Khơi dậy đam mê dân ca, nhạc cụ dân tộc cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - "Lớp học dân ca 0 đồng" ở TP Cần Thơ nhằm lan tỏa những điệu lý, câu hò, những giai điệu dân ca đến với các em học sinh.

Chương trình tại buổi ra mắt mô hình “Lớp học dân ca 0 đồng”.
Chương trình tại buổi ra mắt mô hình “Lớp học dân ca 0 đồng”.

Lan tỏa nghệ thuật truyền thống

Lớp học được bắt đầu với các hoạt động giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu...; tiếp nối là việc hướng dẫn học hát dân ca, các điệu lý, hò, vè… cho học sinh.

Đồng hành cùng “Lớp học dân ca 0 đồng”, thầy Trương Tài Linh (hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ, lớp giảng dạy về lịch sử âm nhạc dân ca Việt Nam, hướng dẫn tìm hiểu cơ bản về các điệu lý, hò, vè. Đồng thời, thực hành trên một số nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu… cho các em học sinh.

Thầy Trương Tài Linh bộc bạch: Thấy các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình, ngay từ lúc đầu các bạn đã rất tò mò và háo hức tham gia chương trình. Nhiều em tò mò hỏi thăm nhạc cụ này, nhạc cụ kia tên gọi là gì; rồi khi tập mấy bài lý, giai điệu vừa vang lên các em nỗ lực thể hiện làm cho chúng tôi rất vui… Vui nhất là hoạt động “Lớp học dân ca 0 đồng” - lớp hoạt động vì đam mê của được học sinh đón nhận.

“Lớp học dân ca 0 đồng” mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến học sinh.
“Lớp học dân ca 0 đồng” mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến học sinh.

Thầy Tài Linh tâm sự, hiện trong thời đại 4.0, công nghệ hóa và các em học sinh thường quan tâm nhiều hơn đến dòng nhạc trẻ sôi động. Việc tổ chức lớp dạy dân ca như thế này chúng tôi muốn gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống. Để có thể giới thiệu nhạc cụ, giới thiệu và tập cho các em học sinh những giai điệu dân ca là sự cố gắng không ngừng của tất các bạn đồng hành cùng lớp học, thầy Tài Linh nói.

“Lớp học dân ca 0 đồng” là sáng kiến của Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - sinh viên TP Cần Thơ phối hợp với các trường tổ chức nhằm gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa âm nhạc dân tộc và nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Phương Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - sinh viên TP Cần Thơ cho biết: Mô hình hoạt động với mong muốn mỗi em học sinh biết và hiểu nhạc cụ trở thành những “sứ giả” mang văn hóa Việt Nam để quảng bá với bạn bè quốc tế. Bước đầu mô hình nhận được sự chung tay góp sức của rất nhiều tổ chức, cá nhân với vai trò giáo viên, tài trợ cho mượn nhạc cụ, địa điểm… Theo đó, tất cả đều hướng tới mong muốn khơi gợi đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp đến các em học sinh.

Một hoạt động giao lưu của mô hình tại Trường Tiểu học Cái Khế 1. Ảnh: Tấn Đạt.

Một hoạt động giao lưu của mô hình tại Trường Tiểu học Cái Khế 1. Ảnh: Tấn Đạt.

Theo ông Phương Tấn Đạt, mô hình “Lớp học dân ca 0 đồng” sẽ được tổ chức hoạt động cố định vào thời gian từ 9h - 10h30 thứ Sáu hàng tuần từ, tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương.

Học sinh hào hứng

Là một trong các trường vừa tổ chức hoạt động giao lưu của mô hình, thầy Lê Nguyên Chương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Khế 1 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: Qua hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - sinh viên TP Cần Thơ phối hợp với các nghệ sĩ, nhạc công tài tử tổ chức giao lưu chương trình giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng của học sinh.
Mặc dù, trước đây nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nhạc cụ dân tộc tuy nhiên do không có chuyên môn sâu nên gặp khó trong tổ chức hoạt động, chưa thu hút học sinh.

Học sinh được hướng dẫn tham gia hát dân ca.
Học sinh được hướng dẫn tham gia hát dân ca.

Thông qua chương trình này, học sinh đã được giới thiệu và hiểu phần nào các giá trị văn hóa, nhạc cụ âm nhạc truyền thống của dân tộc. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong môi trường học đường; chương trình không chỉ khơi gợi đam mê, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp đến học sinh, thầy Lê Nguyên Chương nói.

Thời gian tới, trường sẽ tổ chức câu lạc bộ để các em học sinh có sân chơi và tiến hành giao lưu hàng tuần để học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của từng nhạc cụ dân tộc. Tạo cơ hội cho học sinh nhà trường tiếp xúc và hiểu sâu hơn về di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Em Phan Thiên Phúc và em Diệp Văn Phát (cùng học lớp 5) biểu diễn bài dân ca “Lý cây bông”.

Em Phan Thiên Phúc và em Diệp Văn Phát (cùng học lớp 5) biểu diễn bài dân ca “Lý cây bông”.

Được tham gia một buổi giao lưu hoạt động của “Lớp học dân ca 0 đồng”, em Trần Quang Minh (học sinh lớp 8) hào hứng chia sẻ, em thấy các làn điệu dân ca và giai điệu từ các nhạc cụ ngân lên rất thu hút, đặc biệt. Chắc chắn em và các bạn của em sẽ đăng ký tham gia “Lớp học dân ca 0 đồng” này.
Em mong muốn tìm hiểu thêm thêm các loại nhạc cụ và tự tin thể hiện giai điệu mình yêu thích. Trong tương lai, nếu có đi du học, em sẽ mang những kiến thức mình được truyền dạy hôm nay “khoe” với bạn bè quốc tế, trong niềm tự hào dân tộc tràn đầy.

Tương tự, em Diệp Văn Phát (học sinh lớp 5) chia sẻ, em thấy nhạc dân ca rất hay, em đã luyện tập ở nhà rất nhiều để biểu diễn bài “Lý cây bông”, vì bài dân ca này giàu tình cảm. Em đang trong quá trình luyện tập để có thể trở thành người hát dân ca hay.

Mô hình giáo dục nghệ thuật dân tộc thông qua “Lớp học dân ca 0 đồng” không chỉ giới thiệu về nhạc cụ, những câu hò, điệu lý… mà thông qua đó, các thầy cô mong muốn các em thêm yêu văn hóa dân tộc. Lan tỏa những cái hay, cái đẹp, nét đặc sắc của dân tộc đến với thế hệ trẻ Cần Thơ.

Là trường hỗ trợ địa điểm để hoạt động của “Lớp học dân ca 0 đồng”, cô Võ Thị Song Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: Hoạt động không chỉ là cơ hội để học sinh tiếp xúc và hiểu sâu hơn về di sản văn hóa dân tộc, mà còn góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Chính vì thế, nhà trường chung tay tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động giới thiệu nhạc cụ, dân ca dân tộc sẽ được lan tỏa trong các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn, mang lại những trải nghiệm sinh hoạt cho học sinh, cô Thu kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ