Nhằm giúp các bạn thanh niên hiện thực hóa các ý tưởng cho các dự án vì cộng đồng, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững (MSD – United Way Việt Nam) tổ chức khóa tập huấn thiết kế và viết đề xuất dự án. Đây là khóa tập huấn đầu tiên trong chuỗi hoạt động của chương trình phát triển thanh niên DynaGen – Live United năm 2022 do hai đơn vị thực hiện.
Khóa tập huấn được thực hiện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các thành viên DynaGen – Live United khóa III. Đây là khóa tập huấn đầu tiên trong chuỗi huấn luyện kéo dài 10 tháng dành cho các thành viên tham gia chương trình.
Giảng viên của khóa tập huấn tại Hà Nội là chị Trần Hồng Điệp – Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và tại TP. Hồ Chí Minh là anh Phạm Trường Sơn – Giám đốc Tình thân Foundation. Hai giảng viên giàu kinh nghiệm đã mang đến khóa tập huấn sôi nổi với kiến thức và các bài tập thực tiễn.
Vận dụng kiến thức và kinh nghiệm thực tế của các diễn giải, các nhóm học viên đã thảo luận, phân tích và thực hành viết đề xuất cho các chủ đề cấp thiết cần giải quyết như: ô nhiễm rác thải sinh hoạt ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; người dân thiếu kiến thức về phân loại rác thải ở huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội; tỉ lệ thất nghiệp của người khuyết tật đang gia tăng...
“Người làm dự án cần có niềm tin về việc người hưởng lợi biết nhu cầu của họ là gì, các bên liên quan có đóng góp tích cực cho dự án là ai” – đó là chia sẻ của chị Điệp khi giúp các bạn thanh niên hiểu về tầm quan trọng của các bên liên quan, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc khảo sát nhu cầu của người hưởng lợi.
Kết quả của dự án không phải là thực hiện nhu cầu chủ quan của người thực hiện dự án đó, mà là đáp ứng tốt nhất điều mà người hưởng lợi mong muốn.
Các bạn trẻ cũng được tìm hiểu phương pháp tiếp cận dựa trên nhu cầu và phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, cấu trúc của một đề xuất dự án, khung logic và các phương pháp thiết kế dự án khác như: BUSINESS CANVAS, Design thinking, Theory of changes.
Từ đó, các nhóm cùng thực hành viết đề xuất sáng kiến với các mục đích, mục tiêu, và chỉ số theo nguyên tắc SMART (Cụ thể - Đo lường được – Có thể đạt được – Thực tế - Thời gian hợp lý).
Ngoài ra, các nội dung khác trong một văn bản đề xuất dự án cũng đã được giới thiệu, bao gồm phân tích bối cảnh, khung kế hoạch hoạt động dựa trên công cụ GANTT và WBS, quản trị rủi ro, tính bền vững, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội...
Bạn Lê Hoàng Hải - thành viên tại Hà Nội cho biết: “Hôm nay, chúng mình đã được đi qua hết vòng đời của một dự án, từ tìm hiểu, thiết kế, triển khai, giám sát đến báo cáo. Qua những hoạt động thực hành ở mỗi chặng, mình không chỉ hiểu sâu hơn về nhiệm vụ hay các công cụ cần thiết mà còn được lắng nghe nhiều kinh nghiệm thực tế đắt giá.
Hơn cả như vậy, mình còn học được nhiều bí thuật quyền năng như tiếp cận dựa trên quyền, checklist nguyên nhân hay vai trò của người đứng đầu (Champion). Tất cả những kiến thức này, chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho mình trong hành trình sắp tới”.
Cũng tại buổi tập huấn, “Sáng kiến vì cộng đồng- Lu challenge năm 2022” với chủ đề Chia sẻ và Gắn kết đã được công bố. Đây là một hoạt động thường niên dành riêng cho cộng đồng của DynaGen Live United nhằm tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo góp phần giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội.
Chương trình phát triển thanh niên (DynaGen – Live United) tiền thân là Sáng kiến Hỗ trợ Sinh viên của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Chương trình Youth United của MSD United Way Việt Nam. Trong năm thứ 3 triển khai, chương trình tuyển chọn được 80 thành viên tham gia vào chương trình huấn luyện, nhằm mục tiêu góp phần phát triển tài năng trong thanh niên và hỗ trợ thanh niên lập thân/lập nghiệp.
Chương trình được thực hiện với sự đồng hành của Báo Giáo dục & Thời đại (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổ chức United Way Worldwide, với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Bắc Á và Shinhan Square Bridge Việt Nam.