Tìm thủ phạm gây ô nhiễm không khí diện rộng

GD&TĐ - Không chỉ Hà Nội mà TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày nay đã trở thành nỗi ám ảnh. Ngoài yếu tố môi trường, việc bà con đốt rơm rạ đang khiến không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Tìm thủ phạm gây ô nhiễm không khí diện rộng

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Kể từ ngày 14/9 đến nay, chất lượng không khí đo đạc tại các trạm quan trắc đặt ở Hà Nội và một số địa phương khác luôn ở mức báo động. Ngày 23/9, không khí Hà Nội tiếp tục quay trở lại ngưỡng kém, sau vài ngày được cải thiện.

Chỉ số chất lượng không khí đo được vào lúc 16 giờ tại các khu vực AQI là 100 - 140, cụ thể: Bắc Từ Liêm (140), Phạm Văn Đồng (124), Hàng Đậu (120), Thành Công (114) và Trung Hòa - Cầu Giấy (109). Ngày 24/9, chỉ số AQI ở Nhổn là 156, Công viên Hòa Bình 146, chùa Trấn Quốc 149, Nhà hát Lớn 112, Thiên Đường Bảo Sơn 104, Mai Dịch 106… Nồng độ trung bình là 114, thuộc ngưỡng kém, nhóm nhạy cảm (như người già, trẻ em) cần hạn chế ra ngoài.

Không chỉ có Hà Nội, những ngày qua tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chỉ số AQI đo được cũng tăng khá cao, luôn ở mức 150 trở lên. Trong đó ngày 20/9, chất lượng không khí tại một số huyện của tỉnh Thái Bình ở mức cao, như Thái Thụy (173), Đông Hưng (165), TP Thái Bình (167). Tại Hải Phòng, một số nơi như Kiến An, Hải An chỉ số AQI lần lượt 168, 155; Bắc Ninh (155), Nam Định (123)… Một số điểm đo ở Bắc Trung Bộ có thời điểm còn ô nhiễm hơn, chẳng hạn như vào 20 giờ ngày 23/9, điểm đo ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) ô nhiễm không khí còn lên tới AQI 227, mức ô nhiễm xấu, rất ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít hơn Hà Nội, nhưng do đặc thù thời tiết và nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng ô nhiễm chung. Nếu thời tiết thuận lợi thì lượng khí thải cũng dễ phát tán và bay đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Ngược lại, nếu thời tiết xấu, khí thải lơ lửng không thoát đi được dẫn đến chỉ số AQI luôn ở mức cao. Còn lần này, ô nhiễm bao trùm khắp Bắc Bộ chủ yếu do đốt rơm rạ.

Đốt rơm rạ dẫn đến phát thải một lượng lớn bụi mịn PM­2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như carbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Loại bụi kích thước siêu nhỏ này có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Đây được coi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí.

Nhân tai, không phải thiên tai

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thể đổ cho thời tiết mà chính do con người. Ở Hà Nội hiện nay, giao thông quá đông đúc, các công trình đang xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn. Hà Nội phải kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, vấn đề này phải có biện pháp đồng bộ và phải làm ngay. Cộng với nó là việc đốt rơm rạ ở ngoại thành.

Đáng nói là lượng bụi này không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị. Theo GS Hoàng Xuân Cơ, miền Bắc đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến.

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần phải hiểu, thời tiết là tác nhân làm cho bụi, ô nhiễm không phát tán được, khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm. Để giảm ô nhiễm, cần nghiên cứu, đưa những kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng… để giảm phát sinh bụi. Ngoài ra, ở các vùng ven Hà Nội, người dân có thói quen đốt rơm rạ, chính quyền phải có cách để xóa bỏ tình trạng này. Số lượng cây xanh ở Hà Nội hiện nay là chưa đủ, cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để điều hòa không khí.

Mỏi mắt tìm giải pháp

Nhiều ngày qua, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở mức ô nhiễm nặng nề, nguy hại cho sức khỏe. Theo PGS.TS Trần Đức Lượng, Khoa Môi trường đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Hà Nội là một trong những thành phố trên thế giới có nhiều khói bụi, nhất là vào các giờ cao điểm, lưu lượng xe tham gia giao thông đông đúc. Độ ẩm cao, bụi hòa lẫn trong không khí ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, không khí ô nhiễm đang tồn tại loại bụi có kích thước siêu nhỏ, mịn là PM10 và PM2.5.

Bụi mịn PM2.5 là loại bụi “siêu nhỏ” có khả năng len lỏi vào sâu trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vô số các bệnh về đường hô hấp, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính về hô hấp, phổi, hen suyễn hay người già và trẻ nhỏ. Không chỉ có vậy, người bình thường khi hít phải loại bụi này trong thời gian dài có thể gây suy giảm chức năng phổi, huyết áp cao, rối loạn chức năng gan, ảnh hướng tới hệ thần kinh và là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhập viện và thiệt mạng do ung thư phổi hay bệnh tim tăng.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tiếp những ngày qua nhưng chủ yếu là tình trạng xả thải (khói, bụi, hơi, hóa chất…) của các nhà máy trên địa bàn đang rất bừa bãi. Trong các nhà máy có các quạt hút bụi, mùi và đẩy ra môi trường bên ngoài. Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì môi trường bên trong các nhà máy luôn đạt tiêu chuẩn nhưng không khí xung quanh, bên ngoài nhà máy lại luôn ô nhiễm. Không chỉ ở Hà Nội, đây là tình trạng chung xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước.

Bất cập lớn ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng là việc quy định tiêu chuẩn chất lượng không khí mà các nhà máy, các khu công nghiệp thải ra. “Người ta chỉ quan tâm đến việc mỗi nhà máy thải ra bao nhiêu m3 khí (nằm trong ngưỡng cho phép) và khi kiểm tra thì chỉ quan trắc cục bộ tại một số điểm, khu vực nhất định chứ không quan tâm đến việc tổng lượng khí mà tất cả nhà máy, các khu công nghiệp thải ra môi trường. Vì vậy, để bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng phải thay đổi các tiêu chí về việc xả thải ra môi trường một cách chặt chẽ hơn”, ông Phạm Văn Sơn nói.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, khi vẫn chưa hạn chế hay cấm triệt để được phương tiện cá nhân thì chúng ta cần phải có biện pháp kiểm soát lượng khí ô nhiễm phát thải từ phương tiện này. Ví dụ, hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát được nguồn khí phát thải từ xe máy. Chúng ta có thực hiện nhưng thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài nên xe quá niên hạn sử dụng, xe không đảm bảo chất lượng về khí thải vẫn tồn tại không kiểm soát…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.