Virus Covid-19 sẽ còn có nhiều đột biến

GD&TĐ - Biến chủng B.1.167 chứa “đột biến kép” L452R và E484Q được cho một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ đối mặt với khủng hoảng Covid-19.

Virus Covid-19 sẽ còn có nhiều đột biến

Đột biến đáng chú ý

Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), khi một biến thể virus xuất hiện, các nhà khoa học ngay lập tức nghiên cứu 4 vấn đề. Đầu tiên là khả năng gây bệnh.

Thứ hai là khả năng lẩn trốn miễn dịch và vắc-xin. Thứ ba là đặc điểm đột biến mới so với các biến thể trước đó. Thứ tư là khả năng lây lan của chủng đột biến mới.

Chủng B.1.617 xuất hiện ở Ấn Độ từ ngày 5/10/2020. Đến nay, nó đã có mặt ở 22 quốc gia nhưng vẫn kiểm soát được.

Khi giải mã trình tự gen của biến chủng B.1.617, các nhà khoa học thấy có rất nhiều đột biến khác nhau. Nhưng hai đột biến đáng chú ý nhất là E484Q có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch và L452R có thể giúp virus lây lan nhanh hơn.

Tuy nhiên, Ấn Độ “vỡ trận” Covid-19 nguyên nhân chính là do ý thức phòng dịch kém, sự chủ quan, lơ là với các biện pháp an toàn, ỷ lại vào việc tiêm vắc-xin…

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành. Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên có tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao.

Hiện, Việt Nam ghi nhận bốn chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái mắc Covid-19 và một nhân viên khách sạn tiếp xúc gần (F1) cũng đã xác định là bệnh nhân dương tính. Tất cả các bệnh nhân liên quan đoàn chuyên gia của Ấn Độ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện, bệnh viện này đang giải trình tự gen để xem đây là chủng B117 của Anh trước đây hay là chủng kép.

Hiện nay, cả thế giới tập trung nghiên cứu B.1.617, biến chủng kép của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh đã xuất hiện ở Việt Nam cho thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đến nay nó đã được phát hiện trong hơn 1.200 trình tự được tải lên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID từ ít nhất 17 quốc gia. Biến chủng B.1.617 có tốc độ tăng trưởng cao hơn, khả năng lây nhiễm cao hơn. Việt Nam hiện có 4 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành gồm: Chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng virus ở Vũ Hán.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong quá trình nhân bản để tăng sinh và lây lan, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi. Đặc biệt là những virus có bộ gen là RNA như virus HIV, virus cúm.

Vì các enzyme giúp các virus nhân bản bộ gen RNA của chúng thường hay bị những sai sót khi hoạt động. SARS-CoV-2 cũng là virus có bộ gen là RNA nên bộ gen của nó cũng có những thay đổi khi nhân bản.

Những thay đổi trên bộ gen RNA của SARS-CoV-2 trong nhiều trường hợp là không có ý nghĩa gì nếu không làm thay đổi mã di truyền của virus. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sự thay đổi này làm thay đổi ít nhất một mã di truyền và như vậy là virus bị biến thể.

Có những biến thể có hại cho virus như làm cho virus lây lan khó hơn hay có những biến thể làm cho virus không thoát khỏi tế bào chủ được và như vậy là dần dần các biến thể này sẽ bị biến mất.

Virus sẽ còn đột biến nhiều lần

PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết, xét về mặt tiến hóa thì chỉ có những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu.

SARS-CoV-2 lây lan được là nhờ trên bề mặt của virus có những protein gai giúp bám được lên các thụ thể ACE2 có trên các tế bào biểu mô của đường hô hấp. Sau khi bám vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào biểu mô và nhân bản để tăng sinh thành những virus mới, thoát ra khỏi tế bào để xâm nhập vào tế bào mới cũng như lây lan qua những người khác.

Nếu các biến đổi trên bộ gen RNA của SARS-CoV-2 làm cho protein gai của virus trở nên bám dễ dàng hơn lên thụ thể ACE2 thì virus sẽ lây lan nhanh hơn. Trong thực tế thì điều này đã xảy ra đối với SARS-CoV-2 khi virus này lan đến Âu châu.

Virus cúm biến đổi nhanh và nhiều hơn cả SARC-CoV-2, thế giới hàng trăm năm nay đã đau đầu nghiên cứu loại siêu vắc-xin cúm, nhưng đến nay vẫn chưa thể làm được. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn phải “bắt” những con virus cúm biến đổi để nuôi, thuần hóa rồi cung cấp cho các đơn vị sản xuất vắc-xin trên thế giới.

Sự thay đổi bộ gen đã làm cho virus cúm bị biến thể với hậu quả làm cho kháng nguyên (antigen) của virus cúm cũng bị thay đổi. Sự thay đổi bộ gen của virus cúm xảy ra dần theo thời gian và như vậy là kháng nguyên của virus cúm cũng bị thay đổi dần.

Nếu lấy mốc là mỗi năm thì người ta thấy kháng nguyên của virus cúm năm sau có khác chút ít so với năm trước. Sự thay đổi này làm cho những người mắc cúm năm ngoái hay đã chích ngừa cúm năm ngoái lại có kháng thể không bảo vệ hoàn toàn để khỏi mắc cúm năm này. Do vậy mà phải chích ngừa cúm mỗi năm bằng vắc-xin cúm chế từ các chủng cúm đã có kháng nguyên khác biệt một ít so với chủng năm trước.

Kiểu biến thể thứ hai của virus cúm mà chúng ta gọi là chuyển đổi kháng nguyên (antigenic shift) là làm cho virus cúm có sự thay đổi lớn trong bộ gen và như vậy là virus sẽ có sự khác biệt hẳn về kháng nguyên. Hậu quả là virus cúm mới này sẽ gây đại dịch với số người mắc rất nhiều và tỷ lệ tử vong rất cao vì đại đa số loài người vào thời điểm đó không có kháng thể chống được biến thể này.

Trong lịch sử loài người chúng ta đã từng có những đại dịch cúm xảy ra như vậy, đó là đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 - 1919 gây ra do virus cúm người tái tổ hợp với cúm từ chim tạo ra biến chủng mới H1N1 làm trên 1/3 dân số toàn cầu nhiễm cúm và 40 - 50 triệu người tử vong; Đại dịch cúm châu Á 1957 - 1958 gây ra do biến chủng H2N2 với 1 triệu đến 1,5 triệu ca tử vong; Đại dịch cúm 1968 gây ra do biến chủng H3N2 với trên 1 triệu người chết.

Ngoài cúm, cũng có những virus khác có những biến thể giúp chúng trốn thoát được miễn dịch bảo vệ của cơ thể như virus HIV, virus HCV và đó chính là lý do mà cho đến hôm nay chúng ta chưa thể thành công trong việc chế được vắc-xin ngừa HIV hay HCV.

Virus HIV còn có những biến thể giúp chúng kháng lại được các thuốc kháng HIV mà bệnh nhân đang sử dụng để điều trị qua áp lực chọn lọc mà thuốc tạo ra. Virus viêm gan B (HBV) cũng phát triển các biến thể kháng thuốc trong khi điều trị cũng qua cơ chế của áp lực chọn lọc.

Để đối phó với tình trạng virus kháng thuốc thì việc theo dõi hiệu quả điều trị để sớm phát hiện các đột biến kháng thuốc nhờ đó mà thay đổi thuốc cho kịp thời cũng như sử dụng nhiều thuốc kháng virus cùng một lúc để làm cho virus giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc chính là những giải pháp mà chúng ta đang sử dụng.

“Do vậy, phải xác định virus SARS-CoV-2 sẽ còn xuất hiện nhiều biến chủng hơn theo xu hướng ngày càng nguy hiểm hơn. Các biện pháp phòng dịch luôn là giải pháp cần triển khai khi chưa thể khống chế được dịch bệnh”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.