Hội thảo về KHXH đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia đầu ngành. Ảnh: gdtd.vn |
Xã hội chưa thực sự coi trọng ngành KHXH
Vai trò của khoa học xã hội, đây là vấn đề mà nhiều giáo sư của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội rất quan tâm.
Các giáo sư cho rằng, ở nước ta, KHXH có chức năng nghiên cứu cơ bản và toàn diện về xã hội và con người Việt Nam nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; thẩm định các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm; góp phần nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đội ngũ nhà giáo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những đóng góp của KHXH nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.
Tuy nhiên còn có ý kiến tỏ ra băn khoăn về hiệu quả đóng góp của các môn KHXH trong các trường đại học trong việc xây dựng con người mới, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Thực trạng xã hội cũng chưa thực sự coi trọng ngành KHXH. Hiện nay ngành học KHXH có vị trí rất thấp trong sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho con em của các bậc phụ huynh, trong đó có cả các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục.
Thực trạng giảng dạy, học tập các môn KHXH: đáng suy ngẫm
Các tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra thực trạng sinh viên lựa chọn ngành học thuộc KHXH có xu hướng tâm lý chưa ổn định, thái độ và tinh thần học tập đối với các môn học thuộc KHXH chưa cao, thậm chí có người yêu thích các môn khoa học tự nhiên hơn chính ngành học mà họ đã lựa chọn.
Tình trạng học theo kiểu đối phó để thi cử, chỉ để lấy bằng cấp cũng đang là vấn đề ở các trường đại học; sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học xã hội rất khó xin việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn.
Đội ngũ giảng viên các môn KHXH đã có đóng góp tích cực trong việc phát triển lĩnh vực KHXH ở các trường đại học thời gian qua. Song, một số tham luận gửi tới hội thảo cũng thừa nhận rằng đội ngũ giảng viên các môn KHXH trong các trường đại học hiện nay vừa thiếu, vừa không có tính kế thừa,tại một số trường đội ngũ này cũng còn yếu.
Về chương trình, nội dung, giáo trình, bên cạnh nhiều ưu điểm, các báo cáo đã chỉ ra rằng, việc bố trí, sắp xếp kết cấu, nội dung của môn học trên cả 3 phương diện là cấu trúc chương trình, thời lượng giảng dạy và nội dung giảng dạy cũng chưa thực sự hợp lý. Về nội dung giảng dạy trong các ngành KHXH trong các trường đại học hiện nay quá nặng về lý luận, xa rời thực tiễn cuộc sống; chất lượng đào tạo hiện nay đang có nhiều giảm sút. So với các ngành khoa học khác trong các trường đại học, KHXH được coi là chậm đổi mới về phương pháp dạy và học; hệ thống giáo trình các môn KHXH lạc hậu, một số thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, thực trạng này dẫn đến sự không hứng thú trong học tập và nghiên cứu môn học này.
Tài liệu tham khảo chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên trong giai đoạn hội nhập thế giới hiện nay, đặc biệt là vấn đề tài liệu tham khảo nước ngoài đã qua dịch thuật và tài liệu tham khảo nước ngoài chưa qua dịch thuật.
Cơ sở vật chất của các trường, các khoa xã hội yếu kém (thư viện, phòng học bộ môn, thiết bị chuyên dùng…) cũng được một số tham luận đề cập, làm ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Lối đi nào cho KHXH?
Xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển KHXH Việt Nam, gắn liền với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011-2020; đổi mới cơ chế quản lý đối với KHXH; tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực của đội ngũ KHXH trong các trường đại học là những giải pháp đáng chú ý được các đại biểu đề xuất.
Bên cạnh việc đề nghị Nhà nước tăng đầu tư cho KHXH, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất và trang thiết bị kĩ thuật đồng bộ cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về KHXH cho các trường đại học KHXH và các khoa xã hội của các trường ĐH Sư phạm, các nhà khoa học cho rằng, cần tính đến đặc thù của KHXH và tạo điều kiện phát huy sáng tạo của các trường đại học KHXH và cá nhân nhà khoa học, thực sự cầu thị, tạo mọi điều kiện cho sự sáng tạo của đội cán bộ nghiên cứu, nhà giáo của các trường, các khoa xã hội trong hệ thống ĐH của nước ta.
Cùng với đó, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi để KHXH Việt Nam tham gia thiết thực có hiệu quả trong việc cung cấp những luận cứ khoa học cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; được tham gia thẩm định những kế hoạch dự án về kinh tế - xã hội trọng điểm, phản biện các dự luật nhất là các dự án về Giáo dục, các quyết sách trước khi ban hành.
Xoá bỏ tình trạng hành chính hoá trong việc quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó cần áp dụng chế độ khoán gọn hợp đồng khoa học. Được tự chủ về tài chính, vay vốn của nước ngoài….
Bên cạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế về KHXH thì nâng cao năng lực của đội ngũ KHXH trong các trường đại học cũng vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, không thể thiếu việc đổi mới chính sách sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh cán bộ KHXH và phát triển tốt năng lực nội sinh của KHXH.
Những giải pháp cụ thể hơn được đưa ra là: Đổi mới tư duy về vai trò của KHXH trong các cấp quản lý cũng như nhận thức của nhân dân; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, tuyển sinh; viết những bộ giáo trình có tầm quốc gia, có chất lượng; đẩy mạnh học ngoại ngữ, chú ý tiếng Anh để hội nhập quốc tế tốt hơn….
Đan Thảo