Hà Nội sẽ đưa dự báo chất lượng không khí vào bản tin thời tiết

Thủ đô sẽ có thêm 33 trạm quan trắc môi trường vào năm sau, cập nhật chỉ số an toàn không khí theo thời gian thực và đưa vào dự báo thời tiết.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội. Ảnh: Gia Chính.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội. Ảnh: Gia Chính.

Sáng 11/10, tại hội thảo "Ô nhiễm không khí - hành động của chính quyền và người dân", bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội (Chi cục) nói, diễn biến chất lượng không khí có thể được dự báo trước 1-2 ngày như thời tiết.

Vì vậy, Chi cục sẽ đưa nội dung dự báo chất lượng không khí lên bản tin thời tiết (phát trên các phương tiện truyền thông) để cảnh báo cho người dân sớm nhất có thể.

Theo bà Chi, để phục vụ công tác thông tin về mức độ an toàn không khí, Hà Nội sẽ bổ sung 33 trạm quan trắc môi trường vào năm 2020, trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 trạm lưu động (hiện nay Hà Nội có 11 trạm quan trắc). 

Chính quyền thủ đô cũng sẽ yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn lắp hệ thống quan trắc, cập nhật số liệu về đầu mối là Chi cục Bảo vệ môi trường.

Hiện nay Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội thông tin chỉ số mức độ an toàn không khí (AQI) trên trang moitruongthudo.vn. Theo Chi cục trưởng Mai Trọng Thái, đây là số liệu AQI 24h theo đúng chuẩn quy định của Tổng cục Môi trường nên có độ trễ so với thời gian thực.
"Trước sự quan tâm lớn của người dân, trong một hai ngày tới, cùng với AQI theo ngày, chúng tôi sẽ bổ sung AQI theo giờ, nghĩa là cập nhật liên tục theo giời gian thực", ông Thái nói.

Về nghiên cứu định lượng nguồn phát thải ô nhiễm ở Hà Nội, lãnh đạo Chi cục cho hay đang phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) điều tra và sẽ công bố kết quả vào tháng 5/2020.

Bà Nguyễn Thị Lê Thu, đại diện WB thông tin, việc nghiên cứu nguồn gốc ô nhiễm không khí đang được thực hiện ở một số thành phố của 7 quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập, Nam Phi...

Tại Việt Nam, WB triển khai điều tra tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng giải pháp đồng bộ để quản lý chất lượng không khí.

Bà Nguyễn Thị Lê Thu, đại diện WB. Ảnh: Gia Chính

Bà Nguyễn Thị Lê Thu, đại diện WB. Ảnh: Gia Chính.

"Dự án sẽ giúp Hà Nội phân tích nguồn gốc của bụi PM2.5 đến từ đâu. Chúng ta nói nhiều đến các nguyên nhân từ giao thông, các nhà máy xung quanh thành phố, đốt rơm rạ, bếp than, khói từ làng nghề... nhưng cần phải có con số định lượng trên nguyên tắc không để lọt những nguồn thải chính", bà Thu nói và cho biết thêm, WB sẽ phối hợp với Hà Nội chạy mô hình để đưa ra giải pháp tối ưu về chi phí, kỹ thuật phù hợp với thực tế.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, bên nghiên cứu mang tính định lượng nêu trên, Hà Nội cần đưa ra giải pháp mang tính cấp bách, xử lý tình hình hiện tại.

Theo ông Tùng, nhiều nước phối hợp với hãng xe máy để thiết lập hệ thống kiểm tra phát thải, nếu vượt quá ngưỡng thì chủ xe phải bỏ tiền ra sửa chữa, đạt yêu cầu mới được lưu hành; hoặc thiết lập vùng phát thải thấp, các xe vào khu vực này phải đạt chuẩn phát thải theo quy định. "Đây là những biện pháp Hà Nội có thể học hỏi", ông nói.

Ngoài ra, chuyên gia này đề xuất Hà Nội đưa việc "không đốt rơm rạ" là một trong những tiêu chí để được công nhận nông thôn mới.

Ông Kidong Park, Giám đốc đại diện WHO ở Việt Nam. Ảnh: Gia Chính

Ông Kidong Park, Giám đốc đại diện WHO ở Việt Nam. Ảnh: Gia Chính.

Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế thế giới thì cho rằng Hà Nội nên học hỏi nỗ lực cải thiện không khí của Bắc Kinh (Trung Quốc) như: Tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và khả năng tiếp cận của công dân đến các nguồn thông tin chính thống; Áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong thời gian ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng trên địa bàn...

"Ô nhiễm không khí là vấn đề mang tính vùng (nhiều địa phương), do vậy Việt Nam cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh để giải quyết", ông Park nói và tin tưởng nếu Hà Nội hành động ngay bây giờ thì trong một vài năm tới không khí sẽ trong lành hơn".

Tổ chức Y tế thế giới cho biết ô nhiễm không khí lâu dài gây ra bệnh đột quỵ, đau tim, tắc nghẽn phổi mạn tính và có thể ảnh hưởng tới hệ sinh sản. Năm 2016, Việt Nam có 60.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ