Dùng chai nước thắp sáng... bóng điện ở TP.HCM

GD&TĐ - Sử dụng chai nước khoáng thông thường cùng với dung dịch nước javen lắp lên mái nhà, tận dụng hiện tượng khuyếch đại ánh sáng là có thể biến những chai nước thông thường thành chiếc bóng điện. 

Sử dụng chai nước bóng điện được áp dụng tại TPHCM.
Sử dụng chai nước bóng điện được áp dụng tại TPHCM.

Từ ngày 1/5 đến ngày 1/10 sắp tới, 350 hộ dân ở TPHCM sẽ được lắp miễn phí bóng điện này.

Chai nước phát sáng

Anh Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng nhóm điều phối miền Nam của Diễn đàn toàn cầu về biến đổi khí hậu (350.org) cho biết, Chai Mặt trời là một dự án cộng đồng có mục tiêu đưa giải pháp về ánh sáng cho cộng đồng thu nhập thấp, được xây dựng từ mô hình “Ánh sáng từ chai nước” được phát kiến lần đầu tiên năm 2008 tại Brazil và ngay trong những năm tiếp theo đã được nhân rộng tại Phillipines.

Sáng kiến này dựa trên một nguyên lý rất đơn giản: Chai nước đã qua sử dụng được đổ đầy nước và thêm vào một lượng chlorine theo tỉ lệ nhất định, lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, thì phần còn lại tiếp xúc với không gian sống sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn 55 - 60W.

Những chai mặt trời này không chỉ cung cấp ánh sáng từ nguồn sáng hoàn toàn miễn phí, giúp mỗi hộ gia đình giảm được khoảng 40% chi phí tiền điện hằng tháng, mà còn giúp giảm nguy cơ cháy nổ, rác thải, giảm lượng phát thải CO2 hằng năm lên tới 7%, và giảm áp lực lên hệ thống điện lưới của địa phương.

Những chai ánh sáng với chi phí đầu tư rất thấp này lại có tuổi thọ khá cao, và với cách lắp đặt rất đơn giản, các hộ dân đều có thể tự thực hiện và tiếp tục nhân rộng với những gia đình quen biết.

Anh Toàn cho biết, chlorine là nước tẩy javen (tẩy quần áo). Chất này chỉ giúp cho chai nước khi bị phơi sáng trong thời gian dài sẽ không bi lên rêu hoặc đục nước làm giảm độ quang phổ của mô hình.

Nguyên lý của Chai Mặt trời cực kỳ đơn giản dựa trên hiện tượng khuếch tán ánh sáng: Ánh sáng thông qua 1/3 chai nước ở phía trên mái tôn sẽ khuếch tán 360 độ xuống không gian sống phía dưới của người dân.

Nếu đó là một lỗ thủng thông thường thì ánh sáng sẽ chiếu xuống theo chiều thẳng đứng, chứ không lan tỏa ra khắp gian nhà. Ý tưởng này rất đơn giản nên ai cũng có thể áp dụng, làm theo mà không cần tốn kém chi phí.

Sáng kiến này được triển khai ở khá nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu cho các khu vực khó khăn, người dân chưa được tiếp cận với lưới điện. Giải pháp chai nước phát sáng được coi là giải pháp thân thiện với môi trường, an toàn, bền vững và hiệu quả, nâng cao cuộc sống của người dân nghèo.

Có thể tự lắp đặt

Theo anh Nguyễn Khánh Toàn thì tuổi thọ của mô hình được khuyến cáo là 1 năm. Sau một năm nên bảo trì hoặc thay mới, gọi là thay thì chỉ thay chai nước mà thôi. Hầu như không tốn chi phí.

Dự án này đặc biệt thích hợp với miền Nam vì hầu như tất cả các ngày trong năm đều có nắng, thậm chí trong 6 tháng mùa mưa thì ngày vẫn nắng.

Với nguyên lý hoạt động khuếch tán của ánh sáng thì cứ có ánh sáng là khuyếch tán được. Điểm hạn chế của Chai Mặt trời là chỉ sử dụng được vào ban ngày. Để có bóng điện thắp sáng ban đêm thì phải sử dụng đến các giải pháp năng lượng khác.

Chai Mặt trời đã được lắp đặt thử nghiệm thành công tại 20 hộ gia đình thu nhập thấp tại quận 4, quận 7, quận Thủ Đức (TPHCM) trong khuôn khổ chiến dịch Một Giờ Trái đất khác biệt 2012. Nhóm nghiên cứu mới đây đã đi kiểm tra thì thấy rằng, sau 1 năm, các loại bóng này vẫn hoạt động tốt.

350.org Việt Nam đang lên kế hoạch mở rộng dự án với mục tiêu 350 hộ trong năm nay (1/5 – 1/10), ngoài lắp đặt miễn phí ra cũng sẽ tổ chức các buổi giao lưu chuyển giao công nghệ để bà con có thể tự lắp đặt cho chính gia đình mình. Việc tự lắp đặt cũng khá đơn giản, chỉ cần xem qua mô hình là người dân có thể tự làm theo được.

Chai Mặt trời phù hợp với những gia đình có thu nhập thấp, những lớp học ở vùng sâu vùng xa mà ánh sáng điện chưa thể đến được. Ánh sáng từ chai nước được coi là một dự án cho người nghèo mang tính hữu ích, thiết thực với đời sống của người dân.

Theo kế hoạch của dự án thì trước mắt sẽ lắp đặt trực tiếp cho các hộ dân, sau đó sẽ phổ biến rộng rãi phương pháp này để người dân ở mọi vùng miền có thể áp dụng được. Ở những địa bàn như miền núi, vùng sâu vùng xa, thiết kế nhà thường rất thiếu sáng. Sử dụng phương pháp Chai Mặt trời này là giải pháp có nhiều tính ưu việt.

Một bóng đèn sợt đốt 50W nếu phát sáng 14 giờ/ngày, trong 1 năm sẽ tạo ra gần 200 kg khí CO2. Trong khi đó, bóng đèn nước không tạo ra khí thải các-bon. Việc tận dụng vỏ chai nước bỏ đi để làm đèn giúp giảm lượng rác thải, tiết kiệm chi phí thu hồi, xử lý tái chế các chai nhựa.

Sử dụng đèn nước không lo cháy nổ, giật điện, tiết kiệm được tiền điện chiếu sáng hàng ngày cho những hộ dân nghèo ở những vùng thiếu điện, vùng sâu, vùng xa.

Không rác thải, không phát thải, không tốn chi phí thắp sáng, bóng điện từ chai nước luôn là giải pháp cần thiết cho bà con nông thôn miền núi, là ý tưởng cần được nhân rộng để tăng hiệu quả, đem lại một giải pháp hữu ích cho bà con.

Hiện tại nhóm 200 tình nguyện viên tại TPHCM đã hoàn thành việc khảo sát tại các quận thuộc địa bàn thành phố, chuẩn bị tiến hành và nhân rộng mô hình này khởi điểm tại quận 4 và sau đó lan rộng ra các quận 3, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.