“Giấc mơ vắc-xin” của GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên

GD&TĐ - Dành trọn cuộc đời để nghiên cứu vắc-xin, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên luôn trăn trở làm sao để sản xuất ra được nhiều loại vắc-xin tốt nhất, an toàn nhất, giá lại rẻ nhất cho người dân Việt Nam.

GS Liên tại phòng làm việc.
GS Liên tại phòng làm việc.

Sản xuất vắc-xin giữa chiến trường

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên (sinh năm 1940) hiện là chuyên gia cao cấp của Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). Ở tuổi 81, bà vẫn miệt mài nghiên cứu, đều đặn đến cơ quan làm việc. Tháng 12/1965, tốt nghiệp Đại học Y (1961 - 1965) thì đầu năm 1966, bà và các bạn cùng khóa xung phong vào chiến trường. Từ đây, hành trình nghiên cứu vắc-xin bắt đầu. Bà bảo, như một cái duyên, đi đâu, làm gì cũng gắn với vắc-xin. Có những giai đoạn được phân công nghiên cứu lĩnh vực khác, nhưng rồi số phận lại đưa đẩy bà trở lại với nghiệp vắc-xin.

Tháng 6/1966, bà có quyết định nhận công tác tại K15 thuộc Ban Dân y khu V. Khoảnh khắc nhận quyết định ấy lúc nào cũng như kỉ niệm vừa mới hôm qua. “Lúc đó tôi háo hức lắm, thế là sắp được làm việc chuyên môn của mình rồi. K15 nằm ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến nơi rồi, người dẫn đường quay lại bảo tôi. Cơ quan! Tôi đưa mắt nhìn quanh thấy có 2 ngôi nhà lá và hình như một ngôi nhà nữa đang xây dựng dở dang, chắc là cơ quan ít người, tôi nghĩ vậy. Thấy tôi đang ngơ ngác quan sát, anh Hải (Y sĩ) bảo tôi: “Cơ quan mới chuyển về đây, chỗ cũ bị B52 đánh sạch rồi! Bây giờ đang làm nhà, chị vào thì tự xây dựng phòng thí nghiệm của chị đấy”, bà kể.

Những thành tựu trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của GS.TS.TTND Huỳnh Thị Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vắc-xin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thế mạnh và điểm sáng thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam. Những vắc-xin thế mạnh của Việt Nam hiện nay như sởi, vắc-xin phối hợp sởi - rubella, rota, cúm mùa, viêm não Nhật Bản... không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn.

GS.TS Phương Liên cho biết, thật ra K15 tại thời điểm đó chưa làm chuyên môn vì mọi thứ ở đây đang ngổn ngang. Trong khi chờ hóa chất và thiết bị, dung cụ viện trợ ngoài Bắc vào, mọi người đều khẩn trương làm nhà và làm rẫy. Lúc bấy giờ phải tự túc gạo 6 tháng trong 1 năm, do vậy mà quanh năm ăn sắn. Khi đó, bà phải đi chặt nứa, vác về nơi tập kết để làm nhà. “Lần đầu tiên trong đời tôi vác nặng như vậy, đôi chân tôi cứ đá qua đá lại trong rừng nứa rồi vấp ngã sưng bầm cả 2 chân, xây xước cả 2 tay”, bà nhớ lại.

Cơ quan thấy vậy phân công BS Liên làm cấp dưỡng. Hôm nào cũng dậy từ 3 - 4 giờ sáng, lo cho đủ 3 bữa mỗi ngày. Nhổ sắn, hái rau, lấy củi, về nhặt rau, chẻ củi, bóc sắn thổi cơm. Hôm nào cũng 10 - 11 giờ đêm mới xong việc. Buổi sáng bao giờ cũng phải chuẩn bị từ đêm. Một nồi sắn to đặt sẵn trên “bếp Hoàng Cầm”, sáng dậy châm lửa nấu sắn. Nấu riêng 4 lon gạo cơm (cho cả cơ quan). Khi sắn chín, dùng đũa cả đánh cho tơi hết ra, sau đó cho 4 lon gạo cơm vào trộn đều để 1 hạt cơm cõng quanh toàn sắn. Một nồi canh rau có thể là rau tàu bay, lá sắn, tầm phụp, lá tai voi, thiên niên kiện…, sang hơn cả là rau má, rau mì chính.

Khi nguyên vật liệu chuyển vào đã đủ, bà bắt đầu tự làm phòng thí nghiệm sản xuất vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa. Ba ngôi nhà chuyên môn gồm nhà sấy hấp, chuẩn bị dụng cụ, pha chế môi trường nuôi vi khuẩn; nhà để sản xuất vắc-xin đậu mùa và nhà làm phòng thí nghiệm để sản xuất vắc-xin tả, thương hàn. Ngôi nhà này được trang trí màu trắng: Dù trắng căng trên trần nhà, bên trong cho chạy xung quanh nilon màu trắng, bàn tre cũng trải nilon trắng. Tủ ấm chạy bằng đèn dầu hỏa, điều chỉnh cho đúng nhiệt độ để vi khuẩn phát triển. Tủ cấy vi khuẩn vô trùng, kính hiển vi, lò sấy ướt, cân hóa chất, các dụng cụ phòng thí nghiệm… đều vận chuyển từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Hà Nội vào…

“Khi phòng thí nghiệm làm xong, tôi thật sự sung sướng vì lần này xây dựng khu chuyên môn đã có nhiều kinh nghiệm nên tôi rất hài lòng”, bà chia sẻ.

Những loạt vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa sau bao nhiêu nỗ lực, quyết tâm được đóng vào ampoule, dán nhãn có kiểm định chất lượng kèm theo. Tuy số lượng sản xuất không nhiều, song số vắc-xin vẫn đủ để cung cấp cho một số rất ít vùng giáp ranh giữa địch và ta là Quảng Tín, Quảng Đà và Quảng Ngãi.

Miệt mài nghiên cứu

Sau 6 năm ở chiến trường gian khổ, ác liệt, đói ăn, sốt rét… sức khỏe đi xuống, BS Phương Liên được Khu ủy Khu 5 quyết định cho ra Bắc chữa bệnh và có điều kiện học tập nâng cao kiến thức. Năm 1973, bà cùng một số đồng nghiệp được cử đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức và đến tháng 10/1976, bà về nước.

Về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bà được tham gia nghiên cứu về virus Arbo (viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết Dengue); Sau đó hợp tác nghiên cứu về sởi, rubella với Trường Đại học Lyon (Pháp), cúm (Influenza) với CHDC Đức, tiếp đến là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ và Trường Đại học Niigata, Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản), Trường ĐH Queensland (Úc)…

“Tôi được mời tham dự và báo cáo tại nhiều hội thảo khoa học quốc tế. Công việc chuyên môn cứ cuốn theo, chồng chất, bận rộn, có khi đi công tác liên tục, phải gửi 2 con ở nhà ông bà ngoại, cả 2 đứa bị sốt xuất huyết suýt chết. Năm 1984, tôi trở lại CHDC Đức trong chương trình hợp tác nghiên cứu 2 năm. Tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bậc thầy, đồng nghiệp ở Khoa Miễn dịch lâm sàng của Viện Lao và các bệnh về phổi Berlin Buch. Để phù hợp với nội dung hợp tác nghiên cứu của 2 viện, tôi chọn đề tài Nghiên cứu đáp ứng miễn dịch của vắc-xin cúm bất hoạt bằng tia gamma thử qua đường uống trên mô hình động vật”, GS.TS Phương Liên kể.

Với quyết tâm và sự tập trung, miệt mài học, nghiên cứu, sau 2 năm, bà đã hoàn thành và bảo vệ luận án phó tiến sĩ đạt mức xuất sắc.

“Tôi đã phải trải qua những ngày tháng vất vả, nén nỗi nhớ các con còn thơ dại, chỉ biết lao vào học. Thứ 7 và Chủ nhật tôi đến viện từ 6 giờ 30 phút sáng, mặc cho mưa tuyết, rét buốt có khi nhiệt độ xuống -20 độ C. Khoa Miễn dịch tin tưởng cho tôi được sử dụng hộp chìa khóa của tất cả các phòng thí nghiệm trong khoa. Làm xong công việc thí nghiệm, đến khoảng 9 giờ, tôi lại vội vàng đi lao động “kiếm tiền”. Lao động là sở trường của những năm tháng ở chiến trường mà tôi đã trải qua: Trồng hoa, làm cỏ hoa, hái dưa chuột, dâu tây, hoa quả… tối mịt mới về đến nhà. Tôi dành dụm tiền học bổng và tiền làm thêm chắt chiu để lo cho kinh tế gia đình trong thời bao cấp đầy khó khăn”, bà kể.

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên (giữa) khi ở Đức.
GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên (giữa) khi ở Đức.

Kỳ tích vắc-xin viêm não Nhật Bản

Năm 1987, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Virus, phụ trách 11 phòng thí nghiệm.

Năm 1989, bà được cử đi học ở Nhật Bản về công nghệ sản xuất vắc-xin viêm não (VNNB) ở Viện Biken (Kanonji City) thuộc Trường Đại học Osaka, Nhật Bản. Thời gian học chỉ 1 tháng, với một quy trình công nghệ gồm 24 công đoạn, phải ứng dụng những kiến thức về vi sinh, hóa sinh, lý sinh, miễn dịch… Đây là công nghệ sản xuất vắc-xin VNNB từ não chuột (VX thế hệ 1) là vắc-xin bất hoạt, tinh khiết, được WHO công nhận chất lượng và cấp phép lưu hành trên thị trường thế giới. Ứng dụng thành công công nghệ này không dễ dàng chút nào.

Trong thời gian đó, phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ, đưa cho BS Liên xem toàn bộ quy trình sản xuất vắc-xin. Bà đọc nhưng hiểu rằng phải có thực tế sản xuất mới làm được. Vì vắc-xin liên quan đến tính mạng con người, phải rất cẩn trọng. Bà đã ghi lại một cách tỉ mẩn tất cả các quy trình vào cuốn sổ nhỏ vì khi về không được mang theo bất cứ thứ gì khác ngoài chủng virus. GS.TS Phương Liên vẫn còn nhớ lời nhắn của vị viện trưởng: Xuống sân bay một cái là phải nghiên cứu ngay.

“Thế là lao động miệt mài. Có ngày, 24/24 giờ tôi ở viện để thực hiện và theo dõi các thí nghiệm. Có hôm, cả 2 con sốt cao co giật, ở nhà gọi về đưa các cháu đi cấp cứu. Trong lòng tôi lúc nào cũng như sôi lên. Chồng tôi là bộ đội, luôn đi công tác xa. Một mình tôi, phần lo cho sức khỏe của các con, phần lo thí nghiệm đang dở dang… Chưa kể bao nhiêu khó khăn chồng chất thời bao cấp. Nhưng rồi những loạt vắc-xin sản xuất thử nghiệm đầu tiên cũng ra đời. Sau khi chúng tôi tự kiểm định, kết quả đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. Để khẳng định kết quả này, chúng tôi gửi sang Viện Biken để kiểm tra lại và được trả lời bằng văn bản là 4/4 loạt vắc-xin này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng của WHO”.

Năm 1997, Bộ Y tế mới chính thức đưa mỗi năm 2 - 3 triệu liều (4 - 6 triệu liều trẻ em) vắc-xin VNNB vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhờ đó mà bệnh VNNB đã giảm trên 50% vào năm 2000. Cho đến nay tỷ lệ này tiếp tục giảm chỉ còn 5 - 10% (2015). Nhờ những thành công này mà vắc-xin VNNB đã xuất khẩu được trên 5,4 triệu liều. Đây là vắc-xin đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu. 

Cần vắc-xin thế hệ 2

GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên cho biết, năm 2005, WHO quyết định dừng lưu hành vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ 1 do có tỉ lệ 1/500 nghìn đến 1/1 triệu trẻ em gặp biến chứng khi tiêm. Đây là vắc-xin có nguồn gốc từ tế bào thần kinh chuột. Bắt đầu từ năm 2006, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin viêm não Nhật Bản thế hệ 2.

“Lúc đó, tôi nghĩ mình cứ nghiên cứu đã, rồi đến đâu thì đến. Không đi học hỏi kinh nghiệm nước nào, trong tay không có bất cứ tài liệu gì, ngoài kinh nghiệm làm vắc-xin thế hệ 1 và các công nghệ sản xuất vắc-xin khác, tôi âm thầm, tự làm vắc-xin. Năm 2009, tôi bắt đầu báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu, khi đó đã ra được vài loạt vắc-xin có kết quả. Phía Nhật Bản khi đó rất ngạc nhiên. Có đồng nghiệp bên đó hỏi tôi: “Việt Nam nghiên cứu từ bao giờ mà lại có vắc-xin thế?”. Tôi trả lời, năm 2012 sẽ hoàn thành và sẽ có vắc-xin”, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên kể.

Ngày 12/2/2012 GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã bảo vệ xuất sắc đề tài cấp Bộ sau 5 năm kiên trì và miệt mài với đề tài “Nghiên cứu phát triển vắc-xin VNNB bất hoạt sản xuất trên tế bào vero” là vắc-xin thế hệ 2 để chuẩn bị thay thế vắc-xin thế hệ 1 sản xuất từ não chuột (mô thần kinh) theo khuyến cáo của WHO.

Hiện nay, sản phẩm này đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trên người với đề tài cấp Nhà nước, bà được đề cử làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tính an toàn và sinh miễn dịch trên người của vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào vero” JECEVAX Vabiotech, Việt Nam. Theo phương pháp mù kép, ngẫu nhiên, có đối chứng. Đơn vị nhận thử là Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn III sau tiêm 2 liều đạt 99,6% đáp ứng kháng thể và sau 1 năm tiêm bổ sung liều 3 là 100% đối tượng có đáp ứng kháng thể. Vắc-xin JECEVAX rất an toàn, dung nạp tốt trên người lớn và trẻ em. Đề tài đã được nghiệm thu chính thức qua hội đồng KHCN cấp Nhà nước tháng 1/2019, đang chờ Bộ Y tế cấp phép.

Trong suốt quá trình nghiên cứu chuyên đề virus học như sởi, cúm, rubella, VNNB, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã tham gia giảng dạy sau đại học, đào tạo 3 thạc sĩ, 10 tiến sĩ. Cho đến nay GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã chủ trì và tham gia nghiên cứu 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, 114 công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước (tác giả và đồng tác giả).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.