Khôi phục thảo nguyên kỷ băng hà

GD&TĐ - Hàng chục nghìn năm trước, thảo nguyên Siberia (thuộc nước Nga ngày nay) từng là hệ sinh thái đồng cỏ sống động, nơi trú ngụ của các quần thể sinh vật ăn cỏ đa dạng như voi ma mút, tê giác lông mượt, nai sừng tấm, ngựa và bò rừng. Nhưng hầu hết, các loài này đều biến mất hoàn toàn vào cuối kỷ nguyên Pleistocene (2,6 triệu đến 11.700 năm trước) khi môi trường đồng cỏ biến mất.

Những loài động vật ăn cỏ đang phát triển mạnh tại Công viên Pleistocene
Những loài động vật ăn cỏ đang phát triển mạnh tại Công viên Pleistocene

Hàng chục nghìn năm trước, thảo nguyên Siberia (thuộc nước Nga ngày nay) từng là hệ sinh thái đồng cỏ sống động, nơi trú ngụ của các quần thể sinh vật ăn cỏ đa dạng như voi ma mút, tê giác lông mượt, nai sừng tấm, ngựa và bò rừng. Nhưng hầu hết, các loài này đều biến mất hoàn toàn vào cuối kỷ nguyên Pleistocene (2,6 triệu đến 11.700 năm trước) khi môi trường đồng cỏ biến mất.

Một nhóm nhà khoa học Nga đang nghiên cứu để tái hiện cảnh quan cổ xưa đó. Trong một khu vực có hàng rào ở phía Bắc Siberia mang tên “Công viên Pleistocene”, các nhà nghiên cứu nỗ lực khôi phục lại thế giới bị mất - nơi trị vì của các loài động vật ăn cỏ khổng lồ vào 20.000 năm trước. Theo nghiên cứu được công bố bởi Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU), các nhà khoa học hy vọng sự thành công này sẽ giải quyết được một số vấn đề quan trọng trong giai đoạn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ở Bắc Cực, lớp băng vĩnh cửu hiện có thể tan chảy và giải phóng khí nhà kính, nhà nghiên cứu Nikita Zimov từ Viện Địa lý Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - Giám đốc Công viên Pleistocene, cho biết.

Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia (NSIDC) ước tính, có khoảng 1.400 tỷ tấn carbon bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu của Trái đất. Nhưng việc “tái định cư” các loài động vật ăn cỏ lớn tại công viên Siberia và khôi phục lại đồng cỏ trên thảo nguyên có thể sẽ giúp bảo vệ lớp băng vĩnh cửu, theo ông Zimov lý giải. Thiết lập đồng cỏ phát triển tốt cũng có thể gây dựng hệ thống hiệu quả hơn trong việc lưu trữ carbon khí quyển xuống lòng đất.

Khác với Công viên kỷ Jura hư cấu từ bộ phim cùng tên, Công viện Pleistocene không phải là điểm du lịch với các loài động vật tuyệt chủng được hồi sinh. Khu bảo tồn rộng 16 km vuông này là nhà của cộng đồng sinh vật bao gồm tuần lộc, nai sừng tấm, bò xạ hương, bò rừng và ngựa - tất cả đều được Zimov và đồng nghiệp đưa đến và nỗ lực duy trì sự sống của chúng.

Những con vật đầu tiên được đưa đến vào năm 1988. Thời gian sau đó, hệ sinh thái đã dần được điều chỉnh theo sự có mặt của các loài ăn cỏ lớn. Những thay đổi đã bắt đầu xuất hiện trong thảm thực vật của công viên, với số lượng cỏ tăng lên theo phản ứng khi bị ăn bởi quần thể động vật. Đất được bao phủ bởi cỏ và cây bụi giữ được nhiều carbon hơn so với đất phủ đầy rừng.

“Carbon tích tụ trong đất nhiều nhất ở những nơi có đông động vật gặm cỏ” – ông Zimov phân tích. Việc trồng nhiều cỏ tại Siberia cũng chống lại lượng khí mê tan dư thừa trong đất. Kể từ khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng vào gần 12.000 năm trước, thảo nguyên Siberia đã trở nên ẩm hơn, lượng khí mê tan được sản sinh trong đất nhiều hơn khi các sinh vật phân hủy. Nhưng việc tái tạo đồng cỏ cổ đại sẽ đem lại hệ thống rễ hút ẩm từ đất, qua đó làm giảm sự sản sinh của khí mê tan.

Trong khi đó, lượng tuyết rơi gia tăng trong ba mùa đông qua đã càng gây nguy hiểm tới lớp băng vĩnh cửu khi tạo ra lớp cách nhiệt làm ấm phần đất nằm bên dưới và ngăn không cho nó đóng băng lại, theo ông Zimov phân tích. Tại nhiều địa điểm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, lớp đất vẫn không đóng băng trong cả năm. Điều này cảnh báo rằng, lớp băng vĩnh cửu đang bắt đầu tan rã. Một khi bắt đầu, quá trình diễn ra rất nhanh và khó có thể dừng lại.

Mặc dù, voi ma mút và tê giác lông mượt của Siberia đã tuyệt chủng từ lâu nhưng các loài ăn cỏ lớn ngày nay có thể bảo vệ lớp băng vĩnh cửu bằng chính những gì tổ tiên chúng từng làm trên lãnh nguyên tuyết, đó là giẫm tan lớp tuyết bề mặt. Điều này sẽ khiến cho lớp đất bên dưới lạnh đi và kéo dài tuổi thọ băng vĩnh cửu ở Bắc Cực - qua đó giải được phần nào bài toán biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến phức tạp.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ