Khởi đầu hành trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 1/8, thầy Nguyễn Đình Hưng tạm biệt gia đình đến điểm trường Suối Tung cách nhà khoảng 100 km, chuẩn bị cho năm học mới.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Hành trang của thầy, ngoài vật dụng chuyên môn còn có mấy tấm giấy trang trí đủ màu sắc. Suối Tung là một trong 7 điểm lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) với 80% học sinh là người Mông, còn lại là người Thái. Thầy Hơ Văn Chá - người đồng hành với thầy Hưng ở điểm trường Suối Tung cũng có mặt cùng ngày.

Hai thầy – vốn được Hiệu trưởng Lê Quang Tùng gọi vui là “thầy đa di năng” - bắt đầu công việc, từ phát quang cây cối, vệ sinh trường lớp, sửa lại bàn ghế, vận động học sinh đến trường… Nhờ vậy, ngày 21/8, 33 học sinh được tựu trường trong không gian giản dị; dù còn nhiều thiếu thốn nhưng sạch sẽ, gọn gàng, ấm áp.

Từ khi tựu trường đến ngày khai giảng, hai thầy tranh thủ lúc rảnh rỗi, sau giờ dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh, lụi cụi cắt cờ đỏ sao vàng, hoa giấy… trang trí lớp học; lên danh sách những trò chơi để lễ khai giảng có cả phần hội vui tươi, giúp học sinh phấn khởi bước vào năm học mới.

Vài năm trở lại đây, năm nào hình ảnh lễ khai giảng tại điểm trường Tắk Pổ (Nam Trà My) - điểm trường vùng cao của huyện xa nhất tỉnh Quảng Nam cũng gây xúc động mạnh mẽ. Lễ khai giảng được miêu tả trên báo chí rất đơn sơ với bục được kê tạm bằng chiếc bàn nhỏ, có tấm khăn bàn cũ, trên bàn là ảnh Bác Hồ, không có hoa tươi. Học trò trên tay cầm lá cờ nhỏ, chăm chú nghe cô giáo trong tà áo dài tinh tươm đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới… Đơn giản nhưng ấm cúng. Không phải đến trường nhiều ngày để tập luyện cho lễ khai giảng, không cần những tiết mục văn nghệ hay nghi lễ hoành tráng, các em vẫn có ngày mở đầu năm học mới đầy ý nghĩa.

Ngày khai giảng, dù giáo dục đã đổi thay rất nhiều, vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thiêng liêng. Các thầy, cô giáo, nhất là nhà giáo ở điểm trường vùng xa xôi, đặc biệt khó khăn với cố gắng, nỗ lực âm thầm, góp phần vô cùng quan trọng tạo nên không khí đặc biệt của ngày đầu năm học mới. Hình ảnh thầy cô người đầy bùn đất dọn trường cho học sinh đến lớp; những giáo viên dành phần thu nhập ít ỏi mua sách vở, bút mực giúp học sinh nghèo... luôn có sức lan tỏa khiến chúng ta hướng về điều tốt đẹp và tự tin sẽ có thêm nhiều điều tốt đẹp trong năm học mới.

Nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục, địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Hướng dẫn của các sở GD&ĐT cho khai giảng năm nay cũng bám sát chỉ đạo này. Hầu hết, địa phương đều giữ hình thức khai giảng với 2 phần “lễ” và “hội”; lưu ý tổ chức phần “lễ” ngắn gọn nhưng trang trọng, phần “hội” thì vui tươi. Những lễ khai giảng hình thức, cồng kềnh, phô trương, biến khai giảng thành buổi báo cáo thành tích của nhà trường dường như không còn. Nhiều trường còn gửi gắm thêm thông điệp giáo dục riêng, với cách làm sáng tạo. Đó là khai giảng không bóng bay nhằm bảo vệ môi trường tại Marie Curie (Hà Nội), sau đó lan tỏa ra nhiều trường học trên cả nước; là khai giảng xanh khi thầy trò cùng trao tặng nhau cây xanh, những cuốn sách hay; hay lễ khai giảng truyền tải thông điệp về sự biết ơn với nhiều hoạt động kết nối yêu thương giữa học sinh và cha mẹ, thầy cô… Việc “lấy học sinh làm trung tâm” đã ngày càng được nhiều trường chú ý khi lên kịch bản cho ngày đầu năm học mới.

Trong hành trình đổi mới giáo dục, khai giảng đã có đổi mới cả về hình thức và nội dung. Nhưng việc “lấy học sinh làm trung tâm” luôn cần là mục tiêu để ngày khai giảng thực sự là mở đầu ý nghĩa, mới mẻ, đầy phấn khởi, hào hứng bắt đầu một năm học mới trong hành trình ước vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.