Vững tin vào năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024 là dấu mốc quan trọng khi tròn 10 năm toàn ngành triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Trung ương.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đây cũng là năm chúng ta gần đi hết một lộ trình đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh mới, chủ đề năm học được Bộ GD&ĐT xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới được triển khai tích cực ở các nhà trường, địa phương. Những công việc “đến hẹn lại lên” nhưng không thể thiếu trước ngày tựu trường là sửa chữa, nâng cấp phòng học, vệ sinh trường lớp, bổ sung trang thiết bị, chuẩn bị đội ngũ, phân công chuyên môn, chuẩn bị sách giáo khoa… Với trường THPT, thầy cô bận bịu sớm hơn với việc lên phương án xây dựng các tổ hợp môn học; tổ chức tư vấn, hướng dẫn học sinh, phụ huynh lựa chọn môn học phù hợp… Căn cứ kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, các tỉnh/thành đang nhanh chóng xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương.

Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cho rằng, thuận lợi của năm nay là đã có kinh nghiệm, nền tảng khá vững chắc từ 3 năm Chương trình GDPT 2018 đi vào cuộc sống.

Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình mới đối với lớp 3; lựa chọn môn học với lớp 10 đã có thực tiễn từ năm học 2022 - 2023. 99,97% số lớp 3 trong cả nước triển khai dạy học môn Tiếng Anh (0,03% còn lại là các lớp học sinh khuyết tật không tổ chức học tiếng Anh) và 100% đối với môn Tin học là con số ấn tượng, thể hiện nỗ lực của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố, sở/phòng GD&ĐT và quyết tâm thực hiện của các nhà trường trong năm đầu tiên thực hiện chương trình tiếng Anh bắt buộc.

Tất cả trường THPT căn cứ thực tế giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất hiện có và nguyện vọng của học sinh đã xây dựng phương án, tổ chức tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học, các cụm chuyên đề học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp…

Tuy nhiên, năm học mới, ngành Giáo dục vẫn đối diện với những thách thức dai dẳng. Đó là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT. Đó là điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định; một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Sĩ số lên tới 50, 60 học sinh/lớp vẫn là ám ảnh với nhiều trường ở thành phố lớn. Việc sáp nhập các điểm trường lẻ chưa hợp lý ở một số địa bàn miền núi dẫn đến con đường đến trường của nhiều học sinh xa hơn, khó khăn hơn...

Nhiều năm nay, ngành Giáo dục vẫn kiên trì với mục tiêu chất lượng, kể cả trong thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Năm học 2023 - 2024, mục tiêu “nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo” tiếp tục được đặt ra và để làm được, tất yếu phải quan tâm, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; trong đó đặc biệt quan trọng là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Để khắc phục những khó khăn của giáo dục, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn vô cùng quan trọng. Cùng với đó, quan trọng không kém để chúng ta vững tin vào năm học mới chính là tâm huyết, nỗ lực và niềm tin vào đổi mới của các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh toàn ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.