TS. Yamamura Tadashi – Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản đã công bố một vài kết quả thí nghiệm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Kết quả đáng chú ý, chất lượng nước tại 2 khu thí điểm đều đạt hiệu quả theo quy chuẩn Việt Nam 08. Mùi hôi thối tại sông Tô Lịch giảm 200 lần, mùi tanh hôi của Hồ Tây giảm 30 lần. Bùn hữu cơ tại sông Tô Lịch giảm từ 91,3 cm xuống còn 15cm...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gợi ý cho các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu thêm về các vấn đề Việt Nam gặp phải đối với hệ thống sông ngòi và các hồ nước như: kim loại nặng trong nước rất nhiều, vấn đề xử lý nước thải... Ngoài ra, bài toán kinh tế khi đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở Việt Nam đối với các đô thị cũng là vấn đề nan giải.
TS. Yamamura Tadashi – Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản. |
Ngay sau cuộc trao đổi, Bộ trưởng đã đích thân cho cá Koi ăn tại khu vực thí điểm xử lý nước Hồ Tây. |
Được biết từ ngày 11/04/2019: Ông TS.Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản và đại diện Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đề xuất tài trợ thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor, Nhật Bản.
Ngày 26/04/2019: Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản và đại diện Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, và các Sở, ngành, đơn vị liên quan của Thành phố. Tại buổi làm việc, các bên đã thống nhất lộ trình triển khai và hỗ trợ phía Nhật Bản trong công tác triển khai tại hai khu vực thí điểm được đề xuất. Cụ thể, phía Nhật Bản đề xuất thí điểm trên 300m sông Tô Lịch tại phía thượng lưu đầu đường Hoàng Quốc Việt giao với đường Bưởi và khu vực 1000m2 tại Hồ Tây, đối diện số nhà 161 Nguyễn Đình Thi.
Ngày 16/05/2019: Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã tiến hành Lễ khởi động lắp đặt thiết bị xử lý xuống hai khu vực thí điểm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch. Sau đó, chuyên gia Nhật Bản và cán bộ kỹ thuật của JVE phối hợp với Nhóm công tác thuộc các Sở, ngành, đơn vị được giao triển khai vận hành hệ thống và các nội dung khác của khu vực thí điểm theo kết luận và ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tại văn bản số 142/TB-VP ngày 09/05/2019.
Ngày 16/09/2019: Các cơ quan lấy mẫu phân tích độc lập đã tiến hành lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng nước, trầm tích, đánh giá quá trình phân hủy lớp bùn tầng đáy, đánh giá mùi trước và sau quá trình xử lý để đánh giá hiệu quả xử lý của công nghệ Nano-Bioreactor.
Ngày 29/10/2019: Báo cáo đánh giá hiệu quả Dự án thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor và đưa ra đề xuất, kiến nghị.
Dự án thí điểm xử lý đã cho những người dân sinh sống ở xung quanh khu vực thí điểm thấy rõ môi trường tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây sau xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản được cải thiện rõ rệt, các chỉ tiêu về chất lượng nước đều đạt Quy chuẩn Việt Nam. Đặc biệt, không khí xung quanh khu vực khu thí điểm tại sông Tô Lịch, Hồ Tây sạch sẽ hơn, không mùi hôi thối, lượng bùn tích tụ hàng chục năm dưới đáy Sông, Hồ giảm rõ rệt, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp và cải thiện sức khỏe cho người dân sống gần khu thí điểm.
Dự án thí điểm xử lý ô nhiễm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây theo các kết quả của đơn vị phân tích lấy mẫu cho thấy, Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra và thành công như dự kiến ban đầu.