Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

GD&TĐ - Sáng 25/6, lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã diễn ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu bấm nút khởi công dự án.

Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội diễn ra tại 4 điểm trên địa bàn TP Hà Nội và 2 điểm tại các tỉnh (Hưng Yên, Bắc Ninh).

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công sáng nay cùng lúc với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1). Đây là hai dự án công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khởi công cùng giờ, cùng ngày và cùng hướng đến mục tiêu đưa vào vận hành năm 2027.

Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu ở điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh); Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức.

Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 1.386,313ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Trong đó, thành phố Hà Nội thực hiện 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận Thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 13.362 tỷ đồng, đi qua địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích thu hồi là 798,043ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.

UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thực hiện 4 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh có 2 dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý.

Quá trình triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, Ban Chỉ đạo Vùng, lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh thường xuyên đi kiểm tra thực địa, bàn bạc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn thiện các thủ tục, qui trình theo qui định của pháp luật.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất được 671,16/798,043 ha, đạt 84,10%. Tại tỉnh Hưng Yên, đã phê duyệt và thu hồi đất được 161,84/229,88 ha, đạt 70,40%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và thu hồi đất được 286,712/358,39 ha, đạt 80,0%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án và quang cảnh các điểm cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án và quang cảnh các điểm cầu.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã hiện thực hóa quyết tâm thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 thành các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án.

Có thể nói, chưa dự án nào có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Sự ủng hộ của người dân được thể hiện rất cụ thể, đó là sự tự giác, tự nguyện chủ động bàn giao đất cho thành phố.

Về triển khai các dự án thành phần, tại Hà Nội đã phê duyệt Dự án thành phần 1.1, Dự án thành phần 2.1. Đối với Dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đã được Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

UBND Thành phố đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định, dự kiến sẽ hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 8/2023.

Thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt dự án trong tháng 9/2023, tổ chức lựa chọn Nhà thầu, Nhà đầu tư và khởi công công trình trong Quý I/2024, tổ chức thi công trong thời gian 36 tháng, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.

Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh khởi công Dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng cùng bà con nhân dân dự Lễ khởi công 2 dự án hạ tầng quan trọng. Thủ tướng đánh giá, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp) là những dự án mở ra không gian phát triển mới cho Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án.

Thủ tướng ấn tượng với cách làm của Hà Nội trong việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập, được nhân dân đồng thuận và đánh giá thêm: “Trung ương phân cấp cho Hà Nội. Hà Nội tiếp tục phân cấp cho các quận huyện, xã phường. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Việc di dời các mộ chí, mồ mả - một khâu khó trong công tác giải phóng mặt bằng cũng được các đồng chí làm rất tốt, bài bản, quyết liệt, quyết tâm”.

Các tỉnh, thành cũng đã áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cả Trung ương và địa phương; doanh nghiệp qua cơ chế hợp tác công tư; của người dân. Thủ tướng nêu rõ đây là việc hợp tác toàn diện, thể hiện rõ chủ trương đường lối của Đảng được vận dụng vào công việc cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao việc kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương: “Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban chỉ đạo thì mới huy động được nguồn lực, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn như thế mà các đơn vị đều đã hoàn thành trên 80% thay mặt chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng của các tỉnh để có được ngày khởi công hôm nay”.

Nêu rõ, lễ khởi công hôm nay mới là bước đầu, công việc tiếp theo còn rất nhiều, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan có liên quan, nhân dân tiếp tục bám sát tiến độ Dự án. Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục phân cấp, phân quyền, rà soát lại công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, chỉ đạo, lãnh đạo, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ