(GD&TĐ) - Nằm heo hút phía cuối xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) có một khu vực mà bốn bề bao phủ bởi núi và rừng, đó là Sình Môn. Sình Môn là nơi định cư của hơn 200 hộ dân theo chương trình làm kinh tế mới.
Nhiều năm trước đây, do điều kiện khó khăn, những đứa trẻ ở Sình Môn sinh ra phải xa lạ với con chữ. Thấy được điều này, mấy năm trước, nhà nước quan tâm lập một điểm trường cấp I, II Sình Môn. Tuy vật chất còn rất nhiều khó khăn nhưng do ham cái chữ nên tiếng học bài ê, a của các em học sinh vẫn vang lên đều đặn sau những lớp học dựng bằng gỗ, vách nứa.
Lớp học ở Sình Môn |
Khơi dậy ước mơ sau vách nứa
Vừa dẫn đường chúng tôi đến thăm điểm trường Sình Môn, ông Nguyễn Đức Hoàng, trưởng thôn Sình Môn vừa tâm sự: “May mắn quá khi ở đây được xây dựng một điểm trường, chứ không hàng trăm trẻ em trong độ tuổi đến trường sẽ thất học mất. Không nói đâu xa, năm 2007 mà vào Sình Môn thì nhìn tứ phía còn hoang vu lắm. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy nương thôi. Không giống như nơi khác, trẻ em ở đây rất háo hức muốn đi học. Vậy là khi có trường ai cũng quyết đưa con đến học”. Đến Sình Môn đúng ngày nắng nên những con đường đất đỏ cứ cuốn lên bụi mù. Thấy chúng tôi đến thăm, giáo viên Lê Thị Duyên tạm cho lớp giải lao và tâm sự rằng: “Học sinh ở đây nghèo nhưng các em hiếu học. Có nhiều em cũng sáng dạ lắm. Hy vọng sau này các em sẽ học được lên cao để làm rạng danh cho cái thung lũng Sình Môn này”.
Cô Duyên cũng cho biết cô không phải là dân Tây Nguyên mà là người di cư từ tận ngoài Bắc vào. Ngày mới đặt chân đến đây, cũng như nhiều người trước, phải trải qua những ngày khó khăn, có lúc Duyên thấy nản lòng và nhớ nhà da diết. Thế nhưng vì yêu nghề nên cô vẫn quyết tâm bám trụ. Theo trưởng thôn Hoàng thì năm 2009, con trai ông học lớp 5 đã đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh từ lớp học bằng vách nứa ở Sình Môn này. “Sau khi con trai tôi đạt giải học sinh giỏi, tôi xem đó như một tấm gương để đi vận động tất cả bà con trong thôn chăm lo hơn cho việc học của con mình”. Sau khi đạt giải, con ông Hoàng đã lên học cấp II trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Đắk Nông. Cũng như Duyên, ngày nhận quyết định về với điểm trường Sình Môn, cô gái 22 tuổi Trần Thị Thủy gần như khóc sưng mắt khi biết rằng, chuỗi năm tháng phía trước sẽ là chuỗi ngày rất vất vả. Nhưng lạ thay, cái cảm giác ban đầu đó đã qua đi rất nhanh. Sau một thời gian ăn ngủ cùng dân bản, Thủy cảm thấy mọi khó khăn đều lùi lại phía sau. “Tôi có cảm giác rằng từ những lớp học bằng vách nứa này, đã khơi dậy nhiều ước mơ của những đứa ngô nghê ở đây. Thế là thấy yêu nghề hơn”- Thủy chia sẻ.
Có khó khăn nhưng mà nặng cái tình
“Giáo viên vào cắm bản ở Sình Môn này có lẽ nặng nhất là cái tình. Điểm trường ít người nên thân thiết với nhau như người trong nhà. Nếu người này có việc hay đau ốm thì người khác sẵn sàng dạy thay. Học sinh cứ thấy thầy cô bỏ lớp một bữa là kéo đến nhà thăm nom nên cũng thấy ấm lòng”- cô giáo Duyên tâm sự. Tuy nhiên, một nỗi băn khoăn, trăn trở lớn của các giáo viên cắm bản ở Sình Môn là cơ sở vật chất quá thiếu thốn, phương tiện dạy học cũng hạn cheên nhiều chương trình mới khó truyền tải đến học sinh. Bên cạnh đó, nhiều em vừa học, vừa phải phụ giúp gia đình nên việc học ở đây cũng còn lắm gian nan. Chung tâm sự như Duyên, Nguyễn Trung Tín, một giáo viên mới tự nguyện từ Quy Nhơn lên Sình Môn dạy học chừng một năm, nhưng nước da anh đã nhuốm màu bánh mật.
Anh chia sẻ: “Mong thời gian tới được nhà nước quan tâm hơn nữa, đầu tư thêm phương tiện dạy học cho Sình Môn. Ban đầu, tôi cũng chỉ định lên đây thời gian ngắn rồi tìm cách chuyển về Quy Nhơn. Thế nhưng như có gì đó níu kéo nên giờ cảm thấy rất gắn bó với nơi đây. Ở đây, người ta có thể đi bộ 3 km để đến nhà phụ đạo cho học sinh, phụ huynh còn có thể đi bộ gần chục km đến thăm giáo viên nên nghĩa tình rất sâu nặng”. Trước sự tận tình của các giáo viên ở Sình Môn, già làng A Glin, bày tỏ: “Từ khi có trường học, có các giáo viên về đây dạy cái chữ, Sình Môn như vui hơn. Cái bụng của giáo viên nó tốt lắm, nó vừa dạy học, vừa hướng dẫn bà con giữ vệ sinh thôn xóm nữa”.
Mùa nắng ở Sình Môn tuy nhiều bụi bặm nhưng vất vả nhất có lẽ là vào mùa mưa. “Cứ mỗi khi vào tháng 8, tháng 9 cao điểm của mùa mưa ở Tây Nguyên, muốn ra thị trấn chơi hay mua sắm gì, cánh đàn ông còn có thể ra được bằng cách đi ủng và đẩy xe từng bước, chứ đàn bà con gái thì chịu thôi, chắc không đi nổi nhưng ai cũng hy vọng rồi sẽ có một con đường nhựa hay bê tông trong tương lai gần”- Giáo viên Nguyễn Trung Tín giãi bày.
PV