Khối chia rẽ lịch sử

GD&TĐ - Lần đầu tiên kể từ thời nội chiến cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, nước Mỹ mới lại chứng kiến một sự chia rẽ nội bộ sâu sắc như hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tổng thống Donald Trump thuộc phe Cộng hòa chỉ còn chưa đầy 10 ngày là mãn nhiệm nhưng Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát vẫn đang ráo riết tìm cách luận tội để phế truất ông.

Ông Trump mới đây tuyên bố sẽ không đến dự lễ nhậm chức của Tân tổng thống Joe Biden vào ngày 21/1. Ngay lập tức, ông Biden đáp trả một cách đầy mỉa mai rằng ông và người tiền nhiệm dẫu có nhiều bất đồng nhưng cả hai đều thống nhất một điều là “ông Trump không nên đến dự lễ nhậm chức”. Sự đối đầu đến mức căng thẳng giữa hai vị tổng thống như thế này đã không xuất hiện trên chính trường Mỹ suốt hơn một thế kỷ nay.

Trong khi đó, những thông tin về chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ sắp tới dường như đang bị chìm nghỉm giữa biển sự kiện liên quan đến vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội và về các nỗ lực đòi luận tội để cách chức Tổng thống Trump. Các chính trị phe Dân chủ đang thắng thế cũng ít đề cập đến nỗ lực hàn gắn nước Mỹ, mà chủ yếu tập trung công kích tổng thống thuộc phe Cộng hòa ngay cả khi thời gian cầm quyền của ông chỉ còn tính bằng ngày.

Giờ đây, việc ông Trump có bị luận tội hay không đã không còn là câu chuyện của cá nhân ông, mà trở thành một quyết định cho thấy có thiện chí hàn gắn và đoàn kết giữa các chính trị gia trên chính trường Mỹ hay không.

Một trong những người hăng hái nhất tìm cách luận tội ông Trump là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy. Bà liên tục khẳng định quyết tâm đưa việc luận tội này thành hiện thực nếu ông Trump không chịu từ chức trước ngày 20/1. Thậm chí, bà còn tính toán đến phương án thứ hai là kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence và nội các phế truất ông Trump bằng cách kích hoạch Tu chính án số 25 của Hiến pháp Mỹ.

Thái độ chính trị của bà Pelosy, một trong những chính trị gia có nhiều ảnh hưởng nhất của phe Dân chủ, cho thấy việc gạt bỏ mọi bất đồng để hướng tới hàn gắn nước Mỹ hiện nay là điều khá xa vời. Trên thực tế, việc luận tội Tổng thống Trump hiện cũng không hề dễ dàng vì Thượng viện vẫn trong tầm kiểm soát của đảng Cộng hòa và cơ quan này sẽ dễ dàng phủ quyết các đề xuất của Hạ viện.

Tuy vậy, việc phe Dân chủ vẫn xúc tiến luận tội tổng thống ở Hạ viện cho thấy họ không hề giấu diếm quan điểm tìm mọi cách để ông Trump biến khỏi chính trường càng sớm càng tốt. Ngoài ra, việc luận tội cũng còn nhằm mục đích sâu xa là có thể ngăn cản khả năng ông tái tranh cử trong 4 năm tới.

Những nỗ lực của phe Dân chủ đang tạo ra sức ép lớn chưa từng có cho Tổng thống Trump. Ông có thể sẽ đi vào lịch sử Mỹ với tư cách là vị tổng thống đầu tiên bị luận tối đến hai lần trong một nhiệm kỳ. Trong khi đó, hàng loạt mũi dùi cũng đang chĩa vào ông trong những ngày cuối tại nhiệm sở như việc một loạt mạng xã hội như Twitter, Facebook đồng loạt cấm vĩnh viễn tài khoản của ông.

Sự chia rẽ tại Mỹ không phải bây giờ mới xuất hiện mà nó bắt đầu hình thành từ 4 năm trước khi ông Trump bất ngờ đắc cử tổng thống. Mối chia rẽ này mỗi ngày một lớn hơn và lên tới đỉnh điểm vào thời khắc chuẩn bị diễn ra lễ chuyển giao chính quyền. Đây cũng sẽ là thách thức lớn nhất đối với Tân tổng thống Joe Biden, buộc ông phải vượt qua nếu muốn dẫn dắt nước Mỹ một cách suôn sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.