Nokia
Một poster quảng cáo ủng của công ty Nokia |
Hầu hết chúng ta biết đến Nokia thông qua các sản phẩm di động. Nhưng bạn có biết năm 1865, khi khởi nghiệp, Nokia từng là một công ty sản xuất bột giấy.
Chủ nhân của Nokia lúc bấy giờ, Fredrik Idestam, là một người được đào tạo về hầm mỏ. Ông thậm chí còn có bằng thạc sỹ trong lĩnh vực này. Ông từng là kỹ sư hầm mỏ tại Finnish Board of Mines cho đến năm 1864, khi sự nghiệp của ông có một bước ngoặt lớn.
Trên đường đi qua dãy núi Harz, Đức ông đến thăm một nhà máy nghiền bột gỗ. Ông đã nhanh chóng đặt hàng dây chuyền thiết bị này đem về Phần Lan.
Ngày 12/5/1865, Thượng nghị viện Phần Lan đã phê duyệt hoạt động của nhà máy sản xuất bột giấy này. Đó cũng là ngày công ty Nokia lấy làm ngày thành lập.
Năm 1868, Idestam xây dựng nhà máy thứ hai tại Nokia, cách Tampere (nơi đặt nhà máy thứ nhất) khoảng 15 km. Cái tên Nokia cũng bắt nguồn từ đây.
Sau khi Idestam nghỉ hưu, Leo Mechelin lên làm chủ tịch mới của Nokia năm 1868. Công ty bắt đầu mở rộng sản xuất với nhiều mảng hơn từ điện, các sản phẩm làm từ giấy, thậm chí là lốp xe, giầy dép, cáp viễn thông, TV và hàng điện tử tiêu dùng…
Đến những năm 1960, 1970 công ty này mới dấn thân vào ngành điện tử và sau đó là viễn thông. Từ đó cái tên Nokia ngành càng lớn mạnh và trải qua thời kỳ hoàng kim nhất. Sau đó thật đáng tiếc, công ty này kết thúc sự nghiệp nhiều năm lịch sử khi rơi vào khủng hoảng và buộc phải "bán mình".
Nintendo
Một mẫu bài do hãng Nitendo sản xuất |
Ngày nay mọi người biết đến Nintendo với tư cách là chủ nhân trò chơi Mario kinh điển và máy chơi game Wii nổi tiếng của Nhật Bản. Thế nhưng ít ai biết, thời kỳ mới thành lập từ năm 1889 – 1956, công ty này chỉ là một nhà sản xuất các quân bài để chơi trò Hanafuda.
Năm 1956, sau khi chủ tịch Nintendo lúc bấy giờ là Fusajiro Yamauchi đến Mỹ để thảo luận với công ty sản xuất bài lớn nhất thế giới, ông nhận ra chỉ sản xuất bài không thì không thể có tương lai.
Sau khi nhận được nguồn vốn đầu tư, Fusajiro quyết định mở rộng dịch vụ kinh doanh từ taxi cho đến nhà nghỉ tình yêu, mạng vô tuyến, thậm chí là cả thực phẩm.
1966, Nintendo bước chân vào ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi Nhật Bản với chiếc máy Ultra Hand sau đó là Ultra Machine và Love Tester
Nhiều năm sau, Nintendo đã không còn sản xuất bài nữa và đã lấn sân sang lĩnh vực trò chơi điện tử với hàng loạt các thiết bị đình đám như Game Boy, Nintendo GameCube, Wii và những game gắn liền với tuổi thơ mỗi người như Mario, Pokemon.
Ferrari
Một trong những mẫu xe đắt nhất của hãng Ferrari |
Ferrari Enzo lớn lên tại Modena với tình yêu xe từ thủa thiếu thời. Cha ông làm một công nhân bình thường và định hướng cho con trai đi theo con đường học hành như bao đứa trẻ khác.
Rời khỏi quân ngũ sau Thế chiến thứ Nhất, Ferrari lập tức quay lại với tình yêu xe cộ của mình. Ban đầu, ông chỉ là một lái xe thử cho hãng CMN và Vespa.
Sau đó, ông phát triển sự nghiệp với tư cách là tay đua và tham gia sự kiện thể thao hậu thế chiến năm 1919. Thành công tại giải đua này giúp ông có được vị trí lái xe toàn thời gian tại Alfa Romeo
Năm 1929, ông thành lập Scuderia Ferrari mà thực chất là một đội đua xe. Đội đua của ông không sản xuất xe mà chỉ là một nhóm đua sử dụng những chiếc xe được tài trợ.
Năm 1938, hoàn toàn tách khỏi Alfa Romeo, Ferrari thành lập công ty Auto Avio Costruzioni Ferrari, chuyên sản xuất phụ tùng xe. Năm 1943, dây chuyền sản xuất chính được chuyển từ Modena tới Maranello..
Cho đến cuối năm 1954, Enzo mới bắt đầu phát triển chiếc xe thể thao Ferrari đầu tiên. Từ đó trở đi, hãng xe Ferrari đã cho ra đời nhiều mẫu xe thể thao đẹp mắt và tạo nên một thương hiệu đình đám trong làng xe hơi.
IBM
Chiếc máy cắt thịt do hãng IBM trước kia sản xuất |
IBM, viết tắt của International Business Machines, là một tập đoàncông nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Armonk (New York, Mỹ).
IBM được thành lập năm 1911 tại thành phố New York, lúc đầu có tên là Computing Tabulating Recording (CTR) và đổi thành International Business Machines vào năm 1924.
Nghĩ tới IBM mọi người lập tức nghĩ tới máy tính. Thế nhưng trước khi trở thành gã khổng lồ máy tính như ngày nay, IBM từng có thời sản xuất máy cắt thịt, máy xay cà phê và cả đồng hồ để bàn.
Chính nhờ những thiết bị nhỏ bé này, IBM đã có vốn để mở rộng sản xuất và trở thành công ty tin học sản xuất cả phần cứng và phần mềm.
Ngày nay, với hơn 355.000 nhân viên. IBM là công ty tin học lớn nhất thế giới. IBM có đội ngũ kỹ sư và nhân viên tư vấn tại 170 quốc gia và 8 phòng thí nghiệm trên thế giới.