Người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm chức danh “Giáo sư Đặc biệt nước ngoài”

GD&TĐ - Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thiên Thu là người Việt Nam đầu tiên vừa được Viện phát triển Nguồn nhân lực toàn cầu của Đại học Okayama (Nhật bản) bổ nhiệm là “Giáo sư Đặc biệt nước ngoài”.

Nhiều năm qua, cùng với những thành tựu trong nước, đã có không ít những nhà khoa học lặng lẽ hành trình trên con đường tìm kiếm của mình để rồi một ngày “bỗng dưng” tên tuổi họ, chức danh của họ xuất hiện trên các trung tâm khoa học, giáo dục danh tiếng ở nước ngoài.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thiên Thu là một trong những người như thế. Ông là người Việt Nam đầu tiên vừa được Viện phát triển Nguồn nhân lực toàn cầu của Đại học Okayama (Nhật bản) bổ nhiệm là “Giáo sư Đặc biệt nước ngoài”.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thiên Thu.
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thiên Thu.

“Cái nôi” với nhiều nhà khoa học Nhật

Trước khi nói về danh hiệu cao quý này, xin nói đôi nét về Trường Đại học Okayama, nơi từng được nhiều người coi là “cái nôi” của nhiều nhà khoa học Nhật Bản. Đây là ngôi trường lớn với lịch sử hơn 150 năm, được thành lập từ năm 1870 với cái tên Okayama Igakkan (Y học Quán Okayama, tạm gọi là Trung tâm y tế Okayama). Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Trung tâm này được hợp nhất với nhiều trường cao đẳng khác và chính thức thành trường Đại học tổng hợp Okayama vào năm 1949.

Trường Đại học Okayama hiện nằm trong top 30/781 các trường đại học của Nhật Bản (theo xếp hạng của US News & World Record). Mỗi năm, trường đào tạo hàng ngàn sinh viên đại học, sau đại học trong nước và quốc tế.

Trường Đại học Okayama là một trong số các trung tâm giáo dục đa ngành, có nhiều khoa nổi tiếng, trong đó phải kể đến chuyên ngành Y (có bệnh viện thuộc Trường, nổi tiếng về cấy ghép tạng và điều trị các bệnh về máu) và các chuyên ngành khác như Nông nghiệp, Kinh tế, Luật, Môi trường, Công trình, Tự động hóa...

Okayama còn là một trong số các trung tâm hội tụ được nhiều giáo sư, nhà khoa học có uy tín tham gia giảng dạy. Nhiều Chính khách,  Bộ trưởng, Thống đốc tỉnh, Nhà nghiên cứu, Nhà văn, Chủ tịch tập đoàn sản xuất lớn, Thương gia giỏi... của Nhật Bản từng theo học, trong đó có thể kể đến là ông  Abe Shintaro (1924-1991), người từng giữ chức Tổng thư ký Đảng Tự do - Dân chủ,  Bộ trưởng Ngoại giao và là thân phụ của ông Abe Shinzo - Thủ tướng Nhật Bản các nhiệm kỳ 2006-2007, 2012-2020.

Cuộc “sát hạch” khắt khe

Chính vì danh tiếng như vậy nên việc bổ nhiệm chức danh giáo sư ở đây được tiến hành rất nghiêm túc, bài bản.

Người được bổ nhiệm Giáo sư đặc biệt nước ngoài trước hết, phải có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo và sự phát triển của trường, được Chủ tịch Hiệp hội cựu sinh viên quốc tế đề nghị sau khi thảo luận với Ban chỉ đạo Viện phát triển nguồn nhân lực toàn cầu. Tiếp theo, danh sách được trình lên một Hội đồng gồm 7 Giáo sư có uy tín bầu bằng cách bỏ phiếu kín.

Do sự khắt khe về chuẩn mực, cho tới nay, Viện chỉ có 17 giáo sư là người nước ngoài. Riêng năm 2020, Viện bổ nhiệm 2 giáo sư, một vị là người Hàn Quốc (lĩnh vực văn hóa) và một là người Việt Nam (TS Bùi Thiên Thu).

Trường đại học Okayama.
Trường đại học Okayama.

Những đóng góp của TS Bùi Thiên Thu

Câu hỏi đặt ra, vì sao Đại học Okayama lại bổ nhiệm TS Bùi Thiên Thu, hay nói cách khác, TS Thu đã có những đóng góp gì cho Đại học Okayama nói riêng, cho công cuộc phát triển nguồn nhân lực toàn cầu nói chung? Theo đánh giá của Đại học Okayama, TS Bùi Thiên Thu đã có một số  đóng góp chính, thứ nhất là thúc đẩy việc hợp tác của Đại học Okayama với một số Đại học của Việt Nam như  Đại học Nông nghiệp, Đại học Huế…

Hơn 15 năm qua, có trên 200 sinh viên các trường này được đào tạo theo chương trình liên kết. Họ theo học khoá đào tạo 1,5 năm tại Việt Nam, sau đó sang Okayama học tiếp 1 năm để nhận bằng Thạc sĩ do đại học Okayama cấp.

Thứ hai, đặt nền móng ban đầu cho việc hợp tác giữa Bệnh viện thuộc  Đại học Okayama với bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ về điều trị bệnh nhi.

Thứ ba, đề xuất hợp tác giữa Khoa Nông nghiệp Đại học Okayama với một số địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long trong nghiên cứu ứng dụng kéo dài độ tươi ngon của trái cây để phục vụ xuất khẩu.

Thứ tư, phối hợp nghiên cứu một số chuyên đề, như về logistics và hoạt động của Cảng biển Nhật Bản và Việt Nam theo chương trình nghiên cứu của Giáo sư khoa Kinh tế - Đại học Okayama.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác của Hội hữu nghị Nhật – Việt và nhiều tổ chức của Nhật Bản trong việc hỗ trợ sinh viên Việt Nam du học tại Đại học Okayama cũng như một số địa phương khác trên đất Nhật.

Xứng danh với gia tộc

Việc TS Bùi Thiên Thu được Đại học Okayama bổ nhiệm chức danh Giáo sư đặc biệt không phải là sự kiện bất ngờ với những ai biết về thân thế xuất thân của ông. Thân phụ TS Thu là nhà khoa học kỹ thuật cầu đường nổi tiếng - Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Danh Lưu - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Là “tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải trọn vẹn 10 năm đầu của Đổi mới (1986-1996), GS Bùi Danh Lưu đã mở ra một “con đường mới” về chiến lược phát triển ngành kinh tế chủ lực này. Đó là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông. Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án BOT và PPP sau này. Tiếc rằng ý tưởng đúng đắn và tốt đẹp của ông đã bị một số công trình làm hoen ố…!

Đặc biệt, TS Bùi Danh Lưu là tác giả của Công trình cầu Chương Dương, cây cầu hiện đại đầu tiên bắc ngang Sông Hồng cho người Việt Nam thiết kế và trực tiếp thi công. Đây cũng được coi là cột mốc tiêu biểu của ngành giao thông nước nhà.

Cách đây ít ngày (29/12/2020), tại cuộc Hội thảo  “GS. TS Bùi Danh Lưu – Một trí thức tài năng, Nhà lãnh đạo và Quản lý tâm huyết của Ngành Giao thông Vận tải” nhân kỉ niệm 85 năm ngày sinh (1935 – 2010) và 10 năm ngày mất, nhiều nhà khoa học cầu đường hàng đầu Việt Nam, đồng nghiệp, bè bạn và cộng sự của ông đã dành cho ông niềm yêu mến, kính trọng.

Nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng dựng tượng đài kỉ niệm Công trình cầu Chương Dương và đặt tên đường cho GS. TS. Bộ trưởng Bùi Danh Lưu bởi những đóng góp to lớn của cá nhân GS Lưu những năm đầu Đổi mới.

Mối “nhân duyên” với xứ sở Hoa Anh đào

Có thể nói, giữa Đại học Okayama nói riêng, đất nước Nhật Bản nói chung với TS Bùi Thiên Thu có mối “nhân duyên” khá sâu sắc.

Ngay từ những năm học Đại học (Đại học Hàng hải Việt Nam), cậu sinh viên Bùi Thiên Thu đã có tình cảm đặc biệt với đất nước này. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Kỹ sư điều khiển tàu biển năm 1988, Bùi Thiên Thu làm thủy thủ tàu biển vài năm và Nhật Bản là một điểm đến đầu tiên của chàng kỹ sư trẻ ấy. Bỏ dở ước vọng làm Thuyền trưởng viễn dương, Bùi Thiên Thu sang Nhật Bản học tiếng Nhật (một ngôn ngữ rất khó, không phải sinh viên nào cũng đủ niềm yêu thích) và học để lấy bằng Thạc sĩ kinh tế (1991 – 1995). Năm 1999, Thạc sĩ Bùi Thiên Thu tiếp tục theo học Tiến sĩ tại Đại học Okayama và nhận bằng Tiến sĩ kinh tế năm 2002.

Ở Bộ Giao thông Vận tải, TS Bùi Thiên Thu được biết đến là người có chuyên môn sâu, có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà khoa học, kỹ thuật giao thông vận tải nước ngoài. Ông thông thạo hai ngoại ngữ Anh - Nhật và hiểu biết rất sâu sắc văn hóa của Xứ sở Hoa Anh đào.

Về lĩnh khoa học kỹ thuật, TS Bùi Thiên Thu hiện là thành viên Hội đồng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cảng thuỷ và Thềm lục địa. Ông đã tham gia phản biện nhiều luận án tiến sĩ ngành giao thông vận tải và có nhiều đóng góp quan trọng vào chương trình làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các đối tác Nhật Bản.

Về công tác quản lý, GS. TS Bùi Thiên Thu đã từng giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (2006 - 2011), Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (2011 - 2019).

Tháng 12/2019, Tiến sĩ Bùi Thiên Thu được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Ông hiện cũng là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ