Khóa học trực tuyến mở đại chúng VN - chờ hành lang pháp lý

GD&TĐ - Học tập liên tục và học tập suốt đời được xem là nền tảng nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển xã hội.

TS Phan Thị Ngọc Thanh- Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa - Trường ĐH Mở TPHCM giới thiệu về VMOOCs.
TS Phan Thị Ngọc Thanh- Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa - Trường ĐH Mở TPHCM giới thiệu về VMOOCs.

Hệ thống VMOOCs (khóa học trực tuyến mở đại chúng Việt Nam) giúp người có nhu cầu học tập, nâng cao nghiệp vụ kiến thức miễn phí đã mang đến nhiều giá trị.

Tiếp cận nguồn học liệu mở có sàng lọc

Học tập trực tuyến và học từ xa là một trong phương thức đào tạo phổ biến hiện nay ở nước ta bên cạnh phương thức học tập tập trung. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 không ngừng diễn biến phức tạp, cùng sự bùng nổ của công nghệ (nền tảng IOT), học tập trực tuyến giữ vai trò lớn trong hoạt động học tập, nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng tri thức cho người dân. 

Theo TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa, Trường ĐH Mở TPHCM, học tập từ xa, học trực tuyến dần trở thành xu hướng học tập chính. Nỗ lực phát triển các phương thức đào tạo đa dạng và linh hoạt về không gian và thời gian, phù hợp với người học có nền tảng kiến thức và điều kiện học tập khác nhau là sứ mệnh của Trường ĐH Mở TPHCM. 

“VMOOCs mang đến cho người học sự chủ động, linh hoạt, quan trọng là mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi. Bài giảng trên VMOOCs được thiết kế linh hoạt từ 4-6 tuần theo hai phương thức, gồm học theo mô-đun kỹ năng và nghiệp vụ. Quan trọng người học có thể chủ động đề nghị nhà trường cấp chứng chỉ nếu có nhu cầu khi đạt được thời lượng 70% mô đun học”, TS Thanh cho  biết. 

Cũng theo TS Thanh, bản chất của học tập suốt đời là người học tự học. Muốn phong trào phát triển cần có nhiều hình thức giáo dục mở phù hợp, tạo lực đẩy. Trường ĐH Mở TPHCMđã xây dựng kho dữ liệu tốt hơn, đáp ứng mọi nhu cầu của người học, nhất là người học theo hướng chuyên ngành. Chúng tôi hy vọng, Bộ GD&ĐT có thể xem xét nghiên cứu để cho phép người học theo hình thức này có thể tích lũy tín chỉ trong quá trình học, để chuyển tiếp sang các chương trình được cấp bằng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng: Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc các trường đại học mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục để mang đến cho người học cơ hội học tập thuận tiện và linh hoạt nhất là đáng ghi nhận. Bởi các phương thức giáo dục mở, ngoài giúp mọi người tiếp cận nguồn học liệu có sàng lọc, còn gián tiếp thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời. 

Cần hành lang pháp lý hỗ trợ

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và khoa học kỹ thuật, việc khai thác, phát huy tối đa ưu thế của công nghệ số đã tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận, thích ứng với nhiều phương pháp học tập qua Internet. 

Theo đó,nhà trường tạo ra môi trường học tập hiệu quả, tiếp thu kiến thức mở khắp mọi nơi,chỉ cần một máy tính có kết nối Internet, người học có thể tham gia lớp học tại bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào, giảm thiểu các chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, không gian. Người học cũng có thể tham gia học tập bằng các phương tiện công nghệ khác như laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng…

“Tất nhiên, các khóa học trên không gian VMOOCs vẫn bảo đảm các quy tắc chung tối thiểu như một khóa học trực tuyến hay đào tạo từ xa với người học. Nhưng bản chất của VMOOCs chỉ là cung cấp và giúp người học tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để làm tốt hơn công việc của mình, chưa hướng đến mục tiêu đào tạo cấp bằng. 

Các khóa học được xây dựng miễn phí và theo hướng khuyến khích người học chủ động tham gia vào quá trình học, cá nhân hóa quá trình học tập của mình…VMOOCs hiện có sự tham gia của các đối tác như Trường ĐH Mở Hà Nội, Viettel, VNPT… và mở dần sự tham gia cung cấp nội dung các khoá học của  cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân”- GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cung cấp. 

Ra đời và được đón nhận từ nhiều bộ phận người học mang đến cho hệ thống nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho mô hình và hình thức học tập này một yêu cầu quan trọng. Đó là hành lang pháp lý để hệ thống được duy trì, phát triển ổn định, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu học tập, trau dồi tri thức của người học. 

Nhìn nhận đây là điều sớm phải có, bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết: Chắc chắn trong thời gian sớm nhất, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để có thể sớm công nhận kết quả học tập suốt đời, từ hệ thống giáo dục mở đại chúng như VMOOCs để cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học. 

VMOOCs khởi đầu với 40 khóa học, trong đó có 1 khóa học liên kết với 1 tổ chức của Úc, thể hiện tính quốc tế của dự án khá lớn. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đây là một khởi động tích cực. Ông tin tưởng VMOOCs sẽ ngày càng phát triển, gia tăng về số lượng khóa học được cung cấp bởi nhiều trường và điều quan trọng là chất lượng của các khóa học được cung cấp bởi các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ