Nước thải ngập kênh thủy lợi, hoa màu “khát” nước sạch

GD&TĐ - Với hàng nghìn điểm xả thải không qua xử lý, xả thẳng ra sông ngòi thủy lợi khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn nạn đó khiến nhiều hecta hoa màu “khát” nước sạch.

Người dân đành chấp nhận dùng nước ô nhiễm tưới cho rau vì không còn cách nào.
Người dân đành chấp nhận dùng nước ô nhiễm tưới cho rau vì không còn cách nào.

Tưới rau bằng nước bẩn

Cánh đồng khu Cửa Đình thuộc làng Triều Khúc (Thanh Trì) vào một chiều tháng Tư oi nồng càng làm cho mùi hôi thối từ con kênh thủy lợi nội đồng thêm ngột ngạt. Vài nông dân cầm gáo nước cán dài đứng cạnh con kênh cố múc cho rau thêm ít nước chống “khát”.

Tôi hỏi tại sao lại dùng nước ô nhiễm đen ngòm, bốc mùi tưới cho rau. Họ nói: Không lấy nước này thì lấy đâu ra nước sạch? Theo những người trồng rau ở Triều Khúc, con mương thủy lợi bị ô nhiễm là hậu quả mà cụm công nghiệp làng nghề tái chế nhựa tại địa phương thải ra.

Về Hà Đông, tại cánh đồng đang chờ dự án quy hoạch tại phường Kiến Hưng, chúng tôi thấy cảnh hoa màu “khát” nước còn thê thảm hơn. Con kênh nội đồng đã xây từ lâu toàn rác, không một giọt nước.

Đến một con kênh chưa được kiên cố hóa bằng bê tông mới thấy có chút nước nhưng nước có màu đen và đang bốc mùi. Ông T đang sở hữu 2 sào rau muống tại cánh đồng này than thở: “Không còn một con kênh nào nước không đen không bẩn. Con kênh nào cũng bị ô nhiễm vì lấy nguồn nước từ sông Nhuệ”.

Trắng tay vì ô nhiễm

Tại vùng trọng điểm ô nhiễm là Dương Liễu và Cát Quế (Hoài Đức) vấn nạn ô nhiễm tại các kênh thủy lợi còn nặng nề hơn. Nước thải bã dong riềng, sắn từ nghề làm miến và mạch nha bốc mùi chua rất khó chịu.

Thế nhưng, đó lại là nguồn nước tưới tiêu duy nhất dành cho hoa màu. Chỉ khi nào phía Công ty Thủy lợi Đan Hoài bơm nước thì tình trạng ô nhiễm mới cải thiện. Được vài ngày, tình trạng nước đen và bốc mùi lại xuất hiện.

Còn tại xã Bích Hòa (Thanh Oai), nhiều hecta lúa quanh cụm công nghiệp Thanh Oai bị bỏ hoang không thể trồng cấy được. Năm 2018, hơn 20 mẫu ruộng tại đây mất trắng mà nguyên nhân là do nước thải ô nhiễm tại cụm công nghiệp xả thải không qua xử lý xâm lấn vào đồng ruộng.

Cũng tại địa phương này, nhiều diện tích trồng rau phải dùng nước ô nhiễm từ con sông Hòa Bình để tưới tiêu. Khi nước trong sông quá đen và bốc mùi thì người ta bơm nước từ sông Đáy và sông Nhuệ vào. Nhưng tình trạng vẫn không giảm tải vì bản thân nước từ hai con sông này cũng ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi – Bộ NN&PTNT, từ năm 2005 đến nay nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm ngày càng tăng.

Những thông số báo động

Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy có khoảng hơn 250 nguồn thải lớn từ sản xuất công nghiệp, hoạt động của làng nghề, nước thải sinh hoạt của khu đô thị, 133 trạm dân sinh và hàng nghìn điểm thải nhỏ.

Bình quân mỗi ngày, lưu vực sông Nhuệ - Đáy phải tiếp nhận khoảng 710.000 m3 nước thải sinh hoạt, 250.000 m3 nước thải công nghiệp, 14.000 m3 nước thải từ các cụm công nghiệp, 53.000 m3 nước thải làng nghề, 1.300 điểm xả thải nhỏ.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có hơn 1.600 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài hơn 2.850 km và hàng nghìn cống tưới tiêu nước. Song hiện nay, nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi đang bị ô nhiễm và luôn biến động theo không gian, thời gian.

Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông Cầu Bây của Sở TN&MT Hà Nội trong năm 2017, tất cả 16 thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép, trong đó chỉ tiêu NH4 vượt từ 6,6 - 33,8 lần; dầu mỡ vượt 13,2 - 16,1 lần; coliform vượt 1,2 - 9,6 lần...

Nhóm chuyên gia Viện Quy hoạch Thủy lợi – Bộ NN&PTNT thực hiện nghiên cứu đưa ra khuyến cáo: Chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh. Trong đó, nước thải từ khu dân cư, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, nước thải đô thị… được xác định là nguồn gây ô nhiễm cho hệ thống sông Nhuệ - Đáy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.