Trọng trách 6 - 8 Huy chương Vàng tại SEA Games 31 sẽ được trao cho ai? Không chỉ là bài toán của khu vực, bơi Việt Nam sẽ làm gì để hoàn thành sứ mệnh giành Vàng châu lục trong năm 2022, tại ASIAD 19?
Khoảng trống mênh mông
Sau những cuộc trao đổi với đại diện Đoàn thể thao Quân đội, cuối cùng Tổng cục Thể dục Thể thao đã chấp nhận nguyện vọng của Nguyễn Thị Ánh Viên được rời đội tuyển quốc gia, đồng nghĩa với khả năng sẽ không tham dự SEA Games 31, dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2022.
Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, việc Ánh Viên có tham dự SEA Games 31 vẫn còn bỏ ngỏ nhưng sẽ không xảy ra khả năng cố ép vận động viên này dự.
Người đứng đầu ngành Thể thao, đồng thời mới được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam sau Đại hội Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ VI (2021 - 2026) cho biết: “Ánh Viên đã tham gia thi đấu và đóng góp rất nhiều thành tích ấn tượng.
Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tích mà Ánh Viên đạt được những năm qua và mong muốn Viên vẫn giữ được đam mê với môn thể thao của mình. Sắp tới, Ánh Viên vẫn sẽ cùng đội Quân đội tham gia các giải đấu. Về phía Tổng cục Thể dục Thể thao, chúng tôi tôn trọng ý kiến của vận động viên.
Trong thời gian qua, do vấn đề tập luyện và dịch bệnh mà thành tích của Ánh Viên chưa đạt yêu cầu như ban huấn luyện đề ra. Tuy nhiên, khi tham dự SEA Games 31 thì Ánh Viên hoàn toàn vẫn có thể giành huy chương ở một số môn mình tham gia.
Nhưng không vì thế mà chúng tôi muốn Ánh Viên phải tham gia bởi chúng tôi tôn trọng quyết định của cô. Nếu Ánh Viên không tham gia SEA Games 31 sắp tới, nói không ảnh hưởng gì thì cũng không phải, nhưng về cơ bản thì cũng không ảnh hưởng gì lớn đến thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam”.
Quyết định chia tay đội tuyển của Ánh Viên không thật sự gây sốc, nếu như vấn đề của “cô gái thép” được nhìn nhận theo chiều dài của thời gian cũng như ở nhiều góc độ khác nhau.
Có chăng cô gái quê Cần Thơ mới 25 tuổi hiện mang quân hàm Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp đang là tượng đài của đội tuyển bơi quốc gia nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Trong sự nghiệp đỉnh cao 10 năm qua, “cô gái thép” đã giành 25 Huy chương Vàng SEA Games, một Huy chương Bạc và một Huy chương Đồng châu Á, hai Huy chương Đồng ASIAD… Ánh Viên hai lần dự Olympic 2016 và 2020 nhưng đều không thể lọt vào các vòng chung kết.
Tại kỳ SEA Games 2019 tổ chức ở Philippines, Ánh Viên đăng ký thi 12 nội dung, nhưng cuối cùng rút xuống còn 10 nội dung. Cô gái người Cần Thơ giành được tổng cộng 6 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc, khép lại kỳ Đại hội với tư cách là vận động viên sở hữu nhiều huy chương nhất tại SEA Games 30, đồng thời cũng là người mang về nhiều Huy chương Vàng nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam. Với thành tích có “1-0-2” ở sân chơi khu vực, Ánh Viên đã giành thêm danh hiệu “Vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 30”.
25 Huy chương Vàng của Ánh Viên đã góp công lớn giúp đội tuyển bơi quốc gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời Đoàn thể thao Việt Nam giữ vững vị trí trong tốp đầu khu vực.
Vậy nên, bài toán ai thay Ánh Viên, hay đúng hơn vận động viên nào có khả năng giành 6 - 8 Huy chương Vàng mỗi kỳ đại hội Đông Nam Á đang là bài toán vô cùng khó cho những người trong cuộc.
Nếu Thiếu tá Ánh Viên và ngành Thể thao Quân đội không có động thái thay đổi, khoảng trống của “tiểu tiên cá” để lại tại đường đua xanh khu vực gần như không thể lấp đầy.
Chuẩn bị cho SEA Games 31 và ASIAD 19, đội tuyển bơi quốc gia với 9 vận động viên vừa kết thúc chuyến tập huấn dài ngày tại Hungary. Trong chuyến tập huấn đóng vai trò then chốt, mang cả ý nghĩa tinh thần của giai đoạn không Ánh Viên, các thành viên đội tuyển bơi Việt Nam tham dự 2 giải giao hữu, vừa là cơ hội kiểm tra thành tích trong suốt quá trình tập luyện và đồng thời còn được thi đấu với các đối thủ mạnh đến từ châu Âu.
Cụ thể, tại giải bơi cấp thành phố Budapest, các tuyển thủ Việt Nam đã giành 7 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.
Đáng chú ý, tại giải bơi do Câu lạc bộ BVSC tổ chức, cũng là địa điểm tập huấn nổi tiếng của Hungary, 9 tuyển thủ Việt Nam tham gia thi đấu nhiều nội dung và giành được thành tích rất tốt. Tuyển thủ trẻ mới 18 tuổi Trần Hưng Nguyên tiếp tục thể hiện phong độ ổn định khi giành 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.
Hưng Nguyên là một trong số những tuyển thủ được kỳ vọng giành Huy chương Vàng SEA Games 31 khi cách đây 2 năm ở Philippines, anh đã giành 2 Huy chương Vàng dù mới 16 tuổi. Thế mạnh của Hưng Nguyên hiện nay là các nội dung bơi hỗn hợp.
Thành viên dày dạn kinh nghiệm nhất đội Hoàng Quý Phước cũng giành 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và vẫn đạt phong độ tốt ở các nội dung bơi bướm và tự do cự ly ngắn. Đáng chú ý, tại chuyến tập huấn lần này, các tay bơi trẻ đã có nhiều tiến bộ. Duy Khoa đạt thông số gần bằng với Quý Phước.
Ở nội dung 50m bướm nam, Khoa có thành tích 25 giây 81, chỉ kém 0,02 giây so với Phước. Còn ở đường bơi 100m bướm, thành tích của Khoa và Phước lần lượt là 55 giây 83 - 55 giây 39. Duy Khoa giành 6 Huy chương Vàng và cúp lứa tuổi nam 2005.
Nữ tuyển thủ Phạm Thị Vân giành 5 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Lê Thị Mỹ Thảo giành 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Các tuyển thủ nam còn lại cũng đạt thành tích khá ấn tượng khi Phạm Thanh Bảo giành 3 Huy chương Vàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn có 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng và Ngô Đình Chuyền với 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.
Nguyễn Huy Hoàng vẫn giữ được phong độ ổn định và tiếp tục đầu tư thời gian tập luyện cho các cự ly sở trường là 800m và 1.500m tự do nam.
Cất cánh ở… Hàng Châu
Bên cạnh SEA Games 31, trong năm 2022, đội tuyển bơi Việt Nam sẽ tham dự Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 19), diễn ra tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) vào tháng 9. Thể thao Việt Nam không giấu tham vọng giành Huy chương Vàng lần đầu tiên trong lịch sử ở đường đua xanh.
Thành tích cao nhất của đội tuyển bơi tại đấu trường châu lục mới dừng ở Huy chương Bạc. Theo chiến lược phát triển của ngành Thể thao, Nguyễn Huy Hoàng được xếp vào nhóm đầu tư trọng điểm cho mục tiêu Vàng ASIAD 19.
Vận động viên quê Quảng Bình được đánh giá vẫn chưa có đối thủ ở hai cự ly bơi 800m và 1.500m tự do nam ở đấu trường SEA Games. 4 năm trước tại ASIAD 18, diễn ra ở Indonesia, Huy Hoàng xuất sắc và bất ngờ giành Huy chương Bạc 1.500m tự do với thành tích 15 phút 01 giây 63, chỉ về sau đối thủ Sun Yang (Trung Quốc).
Kình ngư của Việt Nam còn giành thêm Huy chương Đồng 800m tự do với thành tích 7 phút 54 giây 32, nội dung mà Sun Yang cũng đoạt Huy chương Vàng.
Cơ hội để Hoàng đổi màu huy chương nội dung 1.500m tự do nam ở ASIAD 2022 lớn hơn bao giờ hết sau khi Sun Yang đang nhận án phạt cấm thi đấu vì doping. Kình ngư lắm tài nhiều tật của Trung Quốc nhận án phạt cấm thi đấu 8 năm trong năm 2020, nhưng sau quá trình kháng án, Sun Yang được giảm án xuống còn 4 năm 3 tháng. Như vậy, Sun Yang chắc chắn vắng mặt tại ASIAD 19 diễn ra trên sân nhà.
Tại Olympic Tokyo 2020, ở cả hai nội dung 800m tự do và 1.500m, không một tay bơi nào của châu Á sánh kịp thành tích của Huy Hoàng. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đủ để kình ngư của Việt Nam giành được vé vào chung kết Olympic.
Theo thống kê, Huy Hoàng đứng thứ 12/29 vận động viên tham dự nội dung 1.500m Olympic Tokyo 2020. Kình ngư Việt Nam cán đích với thành tích 15 phút 00 giây 24, kém 11,71 giây so với vận động viên dẫn đầu là Florian của Đức, kém gần 8 giây so với vị trí thứ 8 là Kirill Martynychev của Ủy ban Olympic Nga (14 phút 52 giây 66).
So với tấm Huy chương Bạc ASIAD 2018, thông số của Huy Hoàng tốt hơn 1 giây, tại Indonesia anh đạt thông số 15 phút 01 giây 63.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, phải tập “chay” vì dịch bệnh, Huy Hoàng đang cải thiện thành tích ở nội dung 400m và 1.500m tự do, khi tham gia giải bơi bể ngắn vô địch thế giới, diễn ra vào cuối tháng 12/2021 tại UAE.
Ở vòng loại nội dung sở trường 1.500m, kình ngư Việt Nam dù không thể vào chung kết, nhưng thành tích 14 phút 41 giây đã giúp kình ngư quê Quảng Bình phá kỷ lục quốc gia do chính anh thiết lập năm 2019 (14 phút 44 giây 55).
Trước đó, ở nội dung 400m tự do, Huy Hoàng xếp thứ 23 trên 63 vận động viên với thành tích 3 phút 43 giây 89, phá kỷ lục quốc gia mà bản thân tạo ra năm 2019 với thời gian 3 phút 44 giây 92.
Với hai kỷ lục quốc gia kể trên cùng các thông số vượt trội, Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ đem lại thành công cho Việt Nam ở SEA Games 31 và đặc biệt là tham vọng Huy chương Vàng ở Hàng Châu vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, bài học thất bại từ Ánh Viên, vận động viên được đầu tư trọng điểm và tiêu tốn nhiều nhất lịch sử thể thao Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam không thể gánh trên vai trọng trách, vừa giành thật nhiều Huy chương Vàng ở “vùng trũng” Đông Nam Á, vừa phải vươn lên đỉnh ở đấu trường đỉnh cao của châu Á hay thế giới.
Những người có trách nhiệm với thể thao Việt Nam cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của Huy Hoàng, SEA Games hay ASIAD 19? Không nên lặp lại sai lầm về đầu tư, định hướng như trường hợp Ánh Viên với Huy Hoàng.