Thay vào đó, các cơ sở giáo dục, từ phổ thông đến đại học, đều xem dạy học trực tuyến là hình thức áp dụng lâu dài, vừa để thích ứng, vừa triển khai chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên công nghệ. Vì vậy, ngay trong điều kiện đã triển khai dạy học trực tiếp, các trường học vẫn sử dụng hình thức trực tuyến như một phương pháp bổ trợ, bổ sung.
Năm học 2021 - 2022 tiếp tục là một năm học khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Học sinh có thể phải học trực tuyến, thi trực tuyến. Trước thềm năm học mới, các địa phương đã chủ động xây dựng nhiều phương án để ứng phó với những tình huống có thể nảy sinh. Đơn cử như việc UBND tỉnh Quảng Nam đã quy định phương án xử lý cụ thể và chi tiết đối với một số tình huống xảy ra như trường học xuất hiện trường hợp F0, F1, F2… để tránh bị động, lúng túng.
Có thể thấy, trong các kịch bản xử lý tình huống, địa phương đã nhất quán quan điểm phải tận dụng tối đa “thời gian vàng”, khi học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp. Kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần đạt phải được tận dụng giảng dạy trong thời gian học học tập trực tiếp tại trường.
Toàn ngành Giáo dục đã trải qua 2 năm học liên tiếp với nhiều dấn ấn khó quên khi vừa dạy - học vừa phòng, chống dịch Covid - 19. Đã có nhiều địa phương lần đầu tiên tổ chức kiểm tra, thi cho học sinh, sinh viên theo hình thức trực tuyến có giám sát.
Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT sử dụng phương án đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh vì dịch bệnh không thể dự thi. Dạy - học trong điều kiện dịch bệnh cũng đồng thời thể hiện được bản lĩnh cũng như sự tâm huyết, sáng tạo, hết lòng vì học sinh của các thầy cô giáo. Đây là chân đế vững chắc để tạo cho ngành GD-ĐT có được sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục.
Tạo dựng một nền giáo dục có chất lượng, “dạy thật, học thật, nhân tài thật” là mong muốn của những ai quan tâm đến sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, cùng với việc dịch chuyển để ứng phó các vấn đề thực tế dịch bệnh đặt ra, ngành Giáo dục đã xây dựng được tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tạo thế chân kiềng vững chắc để giáo dục luôn có sự cân bằng động trong quá trình phát triển.
Đó là sự cộng hưởng trách nhiệm của gia đình trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến, sự chủ động của địa phương trong huy động nguồn lực cả về cơ sở vật chất và nhân lực khi triển hiện Chương trình GDPT mới …
Năm học 2021 – 2022, năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Thầy và trò các cấp học đã đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, tích cực trong chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến giáo dục.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục và thầy trò cũng cần sự hỗ trợ để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và các yêu chất lượng cốt lõi, sẻ chia với học sinh, sinh viên và nhà giáo khó khăn để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.