Trường ĐH Bách khoa TPHCM dành 50 tỷ đồng cấp học bổng sinh viên

GD&TĐ - Năm 2024, quỹ học bổng khuyến khích học tập, cựu sinh viên... của Trường Đại học Bách khoa TPHCM lên tới 50 tỷ đồng.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUT

5 phương thức xét tuyển

Chiều 5/1, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố phương án tuyển sinh dự kiến trong năm 2024.

Đáng chú ý, nhà trường công bố quỹ học bổng 50 tỷ đồng gồm: học bổng khuyến khích học tập (trị giá lên tới 120% giá trị học phí/học kỳ/suất); học bổng từ Cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA); dành cho sinh viên chương trình đào tạo quốc tế, học bổng IELTS, học bổng Pre-English 10 triệu đồng/suất; học bổng Đoàn - Hội, câu lạc bộ, hoạt động phong trào; học bổng từ đối tác nước ngoài, tổ chức, doanh nghiệp; quỹ tín dụng học tập sinh viên (bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất); học bổng từ Đại học Quốc gia TPHCM.

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó phương thức kết hợp nhiều tiêu chí chiếm tỷ trọng chỉ tiêu cao nhất.

Thứ nhất, nhà trường xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM 1-5% tổng chỉ tiêu.

Thứ hai, trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM: 10-15% tổng chỉ tiêu.

Thứ ba, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, Tiên tiến): 1-5% tổng chỉ tiêu.

Thứ tư, xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (Úc, New Zealand): 1-5% tổng chỉ tiêu.

Cuối cùng, xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí: kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng): 60-90% tổng chỉ tiêu.

5.150 chỉ tiêu tuyển sinh

Nhà trường vẫn giữ số lượng chỉ tiêu ổn định với 5.150 sinh viên. Các chương trình đào tạo của nhà trường gồm:

- Chương trình tiêu chuẩn: 35 nhóm ngành/ ngành (các ngành tuyển sinh theo nhóm ngành sẽ phân ngành từ năm thứ 2 theo kết quả học tập), dạy bằng tiếng Việt, học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ, kế hoạch đào tạo 4 năm, địa điểm học tại Cơ sở Dĩ An, chuẩn tiếng Anh đầu ra: TOEIC nghe - đọc ≥ 600 & nói - viết ≥ 200; chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT đầu ra: MOS (Excel); bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp.

- Chương trình Tài năng: 15 nhóm ngành/ ngành, dạy bằng tiếng Việt (dựa trên chương trình tiêu chuẩn với các môn cốt lõi dành cho chương trình tài năng), học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ, xét tuyển sinh viên giỏi từ năm thứ 2, kế hoạch đào tạo 4 năm, chuẩn tiếng Anh đầu ra TOEIC nghe - đọc ≥ 700 & nói - viết ≥ 245; chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT đầu ra: MOS (Excel); bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp.

- Chương trình tiên tiến: 1 ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, giáo trình chuyển giao từ Đại học Illinois Urbana Champaign, được cải tiến qua các năm để phù hợp với thực tiễn.

Một số môn chuyên ngành có giáo sư đại học đối tác nước ngoài sang tham gia giảng dạy, học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English), địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt.

Chuẩn tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 & nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn). Chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT đầu ra: MOS (Excel). Bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong phòng thực hành. Ảnh: HCMUT

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa trong phòng thực hành. Ảnh: HCMUT

- Chương trình chuyển tiếp Quốc tế (Úc, New Zealand):15 ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; 2-2,5 năm đầu - địa điểm học tại cơ sở Lý Thường Kiệt, học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), 2-2,5 năm cuối - chuyển tiếp sang đại học đối tác Úc/ New Zealand, học phí khoảng 566-807 triệu đồng/năm, kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English).

Chuẩn tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 & nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn), chuẩn tiếng Anh chuyển tiếp đạt IELTS ≥ 6.0-7.5/ TOEFL iBT ≥ 80-93. Bằng tốt nghiệp do học kỳ đối tác Úc/ New Zealand cấp.

- Chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV): 8 chuyên ngành đào tạo kỹ sư hợp tác với 8 trường kỹ sư danh tiếng tại Pháp, học tập bằng tiếng Việt, học phí khoảng 15 triệu đồng/học kỳ, xét tuyển tân sinh viên đã trúng tuyển (không phân biệt mã ngành), kế hoạch đào tạo 5 năm, địa điểm học tại Cơ sở Lý Thường Kiệt, chuẩn ngoại ngữ tốt nghiệp DELF B1 (Pháp) và TOEIC 700 & nói-viết từ 245 (Anh), chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT: MOS (Excel); bằng kỹ sư-thạc sĩ do Trường Đại học Bách khoa cấp (được công nhận tương đương bậc thạc sĩ Châu Âu), phụ lục bằng kỹ sư với trường đối tác Pháp.

Chương trình dạy và học bằng tiếng Anh: 22 ngành, dạy bằng tiếng Anh, học phí khoảng 40 triệu đồng/học kỳ (chưa kể học kỳ Pre-English), kế hoạch đào tạo 4 năm (chưa kể học kỳ Pre-English), địa điểm học tại cơ sở Lý Thường Kiệt.

Chuẩn tiếng Anh dự tuyển đạt IELTS ≥ 4.5/ DET ≥ 65/ tương đương, chuẩn tiếng Anh học chương trình chính khóa đạt IELTS ≥ 6.0/ TOEFL iBT ≥ 79/ TOEIC nghe - đọc ≥ 730 & nói - viết ≥ 280 (nếu chưa đạt, thí sinh khi trúng tuyển sẽ được xếp lớp học tiếng Anh trong học kỳ Pre-English để đạt chuẩn). Chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT đầu ra: MOS (Excel). Bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp.

- Chương trình định hướng Nhật Bản: 2 ngành, dạy chuyên môn theo chương trình Tiêu chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật giao tiếp - chuyên ngành (1.200 giờ) và văn hóa Nhật, một số môn chuyên ngành ở năm thứ 3 và 4 do các giáo sư Nhật dạy bằng tiếng Nhật, học phí khoảng 30 triệu đồng/học kỳ, kế hoạch đào tạo 4 năm, địa điểm học tại cơ sở Lý Thường Kiệt.

Chuẩn ngoại ngữ đầu ra: tiếng Nhật tương đương JLPT ≥ N3 (hướng đến khi tốt nghiệp tương đương N2), tiếng Anh TOEIC nghe - đọc ≥ 600 & nói - viết ≥ 200. Chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT đầu ra: MOS (Excel).

Bằng tốt nghiệp do Trường Đại học Bách khoa cấp, có triển vọng làm việc lâu dài tại các tập đoàn Nhật, đãi ngộ như kỹ sư Nhật.

- Chương trình chuyển tiếp quốc tế (Nhật Bản): 1 ngành, Kỹ thuật Điện - Điện tử; 2,5 năm đầu - địa điểm học tại cơ sở Lý Thường Kiệt, dạy chuyên môn theo chương trình tiêu chuẩn kết hợp đào tạo tiếng Nhật liên tục trong tuần, học phí khoảng 30 triệu đồng/học kỳ, 2 năm cuối chuyển tiếp sang đại học đối tác Nhật, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Nhật, học phí khoảng 91 triệu đồng/năm (theo tỷ giá ngoại tệ tháng 1/2024); xét tuyển tân sinh viên chương trình tiêu chuẩn mã ngành 108.

Trình độ tiếng Nhật chuyển tiếp tương đương JLPT ≥ N2. Bằng tốt nghiệp do đại học đối tác Nhật cấp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 99.5% (cập nhật tháng 4/2023), cơ hội học tiếp lên bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại Nhật thuận lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ