Công quốc Monaco: “Người khổng lồ” trong lĩnh vực bảo tồn đại dương

GD&TĐ - Vào cuối thế kỷ 19, Thân vương Albert I của Monaco đã cống hiến hết mình cho đại dương. Những nhận định của ông về môi trường biển cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Công quốc Monaco xinh đẹp.
Công quốc Monaco xinh đẹp.

Hậu duệ của ông đã tiếp nối truyền thống trên và hiện nay công quốc bé nhỏ này được xem là “người khổng lồ” trong lĩnh vực bảo tồn biển. 

Quân vương yêu biển

Công quốc Monaco có ba mặt tiếp giáp với Pháp, một mặt giáp Địa Trung Hải là quốc gia nhỏ thứ hai trên thế giới chỉ sau Vatican. 
Dân số Monaco khoảng 30.000 người, trong đó người Pháp chiếm 50%, người Italy 30%, người Monaco chỉ chiếm 17%. Từ Đông sang Tây của đất nước chỉ dài 3,4 km, từ Nam tới Bắc nơi hẹp nhất chưa tới 200 m, diện tích chỉ 1,95 km2.

Hơn một trăm năm trước, vào ngày 25 tháng 4 năm 1921, nhà cai trị Monaco, Thân vương Albert I, đến Washington, DC để tham dự và phát biểu tại một cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Từ đây, câu chuyện về đất nước nhỏ thứ hai thế giới có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn biển được mọi người biết đến.

Thân vương Albert I đến New York trên du thuyền Hirondelle II của mình. Đây là một chiếc tàu được trang bị đầy đủ cho mục đích nghiên cứu hải dương. Ông là một nhà thám hiểm, đã thực hiện tổng cộng 28 hành trình nghiên cứu khoa học. Từ những năm 1880, ông đã đi khắp Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, từ quần đảo Cape Verde ngoài khơi Tây Phi, đến Spitsbergen ở Bắc Cực.

Ông đã lập biểu đồ các dòng chảy của Bắc Đại Tây Dương và phát hiện nhiều loài sinh vật kỳ lạ từ vực thẳm. Vì điều đó, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã trao tặng ông Huân chương Agassiz vào năm 1918. Thế nhưng đại dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến các chuyến đi của ông phải hoãn lại.

Tại cuộc họp năm 1921 nói trên, nhà khoa học lừng danh Albert Einstein cũng có mặt để giải thích về thuyết tương đối của ông. Những luận bàn sôi nổi về học thuyết mới này của giới khoa học đã khiến đóng góp của Thân vương Albert I mang tên “Các nghiên cứu về đại dương” dường như lạc lõng. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong bài phát biểu này vẫn còn gây được tiếng vang lớn cho đến ngày nay.

Nhận thức tiên tri của Albert về sự giới hạn của đại dương được cho là bất thường vào thời điểm đó.

Rất lâu trước khi có sự gia tăng của các nhà máy đóng tàu, trước khi nguồn cá và rạn san hô suy giảm trên toàn thế giới, vào thời điểm mà dân số con người chỉ bằng một phần tư so với bây giờ và rất ít người quan tâm đến môi trường, ông hoàng này đã cảnh báo về những tác động hủy diệt từ việc qua lại các vùng biển của những con tàu “ngày càng mạnh hơn”, “hoạt động ngày càng xa hơn và sâu hơn”.

Ông ủng hộ việc thực thi “nguyên tắc vùng dự trữ” - cái mà ngày nay chúng ta gọi là các khu bảo tồn biển.

Một thế kỷ sau, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ thúc đẩy việc thành lập các khu bảo tồn như vậy, thông qua chương trình Pristine Seas của mình. Chủ tịch hội đồng cố vấn của chương trình đó là Thân vương Albert II, chắt của Albert I.

Thân vương hiện tại không phải là một nhà hải dương học, nhưng ông đã đi du lịch còn nhiều hơn cả Albert I và chứng kiến những thiệt hại ở các vùng biển mà ông cha của ông chỉ có thể thấy trước một cách lờ mờ. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, cho dù là quốc gia nhỏ bé, Thân vương Albert II có cơ hội trò chuyện, bàn bạc với những người đồng cấp về vấn đề môi trường biển một cách thẳng thắn.

Thân vương Albert I và chiếc du thuyền thám hiểm khoa học của ông.
Thân vương Albert I và chiếc du thuyền thám hiểm khoa học của ông.

Cống hiến cho khoa học

Năm Thân vương Albert I chào đời, 1848, là năm Monaco bị thu nhỏ như quy mô hiện tại, mất đi vùng nội địa nông nghiệp, nơi sau này trở thành một phần của Pháp. Đối với Monaco và vương tộc Grimaldi, những người đã cai trị công quốc từ năm 1297, đất nước từng có những thời điểm thật khó khăn.

Tuy nhiên, trước khi Albert trưởng thành, cha và bà nội của ông đã tìm ra lối thoát: Mở sòng bạc Monte Carlo. Động thái đó sau này sẽ kích hoạt cuộc sống sôi nổi trên đại dương của Albert nhưng cũng phủ bóng đen lên nó.

Vào đầu những năm 1880, sau thời gian phục vụ trong lực lượng hải quân Pháp và Tây Ban Nha và sau cuộc hôn nhân đầu tiên ngắn ngủi, Albert sống một cuộc sống không mục đích ở Paris, tán tỉnh một góa phụ người Mỹ, người mà cha ông không đồng ý cho kết hôn. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào đầu năm 1884, khi ông vào xem một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Pháp.

Lúc đó, hai con tàu của Pháp vừa hoàn thành các chuyến thám hiểm ở Đại Tây Dương và thu thập được rất nhiều sinh vật lạ ở biển sâu. Tất cả đều được đem ra trưng bày tại triển lãm này.

Cuộc triển lãm thành công vang dội và là một bước ngoặt đối với Albert.

Vốn đã thích du ngoạn trên du thuyền của mình, giờ đây ông quyết tâm dùng nó làm phương tiện để nghiên cứu khoa học, “mặc dù hoàn toàn thiếu sự động viên từ những người tùy tùng trực tiếp của tôi”. Nhưng ông hoàng là người có ý chí, không dễ dàng bỏ cuộc khi đã quyết định.

Đến năm 1889, ông đã có đủ mẫu vật đại dương để trưng bày trong cuộc triển lãm đầu tiên của riêng mình. Tại Triển lãm Quốc tế Paris, nơi Tháp Eiffel ra mắt lần đầu tiên, Albert đã bày đầy một nửa gian hàng của Monaco các mẫu vật từ đại dương.

Năm 1889 còn là một năm quan trọng đối với ông: Vào tháng 9, cha ông qua đời và Albert trở thành người cai trị Monaco. Vài tuần sau, ông kết hôn với góa phụ người Mỹ, người sau đó trở thành Vương phi Alice.

Bảo tàng Hải dương học là nơi ở của nhiều sinh vật biển.
Bảo tàng Hải dương học là nơi ở của nhiều sinh vật biển.

Sự giàu có của Thân vương

Albert I đến từ Monte Carlo, vào thời điểm mà cờ bạc bị nhiều người xem là trái đạo đức, hoặc thậm chí là bất hợp pháp. Cả đời mình, ông đã phải chịu đựng những phê phán từ các nhà báo ở cả hai bờ Đại Tây Dương về sự phát triển của sòng bạc. Nhưng chính điều này đã tiếp thêm động lực để ông làm những điều tốt lành với đồng tiền của mình.

Tại Paris, Albert I thành lập các viện về hòa bình, cổ sinh vật học, hải dương học. Tất cả đều có mối liên hệ với nhau, bởi ý tưởng khoa học có thể là động cơ thúc đẩy sự tiến bộ của con người và hiểu biết quốc tế.

Công trình sáng tạo nổi tiếng nhất của Albert là Bảo tàng Hải dương học, mà ông đã xây dựng ngay tại Rock of Monaco, nằm ngang với vách đá trông ra Địa Trung Hải. Đó là một đối trọng hoành tráng đối với sòng bạc Monte Carlo, ở phía bên kia bến cảng.

Tại đây, ông lưu trữ những mẫu vật và vật dụng đại dương của riêng mình, chẳng hạn như cái bẫy ba mặt mà ông đã dùng để bẫy một loại cá mới, Grimaldichthys profondissimus, ở độ sâu gần 6000m ngoài khơi quần đảo Cape Verde.

Bảo tàng rất thân thiện với môi trường nên chỉ bơm nước từ biển vào các bể cá. Các triển lãm ở đây sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ đại dương.

Năm 1957, Jacques Cousteau (1910 – 1997, nhà hải dương học, nhà thám hiểm dưới đáy biển nổi tiếng nhất của thế kỷ 20) đảm nhiệm chức giám đốc của bảo tàng. Ông đã làm bộ phim The Silent World nổi tiếng, giới thiệu cho người xem những kỳ quan dưới đáy sâu.

Khi bảo tàng mở cửa lần đầu tiên vào năm 1910, con trai duy nhất của Albert, Louis, đã không có mặt để tham dự buổi lễ. Hai người không hòa thuận nhau. Mẹ của Louis, người vợ đầu tiên của Albert, đã trốn khỏi cung điện ở Monaco chỉ vài tháng sau cuộc hôn nhân của họ, trong khi đang mang thai, Albert không gặp Louis cho đến khi cậu bé lên 10 tuổi.

Trong thời gian dài nhà vua lênh đênh trên biển, người vợ thứ hai của ông, Alice, đã cặp kè với một nhà soạn nhạc. Vào một buổi tối năm 1902, khi nhìn thấy hai người yêu nhau thì thầm tại nhà hát opera ở Monaco, Albert đã nổi giận tát bà ta một cách công khai. Bà hoàng này sau đó đã bỏ trốn.

Người kế vị ông, Louis không hề quan tâm đến biển cả. Sau cái chết của “người vĩ đại” vào năm 1922, du thuyền

Hirondelle II đã bị bán tháo. Nó kết thúc sự nghiệp của mình như là một con tàu chở than trên kênh đào Panama.

***

Bảo tàng Hải dương học Monaco.
Bảo tàng Hải dương học Monaco.

Bước ngoặt của Thân vương hiện tại, Albert II, đến vào năm 1992, khi ông đi cùng cha mình, Thân vương Rainier, đến dự Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất ở Rio de Janeiro, Brazil.

Ở đó, ông nhận ra rằng “ngoài những bài phát biểu tuyệt vời, rất ít việc được thực hiện” nhằm giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Ông nêu quyết tâm Monaco sẽ làm được nhiều hơn khi thời điểm của ông đến.

Các tổ chức mà ông thành lập 15 năm trước đây đã chi ra hơn một trăm triệu đô la với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có bảo tồn biển gồm 700 dự án tập trung vào việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước và chống sa mạc hóa.

Monaco Blue Initiative (Sáng kiến Xanh Monaco) thúc đẩy đối thoại toàn cầu cấp cao về đề tài này. Sòng bạc ngày nay chỉ chiếm chưa đến 4% doanh thu của đất nước ông.

“Tôi hy vọng mọi người nhận ra rằng đã đến lúc phải hành động”, ông nói, “Và tôi hy vọng những lời nói của ông cố tôi vẫn còn dư âm và có thể truyền cảm hứng cho họ, theo cách mà ông ấy đã truyền cảm hứng cho tôi”.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ