm nay, trường ĐH Bách Khoa TPHCM phát triển đẩy mạnh cuộc thi ra các địa bàn ngoài thành phố với mục tiêu mở rộng đến các tỉnh thành, thúc đẩy sự tham gia của thầy cô giảng viên sâu hơn vào cuộc thi này. Đó là những bước tiến nhỏ nhưng quan trọng trong chiến lược nhà trường", ông Phong phát biểu.
Trải qua 6 mùa thi từ năm 2018, Bach Khoa Innovation thu hút 341 đội thi với hơn 1.300 học sinh, sinh viên đến từ 23 trường đại học và trung học phổ thông tại TPHCM và khu vực lân cận.
Cuộc thi đã góp phần ươm tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp tiềm năng với các sản phẩm có thể ra thị trường như dầu thơm nano, sản phẩm vệ sinh từ chuối, màng bọc thực phẩm chiết xuất từ Chitosan và lá ổi ăn được,...