Làm sạch sông Tô Lịch: “Bảo bối” của Nhật khó áp dụng

GD&TĐ - Công ty JVE vừa có báo cáo đánh giá hiệu quả Dự án thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội, phương pháp xử lý nước này đến nay vẫn khó khả thi.

Thiết bị thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật được lắp đặt trên đầu nguồn. Ảnh: NT.
Thiết bị thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật được lắp đặt trên đầu nguồn. Ảnh: NT.

Có hiệu quả, nhưng khó áp dụng

Theo báo cáo đánh giá hiệu quả Dự án thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây của Công ty JVE, về chỉ số nồng độ mùi tại khu vực trước xử lý đạt giá trị 999, là giá trị cao nhất trong phạm vi đo của máy.

Nồng độ mùi thực tế có thể cao hơn giá trị này. Chỉ số nồng độ mùi tại khu thí điểm chỉ đạt giá trị 5, nồng độ mùi hôi thối giảm từ 999 xuống 5, tức giảm tới 200 lần.

Công ty JVE cũng cho biết, lượng bùn dưới đáy sông Tô Lịch đã bị phân hủy và giảm rõ rệt trong khu vực xử lý mà không cần áp dụng các biện pháp nạo vét cơ học.

Khu vực quây tôn xử lý, điểm 25m trong khu quây, độ dày bùn giảm từ 53cm xuống còn 18cm. Điểm 30m, độ dày bùn giảm từ 55cm xuống còn 20cm.

Các chỉ tiêu quan trắc chất lượng nước sau xử lý có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong đó hầu hết các chỉ số đạt tới cột A1 (quy định chất lượng nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt), một vài chỉ số đạt các cột A2, B1, B2.

Nồng độ pH=7,0 ổn định đạt trong khoảng cho phép, chỉ tiêu DO (hàm lượng oxy hòa tan còn dư lại) sau khi đã cung cấp oxy cho vi sinh vật hiếu khí hấp thụ và lượng oxy tiêu hao trong quá trình phân hủy bùn hữu cơ vẫn đạt từ 4,69 mg/l, xấp xỉ cột A2 của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), là điều kiện rất tốt cho cá, thủy sinh phát triển tốt.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kết quả này là đúng, không có gì phải nghi ngờ.

Đơn giản, nước sông Tô Lịch bốc mùi hôi thối là do thiếu oxy. Khi được sục khí, cung cấp oxy, các vi sinh vật sẽ tự ăn hết các chất hữu cơ, dẫn đến hết mùi hôi, lớp bùn giảm đi. Kết quả tốt là vậy nhưng giải pháp này không có tính khả thi bởi nhiều lý do.

Đừng biến hồ thành bể cá

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, công nghệ này chỉ áp dụng cho những vùng nước ô nhiễm tĩnh, không có dòng chảy. Trong khi đó sông Tô Lịch thường xuyên được bổ cập nước thải, rất khó áp dụng công nghệ này. Còn đối với Hồ Tây, là vùng nước tĩnh. Nhưng sẽ ra sao nếu một chiếc hồ tự nhiên đang đẹp như thế mà súc khí ầm ào cả ngày?

Hơn nữa, người ta không bao giờ áp dụng công nghệ sục khí quanh năm ở các hồ để xử lý nước, mà phải áp dụng các biện pháp xử lý an toàn sinh học tự nhiên. Nước hồ được sục khí sẽ chẳng khác gì bể cá cảnh, rất khó khả thi.

Hơn nữa, hệ sinh thái trong hồ, tôm, cá liệu có chịu được không nếu cứ sục khí ầm ầm quanh năm như thế. Rồi sẽ lại phải có nhân công túc trực để bảo vệ hệ thống sục. Không nên biến cả con sông hay hồ lớn đẹp như Hồ Tây thành bể cá. Dù về nguyên lý xử lý nước thải thì không sai, nhưng cách thức thực hiện thì không được.

Sẽ rất đáng hoan nghênh nếu phía đối tác Nhật Bản thu gom nước thải sông Tô Lịch, xử lý sạch rồi mới đổ trở lại. Như thế không ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái, mỹ quan, cũng không phải tốn nhân lực để kiểm soát các trạm xử lý, mà lại bền vững lâu dài.

Còn với đề xuất áp dụng rộng rãi công nghệ này để xử lý ở cả dòng sông Tô Lịch và Hồ Tây thì không ổn. Không thể sục được cả Hồ Tây, kinh phí sẽ cực lớn. Và cũng không thể lắp các trạm sục dọc sông Tô Lịch bởi còn phải tính đến sau này phát triển du lịch, sinh thái trên dòng sông.

PGS.TS Trần Hồng Côn cũng cho hay, việc xử lý nước thải ở sông Tô Lịch không phải là khó, bản thân các nhà khoa học Việt Nam cũng có thể làm được. Chính ông đã nhiều lần thử nghiệm và thực hiện xử lý nước thải, biến nước thải thành nước uống.

Tuy nhiên, để ứng dụng rộng rãi, còn nhiều rào cản về các quy định. Nên đừng vội trách các nhà khoa học Việt Nam đâu, mà để cho nước ngoài họ làm.

Giải pháp nào?

GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Môi trường cho biết: Đối với các hồ chỉ có nước mưa chảy vào mùa mưa thì lượng ô nhiễm không lớn (chủ yếu ô nhiễm do tảo độc) và việc xử lý không khó.

Tuy nhiên, số lượng các hồ này không nhiều. Đại đa số các hồ ở Hà Nội đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chảy vào khiến cho tình trạng ô nhiễm rất nặng, lâu ngày lượng cặn tích lũy lại rất lớn.

TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ Môi trường đề xuất ý kiến: Hiện ô nhiễm ở các hồ phần lớn là do hàm lượng nitơ và photpho quá lớn. Vì lý do đó, trồng các loại cây thủy sinh như lục bình, thủy trúc… sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước hồ.

Các loài này giúp chuyển hóa, hấp thụ các loại vi khuẩn có hại trong nước để làm sạch nước hồ. Hiện các hồ ở Hà Nội vẫn chưa được quan tâm đúng mức đến điều này dẫn đến việc mất cân bằng nồng độ chất trong môi trường. Nước thải đổ vào mà không được xử lý làm vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ và dẫn đến ô nhiễm.

Tuy nhiên, khi đưa vào hồ các loài thực vật này phải có sự kiểm soát trên một diện tích nhất định. Nếu để chúng phát triển quá mức thì cũng sẽ gây hại cho hồ như làm cho ánh sáng trong nước yếu đi, hàm lượng oxy giảm… Phải thường xuyên vớt bỏ những cây đã già cỗi để tránh muỗi và côn trùng phát sinh.

Tuy vậy, đây cũng có thể coi là giải pháp tốt để cải tạo chất lượng nước hồ hiện nay mà vẫn bảo đảm an toàn, giữ vững môi trường cảnh quan hồ. Làm sạch hồ, nên sử dụng các biện pháp sinh học ví dụ như phương pháp thổi khí, hoặc trồng cây thủy sinh... Các phương pháp này được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước.

Để làm sạch sông Tô Lịch, theo các chuyên gia, chỉ có một “từ khóa” là xử lý nước thải. Còn đối với Hồ Tây, phải ưu tiên dùng các biện pháp sinh học, nạo vét, kiểm soát nguồn thải. Đối với những hồ bị ô nhiễm nặng, bùn yếm khí quá nhiều (gây mùi hôi, thối và làm chết tôm, cua, cá...)... thì cách tốt nhất là phải nạo vét hồ.

Công nghệ nạo vét hồ khá đa dạng từ rẻ tiền đến đắt tiền. Điều quan trọng là phải biết lựa chọn công nghệ phù hợp với đặc trưng của từng hồ. Có thể hút bùn hoặc nạo vét thủ công đều được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ